Để phim Việt bước ra thế giới

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
18/03/2019 06:54 GMT+7

Mới đây, sự kiện phim Hai Phượng có được doanh thu khả quan khi chiếu tại các nước Bắc Mỹ cho thấy cơ hội xuất ngoại của phim Việt đã rộng mở hơn. Tuy nhiên, để phim Việt bước ra thế giới một cách lạc quan là điều không dễ dàng.

Nỗ lực cho giấc mơ xuất ngoại

Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn) là phim Việt đầu tiên của năm 2019 xuất hiện trên kênh quốc tế Netflix. Gái già lắm chiêu 3 của bộ đôi đạo diễn NamCito - Bảo Nhân đang quay cũng đã ký hợp đồng chiếu trên hệ thống này. Đạo diễn Bảo Nhân cho biết: “Chúng tôi có những mối quan hệ và tự tin sản phẩm của mình đủ chất lượng để đưa ra thị trường quốc tế, trước mắt là trong khu vực châu Á. Netflix hiện rất quan tâm tới thị trường châu Á, trong đó có VN. Netflix có những tiêu chuẩn riêng cho các phim trình chiếu và tôi cũng tự tin đội ngũ sản xuất VN đang ngày càng chuyên nghiệp, sản xuất theo đúng quy chuẩn của phim điện ảnh hiện đại”.
Khi được công chiếu tại Mỹ, Hai Phượng được báo chí quốc tế khen ngợi và ví như John Wick (một siêu phẩm hành động điển hình của Mỹ) phiên bản Việt. Thông qua nhà phát hành Well Go USA (từng phát hành nhiều bộ phim nổi tiếng của châu Á khác), ban đầu phim chiếu tại 13 rạp, rồi đẩy lên 28 rạp tại Mỹ, sau đó lấn sang chiếu rạp tại Canada. Để có được kết quả đó, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết: “Tôi phải mang đứa con tinh thần này đem đi gõ cửa từng nhà phát hành để nói chuyện với họ và mọi chuyện không dễ dàng gì, vì họ chưa biết nhiều về phim VN nên có sự nghi ngờ về chất lượng”. Ngô Thanh Vân cũng cho biết một trong những lý do giúp phim chinh phục nhà phát hành: “Tuy là phim hành động song Hai Phượng vẫn được xây dựng đậm chất VN, thể hiện rõ nét từ tạo hình nhân vật đến bối cảnh quay...”.
Theo Box Office Mojo, Hai Phượng (Furie) đạt doanh thu hơn 395.000 USD (9,1 tỉ đồng) sau hai tuần chiếu tại Mỹ. Phim hiện cũng đã bán bản quyền cho một số thị trường quốc tế khác và cả Netflix - hệ thống xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay.
Trước Hai Phượng, phim Việt chưa có nhiều cơ hội phát hành ở nước ngoài, đa số phim trình chiếu ở các nước chỉ là trong khuôn khổ các liên hoan phim quốc tế, hoặc chiếu cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại xem. Việc xuất khẩu phim Việt, phát hành thương mại một bộ phim điện ảnh Việt cho thị trường chiếu bóng nước ngoài, cạnh tranh với các phim quốc tế khác vẫn là một cánh cửa hẹp. Có thể kể một vài nỗ lực xúc tiến để phim Việt phát hành nước ngoài nhưng chỉ nhỏ lẻ, chưa đạt hiệu quả cao về doanh thu như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Chuyện tình xa xứ, Ngủ với hồn ma, Chung cư ma, Em là bà nội của anh, Bi, đừng sợ!, Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, con vịt và cô gái điếm, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lửa Phật…

Khó có chỗ đứng khi phim chưa chất lượng

Nhiều phim Việt từng rình rang với thông tin phát hành ở nước ngoài nhưng thực chất chỉ là đoàn phim mang bản phim và thuê rạp để trình chiếu phục vụ đối tượng khán giả người Việt xa xứ. Đạo diễn Khoa Nguyễn tiết lộ: “Đa số phim Việt phát hành tại Mỹ chỉ trong phạm vi hẹp, phục vụ bà con Việt kiều là chính, nhưng cũng chỉ lèo tèo khán giả, số tiền thu được chẳng bao nhiêu, không đủ kinh phí chuyến đi quảng bá”.
Phim Gái già lắm chiêu 3 phát hành quốc tế trên kênh Netflix
Phim Giấc mơ Mỹ từng thông tin là chiếu rạp của Mỹ nhưng chỉ chiếu vài suất ở các rạp nhỏ. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền thừa nhận phim chỉ phát hành ở những địa điểm có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống, nên khả năng để đạt doanh thu là vô cùng thấp. “Phim Việt với kinh phí thấp, chất lượng chưa cao, không sánh kịp các phim nước ngoài về độ hoành tráng, kỹ xảo...”, cô chia sẻ.
Nhà sản xuất Hằng Trịnh của Công ty Skyline Media, từng thực hiện phim Chung cư ma, nhận định về thể loại phim có nhiều cơ may trong việc xuất ngoại: “Với chất lượng hiện có của phim Việt, chỉ thể loại hành động và kinh dị mới có tiềm năng trụ được ở rạp khi đem chiếu ở nước ngoài”.
Tuy nhiên, với chất lượng phim Việt còn trồi sụt như hiện tại, đa phần chưa đạt chuẩn quốc tế, việc phát hành tại các quốc gia châu Á còn khó khăn, chưa kể đến thị trường Mỹ. Nhà phê bình điện ảnh Phước Châu thẳng thắn: “Quan trọng nhất là phim Việt phải có phim hay, chất lượng”. Anh chia sẻ bài học từ điện ảnh Hàn Quốc. Theo đó, điện ảnh Hàn Quốc từ những năm 1988 về trước gần như là con số không, nhưng họ đã làm kỳ tích khi năng nổ trong việc tạo cơ hội xuất khẩu phim, biết khai thác thế mạnh bản sắc Hàn Quốc, tạo nên một gương mặt điện ảnh không lẫn với quốc gia nào trên thế giới. Do đó, từ năm 1996, xuất khẩu phim của Hàn Quốc chỉ đạt nửa triệu USD nhưng đến 2005 đã bùng nổ gấp 16 lần, lên tới 76 triệu USD. Các tác phẩm điện ảnh của họ không chỉ tạo cơn sốt ở Nhật Bản, Hồng Kông, mà còn được chú ý tại Mỹ và châu Âu.
Nhìn vào sự chuyển động của điện ảnh Việt thời gian gần đây có thể nhận ra khát khao vươn ra biển lớn của nhiều đạo diễn, nhà sản xuất. “Chúng tôi không đặt doanh thu lên hàng đầu khi phát hành phim Việt ra nước ngoài, làm với mục đích mở thị trường mới cho phim Việt, vì thế phải kiên nhẫn và phải đầu tư lâu dài”, bà Ngô Thị Bích Hiền, Hãng phim BHD, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.