Để sách cũ không cũ

30/05/2019 06:31 GMT+7

Ai có sách mang sách, ai có tiền mang tiền, ai không có gì đến tham quan cho đỡ ghiền; yêu sách nên muốn đọc thật nhiều/cơ mà tiền thì lại chả bao nhiêu; trao đổi sách = chia sẻ tri thức... là những slogan 'bắt mắt' mà các phiên chợ sách , ngày hội trao đổi sách thu hút người quan tâm.

Mới đây nhất là Phiên chợ sách Sài Gòn lần 29 vừa diễn ra tại Slowee Coffee & Books (Q.Tân Bình, TP.HCM) do Góc sách - The Book Corner tổ chức. Điều hấp dẫn khiến phiên chợ này trở thành điểm hẹn của người yêu sách là có sự tham gia của nhiều hiệu sách cũ, với gu sách khác nhau: Momo Bookstore: chuyên bán sách xưa, sách ngoại văn; Sách ABC: sách văn học, trinh thám; Đảo Sách - Book Island: sách văn hóa, lịch sử, nhân vật, sự kiện...; Sách Thiên Thanh: sách văn học Nhật Bản, kinh điển... Với mục đích “chia sẻ tri thức và kết nối những tâm hồn đồng điệu”, mỗi tháng một lần, phiên chợ không chỉ là nơi mọi người có thể đến trao đổi sách cùng nhau, để người thích sưu tầm có thể tìm được nhiều quyển sách quý không còn phát hành trên thị trường, mà như nhiều phiên chợ/ngày hội sách mini khác, đa số sách được giảm 25 - 50% giá bìa, hay có những gian sách đồng giá 5.000 - 20.000 đồng, phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên.
Khi việc quảng bá, giới thiệu các hoạt động văn hóa, giải trí khá dễ dàng với hình thức “tạo sự kiện” trên mạng xã hội, người lướt Facebook hẳn không khó để thấy các phiên chợ, ngày hội sách ngày càng được tổ chức thường xuyên. Có thể kể đến các hoạt động trao đổi sách (lẫn mua bán sách cũ) được tổ chức từ các hội, nhóm: Góc sách - The Book Corner; Hội Trao đổi sách; Hội Những người thích trao đổi, mua bán sách, truyện cũ; Hội Mua bán trao đổi sách cũ TP.HCM; Hội Những người yêu sách, trao đổi cho thuê và bán sách cũ... Theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, các hoạt động này phần lớn đều do các nhóm bạn trẻ yêu sách tạo ra để có cơ hội cho những bạn chung sở thích gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi sách hay cho nhau. “Không chỉ rất thú vị mà còn thiết thực và mang lại hiệu quả cao cho văn hóa đọc, nhất là đối với các bạn tuổi học đường hoặc chưa có điều kiện”, anh nói.
Tuy chưa trao đổi sách bao giờ vì “vốn có thói quen lưu giữ sách, để khi cần tham khảo, tra cứu”, song với nhà văn Anh Khang, chia sẻ và trao đổi sách cũ ở những không gian nhỏ, vừa đủ để trò chuyện... là một hành động rất văn minh, vừa thân thiện với môi trường, vừa thể hiện tinh thần tôn trọng những cuốn sách mình đã đọc”. Theo anh, nhu cầu này ngày càng nhiều là vì sách đã cũ với mình nhưng có thể phù hợp cũng như giúp đỡ về tri thức hoặc tinh thần cho những người khác; hoặc cho dù đó là cuốn sách bản thân không thích, thì việc trao đổi cũng mang tính tích cực là bổ sung đa chiều cho những sở thích đọc khác nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.