Người đàn ông đó là Trần Văn Đức. Anh khẳng định chính mình là người trong bức ảnh đang nằm che đạn cho em gái là Trần Thị Hà. Lúc đó, Đức mới 7 tuổi, còn Hà chỉ 13 tháng tuổi.
Chiều 28.10 tại TP.HCM, trước một số khách mời, trong đó có PV Báo Thanh Niên, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã và một ê kíp truyền hình của CHLB Đức, cùng với “nhân chứng sống” Ronald Haeberle và bạn thân của ông là Robert Haward... cầm trên tay 2 bức ảnh Anh che đạn cho em và ảnh chụp một người đàn bà gục chết với vết thương ở đầu, ông Đức nghẹn ngào kể lại cái ngày đau đớn nhất trong cuộc đời ông - cái ngày mà hơn 40 năm qua vẫn còn ám ảnh trong tâm trí của nhiều người… (qua phần phiên dịch tiếng Anh của bà Phùng Thị Lệ Lý, nhân vật gắn liền với bộ phim Heaven and Earth (Giữa trời và đất) của đạo diễn nổi tiếng Oliver Stone).
Một buổi sáng qua hồi ức...
“Đó là buổi sáng ngày 16.3.1968, làng Mỹ Lai hứng chịu những đợt pháo dữ dội và cả rocket, đạn đại liên vãi như trấu từ những chiếc trực thăng quần thảo trên bầu trời. Dân làng hốt hoảng, bồng bế nhau chạy thoát khỏi làng, theo con đường đất hai bên là ruộng lúa thì gặp một đại đội lính Mỹ (Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 20, Sư đoàn bộ binh 23 do trung úy William Laws Calley chỉ huy - NV) dàn hàng ngang càn vào làng. Chúng vừa đi vừa bắn... Ai cũng đinh ninh rằng mình là thường dân (chỉ toàn người già, phụ nữ và trẻ em) thì lính Mỹ sẽ không bắn. Ai ngờ, chúng tập trung lại và xả súng… Khi những tiếng nói xí xồ của bọn Mỹ đã đi xa thì Đức mới tỉnh người, biết rằng mình còn sống. Hóa ra bà mẹ đã nằm đè lên hai anh em Đức trong đống xác người đầy máu và máu…”.
Chỉ vào một vệt trũng trên đám ruộng bên con đường chồng chất xác người trong tấm ảnh, Đức nói: “Chính chỗ này, mẹ tôi đã tất tả lôi hai con vào ẩn nấp. Lúc đó, tôi mới biết mẹ đã bị thương ở đùi và bụng. Mẹ nói: “Con ôm em chạy về nhà bà ngoại ngay, nếu chần chừ tụi Mỹ sẽ quay lại bắn chết” (nhà ngoại tôi ở cách đó 7 km). Lần đầu tiên trong đời tôi cãi lời mẹ, tôi không thể bỏ đi khi mẹ tôi đang trong tình trạng nguy kịch (vết thương ở bụng rất nặng). Mẹ nhìn tôi như van lơn: “Con đi ngay cho mẹ. Hãy cứu lấy em con…”. Tôi đành ôm lấy em, vừa khóc vừa nói: “Con đi nghe mẹ!”. Chạy được khoảng 10 mét, tôi quay nhìn lại, thấy mẹ đang bò theo, rồi bà khóc thét lên khi thấy chị Hồng (chị cả của tôi) đã chết trong đống xác người… Tôi còn thấy mẹ quơ tay lấy cái túi xách của mình đang nằm trên đường, bà xé vải tự băng bó cho mình (mẹ tôi vốn là y tá)… Thấy mẹ đã tạm sơ cứu, tôi ôm em Hà chạy miết trên con đường đất ven ruộng lúa. Rồi một chiếc trực thăng sà xuống. Nhớ lời mẹ dặn, tôi nằm xuống giả chết nhưng cực kỳ sợ hãi… Thời khắc ngắn ngủi ấy, tôi chỉ lo đối phó với những tên lính Mỹ trên chiếc trực thăng, không ngờ bên cạnh - rất gần tôi, một người lính Mỹ khác và Ronald Haeberle đang ghi hình…”.
Ông Đức cho biết thêm mới đây ông có nghe Larry Colburn kể lại rằng, viên phi công trực thăng Hugh Thompson và xạ thủ Larry Colburn khi bay qua đoạn đường đầy xác người đã nhìn thấy mẹ ông còn sống. Họ đã hạ cánh và nói với mẹ ông rằng: “Bà hãy nằm yên, đừng cử động sẽ mất nhiều máu. Chúng tôi trở lại đưa bà đến bệnh viện, sau 15 phút”. Khi họ trở lại thì mẹ ông đã chết do một phát đạn kết liễu vào đầu. Chính Ronald Haeberle đã nhìn thấy tên lính Mỹ đứng ở gần đó bắn mẹ ông. Lúc ấy, mẹ ông mới 31 tuổi.
Vì sao bây giờ mới công bố?
Ronald Haeberle đã chụp ảnh một người đàn bà bị lính Mỹ bắn chết. Ông không hề biết bà chính là người mẹ đã dùng thân mình để che đạn cho hai đứa trẻ mà ông vừa chụp cách đó không lâu… 43 năm trôi qua, những tấm phim về vụ thảm sát Sơn Mỹ (còn gọi là Mỹ Lai), Ronald Haeberle vẫn còn cất giữ cẩn thận. Trong lần bám theo đám lính này, ông đã chụp 60 bức ảnh (40 ảnh trắng đen và 20 ảnh màu) về vụ thảm sát này. Với trách nhiệm một phóng viên chiến trường, cuối năm 1969, ông đã gửi 18 bức ảnh trong vụ thảm sát Mỹ Lai với 504 người dân bị giết lên tạp chí Life và gây chấn động thế giới lúc bấy giờ.
Chúng tôi hỏi ông Đức: “Tại sao đến bây giờ anh mới công khai chuyện này?”. Ông cho biết: “Đây là câu chuyện rất đau thương của cuộc đời tôi. Đáng lẽ tôi vẫn tiếp tục giữ kín nhưng mỗi lần về quê, thấy tên mẹ tôi bị ghi sai trên tấm bia ở Nhà chứng tích Sơn Mỹ, cả bức hình chụp anh em tôi cũng chú thích “Trương Bốn che đạn cho Trương Năm”, tôi không chịu được... Cái ngày 16.3.1968 ấy, mẹ tôi đã sinh ra anh em tôi lần thứ hai trong đời rồi mẹ chết. Tôi nghĩ bất cứ người Việt Nam nào cũng phải làm như tôi: đòi lại sự thật! Tôi đã gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Xã Tịnh Khê cũng đã tổ chức 2 lần họp ở UBND xã. Cô Cúc, bà Trương Thị Lê, vợ chồng anh Trương Hòa Nam, chị Trương Thị Ba (anh chị ruột của Trương Bốn, Trương Năm) đã xác nhận tôi là người trong ảnh”.
Ngồi im nghe Đức nói xong, Ronald Haeberle chỉ nói ngắn gọn: “Mong Đức lấy lại được sự thật”.
Giám đốc bảo tàng Sơn Mỹ nói gì? Trong khi đó, Bảo tàng Sơn Mỹ thì khẳng định ông Đức không phải là người trong ảnh. Ông Phạm Thành Công, Giám đốc Bảo tàng Sơn Mỹ trưng ra cuốn tạp chí Life có in loạt ảnh của ông Ronald với lời chú thích: “When these two boys were shot at”, says Haeberle, “the older one fell on the little one, as if to protect him. Then the guys finish them off” (Khi hai đứa trẻ bị bắn, đứa lớn nằm đè lên đứa nhỏ như để che chở cho em nó. Nhưng lính Mỹ đã kết liễu cuộc đời cả hai” (bản dịch của Sở VH-TT-DL trả lời đơn khiếu nại ông Đức ngày 22.4.2011). Bám vào lời chú thích này, Bảo tàng Sơn Mỹ đã “sáng tác” thêm: “Trương Bốn che đạn cho Trương Năm, cả hai đã bị giết chết”. Sau khi có đơn khiếu nại của ông Đức, bảo tàng đã “sửa sai” bằng việc bỏ tên hai đứa trẻ Bốn và Năm nhưng vẫn giữ nguyên “cả hai đã bị giết chết”, nghĩa là, ông Đức cũng không phải là người trong ảnh! T.S |
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)