Nhiều hiện vật khai quật có giá trị từ những năm qua được trưng bày, giới thiệu với các nhà khoa học, công chúng.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định: “Kỹ nghệ đá cũ An Khê là di tồn văn hóa của người vượn (Hominin) nhiều khả năng là kết quả tiến hóa bản địa của một dạng nhân hình hội tụ truyền thống kỹ thuật chế tác công cụ cuội trong khu vực”.
Trước đó, chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của VN giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN và Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga đã cho ra những phát hiện gây chấn động giới khảo cổ học thế giới.
Với 23 di tích thời đại đá cũ, hàng ngàn hiện vật có niên đại khoảng 80 vạn năm được phát hiện, An Khê trở thành “điểm nóng” trong giới khảo cổ học VN và quốc tế. Các nhà khảo cổ của VN và Liên bang Nga không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên khi khai quật từ những địa tầng nguyên vẹn hàng ngàn hiện vật đá có giá trị. Trong đó, những hiện vật như công cụ đá ghè hai mặt, công cụ chặt thô..., những mảnh tectit và đặc biệt là rìu tay mà theo tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, là “mang những đặc trưng của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại”.
Với hàng ngàn hiện vật khai quật được, các nhà nghiên cứu đã có nhận định bước đầu rằng: So với di tích sơ kỳ khác ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, kỹ nghệ đá cũ An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn. Từ năm 2015 đến nay, những phát hiện chấn động này dần được công bố trên các tạp chí, hội nghị, hội thảo quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu đã không khỏi ngạc nhiên về một khu vực ven sông Ba của Gia Lai ẩn chứa nhiều giá trị khảo cổ tột quý.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Gia Lai, nói: “Đến thời điểm này, đây là di tích có thể nói là xa nhất, cổ nhất của VN về thời kỳ tiền sử. Di tích đá cũ An Khê có địa tầng, có niên đại; được khai quật, nghiên cứu bài bản giữa các nhà khảo cổ của VN và Nga. Di tích này góp phần quan trọng trong đánh giá lịch sử loài người không chỉ ở VN mà là của thế giới”.
Với những phát hiện chấn động của giới khảo cổ học quốc tế về đá cũ An Khê, đây là dịp quảng bá giá trị quý báu của di tích và cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Hiện các nhà quản lý đang có những bước đi phù hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ và quảng bá di tích này. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, cho biết: “Chúng tôi đang triển khai xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu An Khê - Kbang trong những năm tới. Loại hình di sản này không thể tách rời di sản văn hóa khảo cổ ở An Khê”.
Bình luận (0)