Diễn viên Thương Tín: Người nhiều vai diễn nhất Việt Nam

30/05/2010 23:42 GMT+7

Thương Tín - Sáu Tâm của Biệt động Sài Gòn, người chiến sĩ biệt động thành năm xưa, giờ đang khắc khoải nỗi lo trước sự chuẩn bị ra đi của người cha già đang lâm bệnh nặng.

Buồn cho đời làm phim

Thương Tín quê tận Phan Rang, là con đầu, sau anh còn 8 người em cả trai lẫn gái. Ba anh từng là dược sĩ nên các em đều theo nghề. "Chỉ có mình tôi là bôn ba với cái nghề này", anh cười. Hai năm nay, anh gần như sống tách biệt với thế giới hào nhoáng của điện ảnh, tránh tối đa các cuộc tiếp xúc với báo chí bởi: "Chẳng hiểu sao có những phóng viên chưa hề gặp tôi cũng có thể ngồi viết nên một bài báo, thêu dệt đủ chuyện về cuộc sống riêng tư. Nào là Thương Tín bị giam vì cờ bạc, rồi nghiện ngập đến nỗi thân tàn ma dại về tận Phan Rang cai nghiện, rồi bệnh hoạn sắp chết phải ẩn dật trong chùa... Ban đầu tôi còn quan tâm tìm đọc, riết rồi phớt lờ tất cả. Niềm đam mê lớn nhất đời là điện ảnh giờ tôi còn hững hờ huống chi những bài báo như thế".

Cuộc chuyện trò với anh chỉ đến từ một phía vì anh gần như độc thoại, thổ lộ hết những buồn đau của một nghệ sĩ mà lẽ ra ở tuổi 54 phải ở đỉnh cao của sự nghiệp. "Ngày xưa, lúc đang là ngôi sao, họa hoằn lắm tôi mới ngồi xe hơi về thăm ông bà già, thảy cho cục tiền và yên tâm ra đi với suy nghĩ như vậy là tròn chữ hiếu. Đến giờ qua bao giông bão cuộc đời, ngồi nhìn lại, chính cha mẹ già mới là người thương yêu mình nhất trên đời. Tôi vội vã chạy về, vội vã lo toan, ác thay chỉ còn kịp chăm lo hai người trên giường bệnh", anh ngậm ngùi kể. Anh hiểu những xấp tiền đó làm sao đổi được bữa cơm gia đình quây quần bên cha mẹ để rồi sau 30 năm ly dị vợ, con trai duy nhất đã trưởng thành, có cháu nội 2 tuổi rưỡi, nhìn lại đời mình anh thấy trống không!

Người nhiều vai diễn nhất 

 Vụ tôi đánh bạc mà một số báo loan tin ầm ĩ chỉ là do hiềm khích cá nhân thôi. Tôi chẳng ngồi tù ngày nào, chỉ chơi vui chứ có tổ chức gì đâu. Đời tôi tai tiếng nhiều rồi giờ thêm nữa cũng chẳng sao.

Diễn viên Thương Tín

Anh cười to nói mình từng được sách kỷ lục Guinness Việt Nam xếp vào danh sách diễn viên đóng phim nhựa nhiều nhất trong một năm (12 phim). Tính gộp từ bộ phim đầu tiên anh tham gia là Nắng đỏ (1978) đến nay, Thương Tín diễn hơn 300 vai đủ thể loại từ phim nhựa đến video, rồi phim truyền hình và cả sân khấu. Ngày được đạo diễn Lâm Tới mời vào vai chính phim Nắng đỏ anh ngạc nhiên bởi: "Gương mặt tôi cô hồn sao lại chọn vào vai anh bộ đội? Phim quay lúc tôi là sinh viên năm cuối trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM và khi công chiếu, báo chí đã chê bai thậm tệ đến nỗi anh Lâm Tới từ bỏ hẳn ý định trở thành đạo diễn. Còn tôi lại được khen. Ác thay cũng chính vì vậy mà tôi đeo đuổi điện ảnh mấy mươi năm".

Sau đó là hàng loạt phim đóng dấu tên tuổi của Thương Tín như Bài ca không quên, Vụ án hồ Con Rùa, Ván bài lật ngửa, SBC, Chiến trường chia nửa vầng trăng... "Kỳ lạ là khi vào vai Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn tôi đóng tưng tửng, lơ là nhất nhưng tiếng vang lại quá lớn. Cuộc đời làm phim cũng có cái lạ lùng, nhiều vai tôi tâm đắc, dồn tâm trí vào lại không được biết đến nhiều, trong khi nhân vật Sáu Tâm yêu cô bán cháo vịt Ngọc Lan (Thúy An) cứ được khán giả nhắc mãi. Tôi nhớ năm Biệt động Sài Gòn chiếu lần đầu ở Hà Nội, 6 rạp phim lớn nhất thủ đô đều ken kịt người, chen lấn đến nỗi cửa rạp bị đạp vỡ cả. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy điện ảnh có "uy" đến thế", Thương Tín nhớ lại.

Nếu đồng ý phim Biệt động Sài Gòn đã khác

Thương Tín nhớ mãi sau khi phần 2 Biệt động Sài Gòn (trong tổng số 4 phần) được công chiếu, đạo diễn Long Vân tìm gặp anh tham khảo ý kiến. "Vì phần 2 Sáu Tâm hy sinh nhưng khán giả có vẻ buồn nên đạo diễn đề nghị tôi tiếp tục tham gia phần 3 và 4 sau khi sửa lại kịch bản: Sáu Tâm bị bắn, địch tưởng anh đã chết nên đưa vô phòng lạnh bảo quản xác để điều tra thì các chiến sĩ biệt động thành tìm cách đưa Sáu Tâm về căn cứ chữa chạy vết thương, tiếp tục tham gia chiến đấu. Tôi nghe cũng khoái nhưng thú thật lúc đó đắt show đóng phim quá, hợp đồng đã lỡ ký rồi nên đành khất hẹn với đạo diễn Long Vân. Vì vậy mà khán giả không có dịp gặp lại Sáu Tâm trong 2 phần sau. Tôi nghĩ nhờ thế mà khán giả mãi nhớ đến vai diễn của mình".

Năm ngoái có dịp đi thăm các ngôi chùa cổ ở miền Bắc, Thương Tín phải dùng khăn che mặt để khán giả không nhận ra bởi ai mà phát hiện cũng chạy đến cầm tay anh hỏi thăm nhiều lắm. "Đời đóng phim dù nhận quá nhiều giải thưởng nhưng tôi chưa hề được phong tặng danh hiệu NSƯT, dù đó chỉ là phần thưởng tinh thần. Thôi thì cuối sự nghiệp mà còn được khán giả nhớ đến là mừng rồi. Nhiều em hiện là công an cấp cao đã từng tâm sự với tôi rằng: Anh Tín ơi chính vì những vai diễn của anh, đặc biệt trong phim Biệt động Sài Gòn thể hiện phẩm chất cao đẹp của người công an nhân dân và chiến sĩ biệt động thành mà em theo học ngành này đó. Tôi nghe mà nước mắt lưng tròng".

Anh tự nhận mình là người thẳng tính, chẳng biết luồn cúi, xu nịnh ai nên dễ được thương mà cũng lắm kẻ ghét. "Tôi biết tính tình như thế chỉ khổ hại cái thân nhưng làm sao thay đổi được khi trời đã cho mình tính cách như thế. 12 tuổi tôi đi bụi đời, tự lo cho bản thân, sống lang bạt kỳ hồ nên giờ có mang tiếng là thằng nghiện, tên cờ bạc, gã sở khanh hay con bệnh thì chẳng sao”.

Thương Tín tự nhận bởi tính cách nghệ sĩ, lãng mạn và chẳng biết tính toán nên anh mới không giàu có như người ta nghĩ. "Ngày xưa tôi buôn đất giờ chắc thành đại gia rồi chứ đâu mang tiếng như bây giờ. Giờ tôi sống tạm ổn, không giàu nhưng chẳng nghèo. Thế là đủ". Hẹn anh một ngày gặp nhau tại Sài Gòn tâm sự nhiều hơn, Thương Tín không dám hứa bởi: "Ông già đang hấp hối nên không chắc được gì. Tôi muốn cha nhìn thấy mình trước lúc nhắm mắt đi xa".

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.