Độ loang của từ - Truyện ngắn của Lê Anh Hoài

29/07/2018 07:24 GMT+7

Bệnh nhân ngồi trước mặt tôi. Anh ta co người rúm ró, có cảm giác xương của anh cấu tạo như cần ăng ten, khi cần có thể xếp gọn lại.

H là một họa sĩ trẻ, có triển vọng. Từ “triển vọng” tôi nhặt được trong một bài báo viết về anh ta trên mạng, kèm theo mấy bức tranh của anh, vẽ những khuôn mặt khá quái dị, nửa người nửa thú. Hội họa chưa bao giờ là quan tâm của tôi, trừ khi nó liên quan đến bệnh nhân như trường hợp H.
Xếp gọn cơ thể và giữ nguyên như vậy một lúc lâu, H xoải người ra trên ghế, cùng lúc anh thốt lên: “Tồng tông tống”. Đã quen với các biểu hiện của nhiều người bệnh khác nhau, tôi không bao giờ tỏ ra ngạc nhiên. “Anh vẫn uống thuốc đều chứ?”, lần này thì H trả lời vào câu hỏi: “Vẫn!”. Quan trọng, anh ta dùng từ có nghĩa và khớp với tình huống giao tiếp.
H thuộc về trường hợp câm lặng tự cưỡng bức? Giữa những câu nói của anh là khoảng im lặng dài đến khó chịu. Tất nhiên, với tôi thì không có vấn đề gì. Đây là việc của tôi. Dù sao thì H cũng còn đỡ khó chịu hơn những bệnh nhân lải nhải không ngừng với đủ loại chủ đề vô nghĩa.
Tôi kín đáo quan sát bệnh nhân. Ở H bắt đầu xuất hiện tình trạng bất động toàn bộ cơ thể trong một lúc lâu? Đây là một dấu hiệu cho thấy những ý nghĩ hoặc ảo giác đang xâm chiếm bệnh nhân. Tuy nhiên, nét mặt của H lại không bị rơi vào tình trạng trong nghề mô tả là “sững sờ”, nó thay đổi liên tục tựa như bệnh nhân đang chăm chú nghe nhạc. Ánh mắt H như đang chăm chú vào một điểm ở ngoài căn phòng, nhưng thần mắt cực kỳ linh động. Nếu H đeo tai nghe thì anh ta chẳng khác gì một thanh niên trẻ sành điệu có thể nhìn thấy đầy đường.
Điều kỳ lạ, đây là một ca cực kỳ hiếm hoi mà người bệnh tự đến gặp bác sĩ. Tôi là bác sĩ tâm thần có mở phòng khám tư. Và ở cả phòng khám tư lẫn bệnh viện nơi làm việc chính thức, tôi chưa bao giờ gặp người bệnh tự nhận là mình bị rối loạn tâm thần, trừ H. Bệnh nhân thường tự nhận là mình đã khỏi hoặc chưa bao giờ bị bệnh. Đôi khi chúng tôi ám thị để họ nói như thế.
“Tôi có thể đến nhà anh chơi được không H?”. Vẫn như mọi khi, đáp lại là cái lắc đầu dứt khoát. Chữa bệnh cho H gần nửa năm nay, tôi có cảm giác thân thiết với anh ta, dù rằng H không chia sẻ gì về đời sống hay công việc. Ngay các biểu hiện cả bên trong lẫn lâm sàng bên ngoài về bệnh, đều là do tôi dùng chuyên môn để dò dẫm, thăm khám. H đóng kín như một nhà tù. Những câu hỏi của tôi, nếu được quan tâm thì hầu như cũng chỉ nhận được câu trả lời có/không, gật/lắc đầu. Tôi muốn quan sát thêm bệnh nhân này trong các môi trường khác nhau, định đưa trường hợp này vào nghiên cứu của mình. Chính vì H đang làm lợi cho việc nghiên cứu của tôi nên vấn đề tiền nong thực chất tôi không quan tâm.
Tôi tiễn H ra cửa, anh ta đi sang đường và hòa nhập vào đám đông như mọi người. Không ai biết được đây là một người có vấn đề về tâm thần.
Nói rõ ra, đây là một bệnh nhân của tôi, chỉ tôi và H biết việc này. Tôi chưa hề đăng ký H vào danh sách bệnh nhân quốc gia. Việc này gây ra khá nhiều điều phiền phức, như các kiểm soát y khoa về liệu trình điều trị, vấn đề nguồn thu và thuế cũng là một vấn đề tế nhị khác. Tuy nhiên vấn đề về H không hẳn là như vậy. Tôi không định giở trò “khám chui” với anh. Tôi vẫn có một cảm giác anh ta không hẳn là một người “điên”, đây là từ không theo chuẩn chuyên môn mà theo nghĩa tự tôi đặt ra. Điên theo khái niệm của tôi, là người hành xử bất cần các vấn đề như tự trọng, nhận thức về thiện ác và vẻ đẹp. Còn theo thầy tôi, tất cả mọi người, không trừ một ai, đều có những lúc mất cân bằng về tâm thần. “Đó là mảnh đất của chúng ta” - ông nháy mắt, có chút bất nhẫn, đó là tôi nghĩ thế, lúc ấy. Nhưng về sau tôi hiểu ông chỉ muốn đưa đến cho tôi một thông điệp vui vẻ. Sau cùng, tôi mới hiểu ẩn ý của ông.
***
Thực tế, thầy hầu như không sống với những người được mệnh danh là bình thường, khoảng thời gian lớn ông sống với những người đã ly khai với cách nghĩ và đương nhiên - cách hành xử - của xã hội. Ông cũng không tích lũy gì cho bản thân, kể cả danh tiếng. Và về cuối đời, ông bị vợ ruồng bỏ, lấy hết tài sản. Đứa con trai công khai từ ông. Lý do, ông đã tham gia vào một tà đạo (?) nghe đâu trong số này đa phần là văn nghệ sĩ, ngoài ra là một số nhà khoa học. Không hề có thêm bất kỳ một thành phần nào khác.
Nếu thầy có sáng tác thơ, viết tiểu thuyết hay vẽ tranh tạc tượng tôi nghĩ cũng rất hợp lý. Tuy nhiên, khi chết, trong căn nhà trọ nghèo nàn của thầy không có gì ngoài những ghi chép bệnh học. Những ghi chép này bị nhóm học trò cưng của thầy chia năm xẻ bảy. Nó như một báu vật bị chìm xuống biển, tệ hơn, bị xẻ ra thành từng mảnh và mỗi mảnh bị vứt xuống một vùng biển khác nhau. Qua thời gian, nội dung của các ghi chép này trở thành một thứ huyền thoại. Những kẻ được cho là đang sở hữu một phần bản thảo này thì không bao giờ mở miệng. Một huyền ý được lưu truyền trong giới: Thầy đã tự ghi lại những diễn biến tâm thần của bản thân chứ không phải là ghi chép bệnh học về các ca bệnh mà thầy được tiếp xúc như mọi người thường tưởng. Có thuyết khẳng định cách viết của những ghi chép này hấp dẫn như một cuốn tiểu thuyết. Có người lại đoan chắc, thầy ghi lại tất cả những thứ này bằng thơ?
Để sáng tạo, người ta phải nghĩ khác đi, hay vì đầu óc của họ khác với số đông, họ sáng tạo? Không phải là nghệ sĩ, tôi không trả lời được câu hỏi này. Có lẽ thầy tôi đã tìm ra câu trả lời? Câu trả lời có nằm trong cuốn ghi chép của thầy? Có lẽ H phù hợp với nhóm đạo giáo bí hiểm này? Giờ giáo phái ấy còn không? Giá như thầy tôi còn sống, H chắc là trường hợp ông thích thú.
***
Tôi tìm hiểu thêm về các nghệ sĩ đặc biệt. Trước đây tôi đã nghe thầy tôi say sưa giảng, ông đưa một số trường hợp làm ví dụ cho những ca tâm thần phân lập. Thời đó, tôi không quá quan tâm đến những ví dụ này vì thấy tỷ lệ nghệ sĩ trong dân số quá nhỏ. Sau này mấy khi tôi gặp những ca đó? Tôi kiếm được bao nhiêu từ những ông nghệ sĩ bị điên? Kiểu ông họa sĩ Vincent Van Gogh, người Hà Lan, đã cắt tai của chính mình sau một cuộc cãi vã với người bạn cũng là họa sĩ, và sau cùng ông tự vẫn. Ông họa sĩ kia tên Paul Gauguin, một người đang làm ăn ngon lành, có vợ và nhiều đứa con, bỗng một hôm đẹp trời lên tàu đi tìm vùng đất hạnh phúc. Trong một bức thư gửi cho em trai, Van Gogh viết: “Thỉnh thoảng anh lại trải qua những cơn lo âu tột độ, không rõ nguyên nhân, còn không thì cảm thấy trống rỗng và tâm trí thì mệt mỏi… có những lúc anh lên cơn trầm cảm và có lúc lại cảm thấy hối hận vô cùng”. Đúng là một tài liệu chuẩn về bệnh học. Nhưng để làm gì với đa số bệnh nhân ngoài kia?
Internet chắc là không thiếu. Đây: “Thiên tài âm nhạc mù lòa, liệt não và chậm phát triển... Lúc 14 tuổi, có thể chơi thuần thục bản concerto số 1 của Tchaikovsky bằng piano khi nghe nó qua bộ phim truyền hình trước đó vài tiếng… Chưa bao giờ học piano… đã chơi hàng ngàn bản nhạc tại các buổi hòa nhạc trên thế giới...”. Trường hợp này có vẻ không liên quan đến bệnh nhân của tôi. “Kỳ quan thứ tám của thế giới... mặc dù chỉ nói được không tới 100 từ, nhưng chơi rất hay hơn 700 nhạc phẩm piano, một số tự sáng tác...”. Trường hợp này có vẻ hơi giống với bệnh nhân của tôi, ở chỗ nói rất ít.
Nhưng H không phải là biết ít từ. Anh ta chỉ không thích nói mà thôi.
Tôi dừng lại ở “Danh họa Edvard Munch, tác giả The Screaming - Tiếng thét, ông sống trong tình trạng âu lo kinh niên và bị ám ảnh bởi ảo giác”. Có lẽ đây là trường hợp tôi cần. “Ý tưởng vẽ bức tranh này đến khi ông đứng bên mỏm đá cao nhìn xuống biển ở Na Uy trong một buổi hoàng hôn. Ông viết: “Mặt trời bắt đầu lặn, bỗng nhiên cả bầu trời nhuộm một màu đỏ rực. Tôi đứng đó, người run lên vì lo âu, tôi có cảm giác nghe một tiếng la thất thanh vô tận quét qua vùng thiên nhiên này”.
Tôi mở hình ảnh bức tranh để xem kỹ, giờ thì tôi biết thêm nó là bức tranh nổi tiếng hàng đầu trên thế giới. Nó được rất nhiều người biết đến và được ăn cắp nhiều lần từ trong bảo tàng. Thoạt tiên, tôi thất vọng vì đó chỉ là một bức tranh với những nét nguệch ngoạc thô sơ. Nhưng sau đó, tôi lạnh người vì không khí đe dọa từ bức tranh toát ra. Có lẽ đây chính là phần đáng kể của bức tranh? Dù sao, tôi cũng chỉ là một bác sĩ xem tranh.
Cũng cần phải nói thêm là họa sĩ này đã vẽ tới bốn phiên bản chứ không phải một. Nỗi sợ của ông ấy đáng được đầu tư kỳ công.
Nhưng nếu giá trị của bức tranh chỉ là nỗi sợ hãi, thì nó có đáng không? Thời đại hiện nay, nỗi sợ hãi tràn ngập. Và họ vẫn tiếp tục kinh doanh nỗi sợ hãi qua sách báo, tranh ảnh và phim đấy thôi? Phải chăng, tranh của một người tâm thần thiếu ổn định có giá trị hơn tranh của người được coi là bình thường? Edvard Munch nói về chính mình trong nhật ký - trên mạng - hy vọng điều này không phải là thêu dệt: “Nỗi sợ cũng cần thiết cho tôi như căn bệnh của tôi. Nỗi sợ và căn bệnh đó là một bộ phận không thể tách rời khỏi tôi, bởi vì diệt trừ nỗi sợ và căn bệnh ấy, sẽ cùng lúc, hủy hoại nghệ thuật của tôi”.
Phải chăng đây là một trường hợp tâm thần tự ý thức hiếm hoi trong lịch sử bệnh học? Nó nổi tiếng vì sớm nhất? Hoặc, cần phải nhìn nhận rằng đây là trường hợp nổi tiếng vì có khả năng tự ghi chép về trạng thái tâm thần của chính mình. Với nghệ sĩ, đây là lợi điểm? Tôi hơi giật mình và nhếch mép cười trước cách nhìn thực dụng của chính mình. Nhưng biết đâu đấy? Dù sao một người tâm thần một cách hoang dại cũng vẫn có vẻ “thật” hơn một người tự biết là mình điên?! Liệu người ta có lợi dụng khả năng diễn đạt để tự mô tả trạng thái tinh thần của mình, sao cho có lợi nhất?
Thì đây, một bình luận: “Tác phẩm đã ra đời từ ý tưởng đó được coi là tượng trưng cho nỗi âu lo của con người thời đại mà cá nhân họa sĩ đã trải nghiệm trong suốt cuộc đời mình. Mặt khác, chính nó cũng là động lực không thể thiếu cho sự sáng tạo của họa sĩ”.
Từ khi nào, một trải nghiệm tinh thần riêng biệt, xuất phát từ một cấu tạo não bộ riêng có của một cá nhân, trở thành một trải nghiệm của thời đại? Ông ấy đã mất đi niềm tin vào đấng tối cao? Ông ấy trở nên cô đơn cùng cực và hoang mang khi mình có thể rơi vào địa ngục? Ông ấy cảm nhận được chiến tranh thế giới đang đến gần? Và, thậm chí, ông ấy cảm nhận thấy sự đe dọa của trí tuệ nhân tạo, sẽ xuất hiện sau hơn một thế kỷ? Ông ta là “một người đàn ông khốn khổ trong khoảnh khắc khủng hoảng hiện sinh, đang đối mặt với thế giới mà ông ta không hiểu gì và chỉ còn biết sợ hãi”?
Tôi đi hết từ đường link này sang đường link khác. Thông tin về Edvard Munch rất ít. Ông ta cũng chỉ viết thế, hoặc giả đó là những điều hay ho nhất mà truyền thông chú ý. Còn lại là rất nhiều những bình luận, suy diễn về ông và thế giới tinh thần của ông. Tất nhiên, chính vì thế, giá trị bức tranh của ông càng siêu khủng.
***
Phòng khám tối dần, tôi chỉ ngẩng lên khỏi máy tính khi nhận thấy màn hình nhòe đi. Nhìn ra cửa sổ, những ánh đèn xe nhoang nhoáng lóe rồi tắt. Kính cách âm nên âm thanh đường phố không thể vào đây được. Nhưng lúc này, tôi cảm nhận được thứ âm thanh khuếch đại bằng sự cách âm. Nó có sức tàn phá khủng khiếp. Tôi cảm thấy rã rời. Bỗng nhiên tôi nhớ đến nụ cười của thầy. Tôi nhớ đến sự im lặng của H. Có vẻ anh ta đang đóng góp cho một thế giới sạch sẽ về âm thanh. Nhưng trong lúc rất ít âm thanh phát ra từ H, liệu thế giới bên trong của anh ta có tĩnh lặng như vẻ bề ngoài?
Đúng lúc này tôi thấy một phong thư ở ngay phía trên đám lộn xộn giấy tờ. Lập tức tôi hiểu ra đó là thư của H gửi cho tôi. Phong bì không dán, bên trong là mấy tờ giấy với nét chữ cứng cáp, cá tính. Căn cứ theo nét chữ thì đây là một người rất tỉnh táo, hiểu rõ mình đang muốn diễn đạt điều gì.
***
Thư của H:
“Càng sống thêm, tôi càng thấy ngôn từ vô bổ. Nó nguy hiểm. Một từ khi đi vào não, nó loang nhanh ra như màu nước trên giấy dó. Nó lập tức bao chiếm một số lượng những sợi thần kinh và kết hợp những sợi này thành một nơi phát ra một loại sóng tác động vào toàn bộ cơ thể. Dĩ nhiên, các từ khác nhau sẽ loang ra trong não với tốc độ khác nhau, và bao chiếm những khoảng sợi thần kinh ở vị trí khác. Ngay một từ, tùy theo từng lúc khác nhau, nó hoạt động khác. Các từ đều có màu riêng, và tập hợp các từ cho những tổng phổ hòa sắc riêng.
Việc khó chịu của ngôn từ, đặc biệt khi từ kết hợp thành câu, là sự bó buộc của việc mang nghĩa. Ngữ pháp chỉ là một phần của vấn đề - phần dễ nhận ra nhất. Phần bào mòn cảm xúc nhất là việc các từ cần phải được ghép lại thành câu có nghĩa.
Tôi biết, có khá nhiều cách kết hợp để đưa ra một thông điệp nào đó. Và với mỗi kiểu, thông điệp lại có một sắc thái, hình dạng khác. Nếu người nói phun ra một con rắn, họ có thể lựa chọn để con rắn bành mang phun nọc dọa dẫm, hay con rắn xanh màu diệp lục nằm im trong đám lá với nọc độc kinh người, thậm chí một con rắn hiền lành giả dạng con lươn…
Tôi hình dung được tất cả những điều đó. Tôi chán ghét tất cả các hình thức tu từ, tất cả các kiểu khéo léo, xảo thuật. Điều này dần dà làm từ ngữ mất đi vẻ đẹp nguyên sơ. Nó biến dần thành một thứ khí giới thực dụng. Thoạt đầu, con người cần có ngôn ngữ để hiểu nhau. Nhưng ngôn ngữ đã nhanh chóng biến thành một thứ tuyệt vời dùng để che mắt nhau.
Một thời gian dài, tôi cố gắng nói thật ít. Và khi nói, tôi cố gắng dùng những câu ngắn. Thậm chí một từ cộc lốc. Tôi cố gắng dùng những từ chỉ có một nghĩa.
Thỉnh thoảng, tôi chơi một trò chơi gieo các từ không liên quan với nhau, như dùng các giọt màu nước ngẫu nhiên nhỏ bừa lên một tờ giấy dó. Tôi ngắm nhìn những khoảng màu đan vào nhau, những đường biên giãn ra chậm dần, các phần tử màu dừng lại định cư trên điểm định mệnh của chúng. Rồi cuối cùng, vụ nổ Big Bang thu nhỏ kết thúc, chỉ còn một chấm màu bé xíu dừng lại hẳn trên một sợi giấy li ti.
Việc này đối với tôi giống với yoga não bộ. Tôi biết đây là một lựa chọn kỳ quặc với đa số con người. Và anh chính là người có chuyên môn nghề nghiệp điều chỉnh những xu hướng tinh thần khác biệt kiểu như tôi. Chắc anh đang tự hỏi, vậy vì sao tôi lại tìm đến anh, để làm gì?
Câu trả lời rất đơn giản. Tôi thực hiện di nguyện của thầy anh. Trước khi mất, thầy anh muốn tôi đến gặp anh, để anh được biết một trường hợp tinh thần khác biệt. Qua đó, anh sẽ có những công trình nghiên cứu theo hướng hoàn toàn mới về các vấn đề tinh thần của con người. Theo ngôn ngữ của ông ấy, tôi thuộc trường hợp “siêu điên”. Cần nói thêm, chúng tôi, những kẻ “siêu điên” có mối liên hệ với nhau. Và chính thầy của anh là người kết nối chúng tôi lại với nhau. Giờ ông ấy mất rồi, chúng tôi tản mát mỗi người mỗi ngả. Chỉ vậy thôi chứ không có một “tà đạo” nào.
Thầy anh có để lại một số di cảo. Tôi chính là người được ông ấy nhắn lại các chỉ dẫn để có thể tìm được số di cảo này. Lời nhắn nói rõ, anh sẽ là người nhận được chúng, “khi đạt tới trình độ tinh thần phù hợp”.
Hiện tại, tôi có công việc cần phải thực hiện. Một chuyến đi xa, không phải về địa lý mà về tinh thần.
Anh không thể tìm tôi. Vào lúc thích hợp, tôi sẽ tới gặp anh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.