Đời nhạc công

28/04/2007 15:28 GMT+7

Các fan la hét, gọi tên ca sĩ. Sân khấu chìm trong âm thanh cuồng nhiệt, náo động. Từ trong cánh gà, ca sĩ bước ra chào khán giả thêm lần nữa, nán lại để hát tặng một bài hát theo yêu cầu... Hình ảnh đó dần trở nên quá quen thuộc trên sân khấu ca nhạc. Nhưng vẫn còn đó những người lặng lẽ, âm thầm đằng sau vinh quang. Họ chưa một lần được khen tặng hay tung hô. Ánh đèn sân khấu hằng đêm vẫn soi sáng gương mặt họ song mấy ai biết đến? Họ là những nhạc công.

Thả hồn trên sân khấu lớn

Sài Gòn một tối tháng tư. Gọi điện cho tay keyboard Trung Thuận từ chiều và được anh hẹn gặp ở hậu đài Nhà hát Hòa Bình, 19h, tôi "khăn gói" lên đường. Đến nơi đã thấy toàn bộ anh em nhạc công có mặt đầy đủ. Đang loay hoay tìm cách liên lạc, bất ngờ có giọng gọi giật từ sau lưng. Tôi nhận ra gương mặt quen thuộc. Trung Thuận mặc chiếc áo sơ mi trắng, đóng thùng. Nhìn anh giống như một cậu sinh viên hơn là nhạc công thứ thiệt.

Thuận chơi keyboard cách đây đã 12 năm. Từ nhỏ, cậu bé Thuận sớm bộc lộ năng khiếu đánh đàn. Ở vùng quê Cần Thơ, cậu luôn ao ước có ngày mình được học hành và biểu diễn giữa Sài Gòn nhộn nhịp. Nghĩ là làm. Thuận chăm chỉ học hành, luyện ngón đàn cho vững. Công sức đó được đền bù. Năm 2004, Trung Thuận tốt nghiệp khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy Nhạc viện TP.HCM.

Mười năm học hành, lập nghiệp nơi xứ lạ, Trung Thuận đã tự đứng được bằng đôi chân của mình. Anh yêu nghề và "sống chết" với nó. Ban ngày, ngoài giờ luyện tập cùng ban nhạc New Friends, Thuận đánh đàn thu âm băng đĩa cho ca sĩ. Tối đến, anh biểu diễn trên các sân khấu ca nhạc như Hòa Bình, Lan Anh... Thỉnh thoảng những ca sĩ "ruột" như Cẩm Ly, Mỹ Tâm hát ở phòng trà, Trung Thuận cũng đến tham gia. Với anh, công việc cứ đều đặn như thế.

Anh cười khi nghe tôi hỏi về thu nhập của nghề nhạc công. "Tôi còn độc thân dù đã bước sang tuổi 31. Tiền kiếm được từ nghề này tuy không cao nhưng đủ để tôi trang trải mọi chi phí trong cuộc sống và có dư chút ít để tích lũy mua sắm nhạc cụ. Đến giờ tôi vẫn ở nhà thuê trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Đậu".

Anh thổ lộ mình thật may mắn khi vừa tốt nghiệp đã được cộng tác với những người giỏi trong ban nhạc New Friends do nhạc sĩ Lê Quang thành lập nên có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Trung Thuận còn cho biết anh từng hòa âm, phối khí nhiều ca khúc dân ca cho ca sĩ Cẩm Ly được khán giả ưa thích.

Tạm biệt Trung Thuận, trưa hôm sau tôi gặp Tấn Phong tại phòng thu Viết Tân. Đôi tay anh lướt trên phím đàn, cặp kính cận ẩn dưới cái đầu trọc lóc, trông anh cũng ra dáng nghệ sĩ lắm. Tấn Phong sinh năm 1973, tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật năm 1992 khoa guitar. 15 tuổi, anh đã đam mê phím đàn. Từng giai điệu của mỗi bản nhạc qua tay anh bỗng trở nên tha thiết hay bốc lửa, sôi động hơn. Có lẽ do năng khiếu từ nhỏ nên anh đến với guitar một cách tự nhiên. 15 tuổi đã thông thạo hòa âm cộng thêm những năm tháng học ở trường giúp anh "cứng nghề" khi bắt tay vào việc. Hiện anh cũng là thành viên của nhóm nhạc New Friends.

Trong căn nhà nhỏ ở quận 4, TP.HCM, Tấn Phong cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với những gì đang có. Tiếng bi bô của hai đứa con, sự dịu dàng chăm sóc gia đình của vợ khiến anh an tâm làm nghề. Anh từng phổ nhạc cho các ca khúc Sao nỡ đành quên do Cẩm Ly biểu diễn hay Làm người ai làm thế được Lý Hải thể hiện. "Tôi không giàu có nhưng sống được với nghề. Tôi yêu âm nhạc, đặc biệt thích chơi thể loại Fun, Blue. Đôi lúc cũng thấy nao lòng vì ánh hào quang không bao giờ chiếu tới mình dù vẫn hằng đêm cầm đàn đứng trên sân khấu. Nhưng tôi không phải là người sống trong ảo vọng. Do công việc mình đã chọn và do sự sắp xếp của xã hội, mình buộc phải đứng phía sau. Nói thế chứ sau mỗi show diễn lớn thành công, được khán giả khen ngợi, đêm về tôi thấy hạnh phúc lắm. Ít ra mình cũng góp phần nhỏ trong sự thành công đó" - Tấn Phong tâm sự.

...Tiếng trống đầy cá tính vang lên khi bài hát Thềm nhà có hoa được ca sĩ Hải Yến trình bày trong chương trình ca nhạc Album Vàng 2007 trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình. Tay trống đang thả hồn theo từng nhịp nhạc có cái tên thân quen là A Dìn, dù trước đó MC giới thiệu anh là Huỳnh Nhiên. Anh gốc Hoa, chơi trống hơn 10 năm. Nhiên thường xuyên biểu diễn trong các chương trình ca nhạc lớn ở TP.HCM. Anh cũng thừa nhận mình là người an phận. Thích chơi và được chơi trống là quá đủ rồi. Anh không hề bận tâm đến danh tiếng và chưa bao giờ tự hỏi tại sao mình không được nhiều người biết đến dù đã cống hiến cho âm nhạc ngần ấy năm ròng. "Tuổi nghề tùy theo khả năng có thể từ 20 đến 30 năm không chừng. Nghề này nếu chịu khó học hỏi, trau dồi có thể "thọ" hơn làm ca sĩ nhiều".

Tận tụy bên sân khấu nhỏ

"Chúng tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng: nổi tiếng hay không không quan trọng bằng làm được điều mình thích với thu nhập đủ để lo cho gia đình, bản thân. Đâu chỉ có sáng tác hay biểu diễn ca khúc mới là người tài năng trong âm nhạc. Nhiều thể loại khác như nhạc phim, nhạc kịch... rất cần những người có nghề. Chúng tôi làm được gì dù nhỏ bé cho âm nhạc cũng cảm thấy vui lắm rồi", nghệ sĩ keyboard Quang Anh.

23h đêm ở phòng trà 2B Lê Duẩn. Khi khán giả lần lượt ra về, ánh đèn sân khấu vụt tắt, ca sĩ cũng bước vội ra ngoài thì những người nhạc công mới lặng lẽ thu dọn nhạc cụ. Tôi gặp được cả nhóm gồm 7 người: Quang Anh (keyboard), Quang Huy (trống), Thanh Thảo (violon), Yên Lam (piano), Thanh Sơn (guitar bass), Gia Thành (guitar) và Đông Hòa (saxophone). Nghe tôi đề nghị hỏi chuyện, mọi người dường như vẫn thoáng chút rụt rè, bỡ ngỡ. Họ ngạc nhiên vì chưa bao giờ gặp gỡ giới báo chí. Qua vài lời xã giao thăm hỏi, họ mạnh dạn hơn khi nói về nghề.

Người đặc biệt nhất trong nhóm nhạc công ở đây có lẽ là Quang Anh, vì nếu không nói ra chẳng ai biết anh là con của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Quang Anh từng soạn nhạc nền cho các vở kịch của Đài HTV, Sân khấu Idecaf và mới đây là nhạc phim Dưới cờ đại nghĩa. Hiện anh đã có vợ và 3 con nhưng vẫn sống chung nhà với bố mẹ ở đường Thích Quảng Đức. Anh đánh keyboard hơn 20 năm. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật rồi chơi nhạc cho phòng trà 047, sau đó anh chuyển qua 2B và hiện là hội viên Hội m nhạc TP.HCM.

Yên Lam tiết lộ anh là người phối âm, phối khí cho ca khúc Niềm hy vọng của nhạc sĩ Hà Dũng do ca sĩ Hồ Quỳnh Hương trình bày đoạt giải thưởng trong chương trình Bài hát Việt 2006. Anh kể thêm ca khúc Tìm lại lời thề (Phương Thanh hát) lọt vào top 10 bài hát được yêu thích nhất của chương trình Làn sóng xanh là do anh sáng tác. Những bộ phim như Đô la trắng, Ván cờ tình yêu, Chuông reo là bắn...  đều do anh soạn nhạc. Từng theo học Nhạc viện TP.HCM khoa Piano, những tưởng chỉ là rong chơi nhưng cuối cùng Yên Lam lại chọn nghề nhạc công.

Sự hiền lành, chất phác của Quang Huy, Gia Thành, Thanh Thảo hay Đông Hòa khiến tôi cảm nhận ở họ niềm say mê, gắn bó nghề nghiệp hơn ảo vọng về danh tiếng.

Chấp nhận lặng thầm sau ca sĩ, họ làm tròn công việc của mình bằng tâm hồn của người nghệ sĩ, bằng kỹ năng được đào tạo bài bản từ trường lớp. Tôi hỏi có lúc nào cảm thấy chạnh lòng với suy nghĩ - dù chỉ thoáng qua - là mình được học hành mà không có cơ hội nổi tiếng trong khi nhiều ca sĩ, nhạc sĩ chẳng qua đào tạo bỗng chốc lại được tung hô, họ cười, cái cười đầy vẻ... cam chịu và chấp nhận. Cả 7 anh em đều khẳng định là nghệ sĩ thì phải có cái tâm và cái hồn. Thời mở cửa giao du với toàn cầu, chính mỗi nghệ sĩ sẽ góp phần làm cho nhạc Việt tiếp cận với thế giới bằng sự nỗ lực, học hỏi. Mong mỏi chung là thu nhập của anh em ngày càng ổn định hơn để họ dồn tâm sức cho nghề nghiệp. Tất cả đều nhận xét rằng chọn nghề nhạc công đều là những người an phận và không bon chen.

24h đêm. Tôi chia tay họ. Đường phố Sài Gòn dịu mát, vắng vẻ và trong lành. Trên đường về nhà, tôi vẫn còn mãi trong đầu những tiết tấu mượt mà, tha thiết của nhạc Trịnh qua bàn tay của người nghệ sĩ bỗng trở nên đời hơn, người hơn. Và trên sân khấu, hằng đêm người nhạc công vẫn dệt nên những giai điệu đẹp cho âm nhạc dù vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ bên ánh hào quang...

Tấn Phong (phải) chơi guitar và Huỳnh Nhiên chơi trống trong chương trình Album Vàng 2007. Ảnh Đỗ Tuấn

Danh Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.