Dòng nhạc Hoàng Thi Thơ trở lại

20/03/2013 04:00 GMT+7

Lần đầu tiên sau 38 năm (1975 - 2013), một số ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sẽ chính thức đến với công chúng trong chương trình Tình khúc vượt thời gian với chủ đề Tuyệt phẩm Hoàng Thi Thơ và những bản tình ca.

Chương trình sẽ diễn ra lúc 20 giờ 30 ngày 23.3 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), do Trung tâm truyền hình Việt Nam phối hợp Jetstudio thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9, nối sóng với VTV Phú Yên và Đài truyền hình Lâm Đồng.

Hoàng Thi Thơ là một gương mặt quen thuộc trong giới nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975. Ông sinh năm 1929 tại Quảng Trị và mất năm 2001 tại Mỹ. Gia tài âm nhạc của ông có đến trên 500 bản nhạc, trong đó rất nhiều ca khúc được công chúng yêu thích bởi chất dân gian, mang âm hưởng quê hương hoặc hồn nhiên yêu đời. Từ giữa năm 2009, một số ca khúc của Hoàng Thi Thơ đã được phép phổ biến trong nước.


Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - Ảnh: T.L
 

Trong chương trình này, khán giả sẽ được nghe lại những ca khúc quen thuộc: Đám cưới trên đường quê hương, Duyên quê, Rước tình về với quê hương, Mấy nhịp cầu tre, Đường xưa lối cũ, Niềm đau của cát, Túp lều lý tưởng, Tà áo cưới, Một lần cuối, Ô kìa đời bỗng dưng vui, Tình là sợi tơ… qua các giọng ca Elvis Phương, Giao Linh, Phi Nhung, Ái Xuân, Đông Đào, Phương Thanh…

Thực ra những ca khúc kể trên chưa phải là tiêu biểu cho dòng nhạc Hoàng Thi Thơ, gọi là “tuyệt phẩm”cũng chưa thật chính xác bởi nhắc đến Hoàng Thi Thơ là phải liên tưởng những ca khúc vang bóng một thời như: Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu (2 ca khúc đã đưa đôi song ca Ngọc Cẩm  - Nguyễn Hữu Thiết lên đỉnh cao nghệ thuật), Ai nhớ chăng ai, Hỏi người còn nhớ đến ta, Mùa thu Đông Kinh, Nước cuốn hoa trôi, Tạ tình…

Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Thi Thơ còn được coi là người Việt Nam đầu tiên viết nhạc kịch với 4 nhạc kịch rất công phu: Từ Thức lạc lối bích đào (1963), Dương Quý Phi (1964), Cô gái điên (1966) và Ả đào say (1968)… Ông cũng nổi tiếng khi nghiên cứu và dàn dựng các điệu múa mang tính dân tộc và hiện đại như: múa trống, múa lên đồng, múa nón, múa xòe, múa Koho…

Tuy nhiên, từ khi định cư ở Mỹ (1975), hầu như Hoàng Thi Thơ không còn sáng tác, chỉ đến những ngày cuối đời ông mới viết thêm hai nhạc phẩm ca ngợi vẻ đẹp, nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam: Bài thơ má núng đồng tiền (năm 2000), Tóc thề chấm vai (giữa năm 2001)…

Sự kiện dòng nhạc Hoàng Thi Thơ lần đầu tiên chính thức đến với công chúng tuy chỉ với một phần nhỏ trong nhạc mục Hoàng Thi Thơ nhưng cũng đã nói lên sự cởi mở của ngành văn hóa trong việc đánh giá các tác phẩm của các tác giả miền Nam trước năm 1975, đồng thời cũng đã đáp ứng được nhu cầu được hát lại những ca khúc trong sáng trước 1975 (không mang sắc thái chính trị) của công chúng.

Hà Đình Nguyên

>> Ánh Tuyết nức nở kể chuyện nhạc sĩ Văn Cao
>> Nhạc sĩ Phạm Duy: Tâm nguyện cuối đời
>> Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Sống để tạ ơn cuộc đời
>> Hương Lan luôn mang ơn các nhạc sĩ!
>> Đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Phạm Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.