Đưa "Truyện Kiều" lên phim

30/07/2011 14:37 GMT+7

Chuyển thể tác phẩm vĩ đại Truyện Kiều lên màn ảnh là thách thức và niềm khao khát của nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam.

Theo đánh giá của các nhà biên kịch, Truyện Kiều rất thuận lợi cho việc làm phim vì những lý do sau:

Thứ nhất, về cốt truyện, Truyện Kiều có một cốt truyện đầy kịch tính với những nút thắt mở liên tục, rất nhiều tình huống éo le đan cài, câu chuyện diễn ra mạch lạc, rõ ràng, càng về sau càng gay cấn. Một câu chuyện như vậy sẽ vô cùng thuận lợi cho việc xây dựng một kịch bản phim hay. 

 

Tăng Thanh Hà, một trong những ứng viên nặng ký cho vai Kiều được cư dân mạng bình chọn - Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

 

Thứ hai, nhân vật nữ chính có cuộc sống rất đa dạng phong phú, đặc biệt hơn, phần lớn hoạt động của nhân vật chính lại xảy ra trong một môi trường “nhạy cảm” là chốn ăn chơi của giới đàn ông nhiều tiền nhưng hư hỏng. Ngoài ra, một số nhân vật phụ như Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Từ Hải...  có nhiều tính cách độc đáo, khiến cho câu chuyện thêm phong phú sinh động.

Tóm lại, nếu một biên kịch có tài dựa trên Truyện Kiều để xây dựng kịch bản phim, sẽ có một kịch bản phim hay. Vì vậy, việc cho ra đời một bộ phim Truyện Kiều, ở cả hai thể loại, màn ảnh rộng (90 phút – 120 phút) hoặc truyền hình (vài chục tập) là khả thi. Vậy tình hình làm phim Truyện Kiều từ trước tới nay ra sao?

Đã có phim Kiều cách đây gần 1 thế kỷ

Một điều vô cùng thú vị, bộ phim truyện được sản xuất đầu tiên ở Việt Nam, lại chính là phim Kim Vân Kiều. Phim do ông E.A.Famechon, người Pháp, và ông Nguyễn Văn Vĩnh khởi xướng thực hiện từ năm 1923, Công ty phim và chiếu bóng Đông Dương  (Indochine Films et Cinémas) thực hiện và hoàn thành vào năm 1924, công chiếu tại Hà Nội ngay trong năm đó. Nội dung phim bám rất sát Truyện Kiều. Dự án được khởi đầu với một sự hào hứng đặc biệt.

Trên tờ Trung Bắc Tân Văn ngày 13.6.2003, ông Nguyễn Văn Vĩnh viết: “...nếu chúng ta đóng nổi tích Kim Vân Kiều cho khéo theo cái phương pháp nhà nghề chớp bóng là một kỹ nghệ tối tân trong xã hội u Mỹ thì trước nữa chúng ta tỏ được cho người u biết rằng không có điều gì mới cho sức hiểu của chúng ta...”. Tuy nhiên, hơn 30 diễn viên đóng phim Kiều đều chỉ là những diễn viên hát tuồng trước đó, được đưa vào đóng phim, nên các vai diễn được biết là không thành công. Vì thế, Đông Pháp Thời Báo số ra ngày 24.9.1924 chê rằng: “Trong bản chớp bóng có ba nhân vật quan trọng là Thúy Kiều, Kim Trọng và Hoạn Thư. Vai Kim Trọng thì chẳng khác gì một thằng ngốc, diện mạo chẳng ra chi, thái độ lại khả bỉ làm sao chẳng khác chi cái thái độ của mấy anh bôi nhọ mặt ở rạp Quảng Lạc. Nhất là lúc đi tìm nhà trọ... Đến lúc đối diện với Kiều coi thái độ chàng Kim đối với nàng Kiều chả khác gì cái tư cách một bác lính “chào mào” ngồi lần khân với một gái giang hồ... Tóm lại, cuộc chớp bóng vừa rồi thiệt không có giá trị gì, chả lột được đôi chút tinh thần Truyện Kiều, chớp bóng có lẽ lại làm giảm mất cái chân giá trị đối với thế giới...”.

Như vậy, các nhà làm phim Việt Nam cách đây gần cả thế kỷ đã nhắm đến Truyện Kiều rồi, nhưng rất tiếc do trình độ phát triển của nền điện ảnh lúc đó quá sơ khai nên thất bại.

Hai dự án lớn “giữa đường đứt gánh”

Ngót gần một thế kỷ, từ năm 1925 cho đến đầu 2010, không hiểu sao các nhà làm phim Việt Nam không đưa Truyện Kiều vào đích ngắm, cho đến tháng 3.2010, một dự án lớn khởi động khiến dư luận phấn khởi. Đó là dự án của Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng. Dự án bắt đầu với việc tìm kiếm kịch bản hay qua hình thức tổ chức cuộc thi viết kịch bản, với mức thưởng cho kịch bản được đánh giá xuất sắc lên đến 200 triệu cho bộ phim nhựa dài 1 hoặc 2 tập, mỗi tập không quá 90 phút. Thế nhưng mới đây, ông Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đinh Trọng Tuấn thông báo rằng dự án này đã bị hoãn vô thời hạn. Lý do đưa ra là mâu thuẫn chưa thể dung hòa về quan điểm làm phim của 2 đơn vị.

Một dự án phim Kiều khác triển khai âm thầm vào khoảng năm 2010 cũng vừa kết thúc trong tình trạng dở dang. Dự án do một tập đoàn lớn về công nghệ thông tin của Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này triển khai theo hướng phim truyền hình, đề cương lên đến 60 tập, nhưng rất tiếc phần kịch bản giao cho một người không chuyên về biên kịch phụ trách. Người này lúc đầu thuê một số nhà biên kịch viết một số tập, khi được khoảng 10 tập thì cắt hợp đồng với các nhà biên kịch và tự mình viết kịch bản trên cơ sở tham khảo các tập kịch bản đã viết. Có lẽ vì thế nên dự án thất bại ngay từ khâu kịch bản.

Xem ra, việc làm phim Truyện Kiều cũng muôn vàn trắc trở như chính cuộc đời của nàng Kiều, nên có lẽ lại phải nhờ cậy các thế hệ tương lai tiếp nối.

Băng Nữ Tuyết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.