Dubai - Tầm nhìn thay đổi quốc gia

26/01/2021 09:00 GMT+7

Từ sa mạc kép, khô cằn nhưng Dubai đã phát triển như một thành phố toàn cầu và trung tâm kinh tế thế giới với các trung tâm tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, cảng biển, bất động sản… bậc nhất thế giới.

Từ sa mạc kép, khô cằn và nghèo nàn nhưng chỉ trong 20 năm, Dubai đã phát triển thần kỳ, nổi lên như một thành phố toàn cầu và là một trung tâm kinh tế của thế giới với các trung tâm tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, cảng biển, bất động sản, các công trình đồ sộ bậc nhất thế giới: The Palm - quần đảo nhân tạo lớn và đẹp nhất thế giới; Buri Khalifa - tòa nhà cao nhất thế giới; Jebel Ali - cảng nước sâu nhân tạo lớn nhất thế giới,... Dubai còn là điểm giao thoa giữa Đông và Tây với cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất đẳng cấp thế giới.
Dubai được biết đến với sự xa hoa và giàu có bậc nhất, mà còn có hệ thống các trường học danh tiếng với chất lượng giáo dục thuộc top đầu của thế giới. Bởi đây là một trong những quốc gia luôn có những kế hoạch toàn diện để cải cách nền giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực bản địa. Với mong muốn phát triển một thế hệ kế thừa được trang bị để sử dụng các công cụ của tương lai; trong đó phải kể đến những chính sách đầu tư đúng đắn cho giáo dục của Thủ tướng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - Mohammed bin Rashid Al Maktoum.
Do đó, ở Dubai hệ thống giáo dục từ cấp trung học trở xuống đều được giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, các trường công chính phủ cấp sẽ cấp kinh phí và miễn học phí cho công dân. Bên cạnh đó, các trường học tại Dubai không chỉ chú trọng đến việc giảng dạy tiếng Ả Rập mà còn đào tạo thêm ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh. Tại một số trường tư thục họ thậm chí sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ giảng dạy chính. Các hệ thống trường học ở Dubai luôn chú trọng đến việc giảng dạy về đạo Hồi với kiến thức từ nền giáo dục tiên tiến nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị, quy chuẩn văn hóa Ả Rập truyền thống trong thế giới hiện đại.
Các trường không chỉ học quan tâm đến việc phát triển học tập chuyên sâu, tác động đến sự đổi mới thay vì nhồi nhét các kiến thức mà còn trang bị những kỹ năng cần thiết cho học sinh, sinh viên. Từ việc học tập, tập trung vào giáo viên sang lấy học sinh làm trọng tâm - từ phương pháp thầy nói trò nghe chuyển sang học tập tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin và internet vào trải nghiệm học tập của học sinh.
Việc sử dụng những công nghệ tiên tiến và phương pháp giảng dạy đổi mới nhằm thu hút học sinh, sinh viên; đồng thời khuyến khích họ có những tư duy vượt trội, đổi mới ngoài giới hạn. Bên cạnh đó, chính phủ Dubai không ngừng nỗ lực phát triển các khóa học nghề hiện đại thúc đẩy thế hệ thanh niên học hỏi và sáng tạo. Đặc biệt, tập trung vào việc phát triển thêm nhiều học viện đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động lành nghề từ các ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, Dubai không chỉ nâng cao trình độ học vấn dân số đáng kể mà còn bảo vệ chất xám của đất nước nhờ việc khuyến khích học hỏi, sáng tạo, cởi mở trong việc chia sẻ thông tin người dân tiếp cận với khoa học, công nghệ. Chính nhờ sự nỗ lực trong công cuộc cải tổ và hành động quyết liệt đã giúp nền giáo dục của Dubai có thứ hạng cao trên toàn cầu; ước tính có đến 10% dân số Dubai có bằng đại học hoặc sau đại học. Ngoài ra, nhiều người Dubai ở nước ngoài còn có xu hướng cho con cái mình quay lại đất nước để học tập và làm việc.
Xuất phát điểm từ một thành phố nhỏ với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế nhưng Dubai đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một thành phố giao thương và trung tâm du lịch toàn cầu; sở hữu những kỳ tích kỹ thuật đáng kinh ngạc xen lẫn giữa sa mạc và đại dương là nhờ định hướng chiến lược của từ đội ngũ lãnh đạo chủ động, có tầm nhìn xa.
Nhờ sở hữu mỏ dầu khổng lồ mà Dubai mới vươn mình trở thành một trong những đất nước giàu có nhất thế giới, nhưng từ lâu đã không còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Ngành khai thác dầu hiện chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế. Đóng góp nhiều cho nền kinh tế của Dubai chủ yếu đến từ các ngành hàng không, bất động sản và xây dựng, thương mại, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ tài chính. Để có được thành quả này, các nhà lãnh đạo Dubai từ thập nhiên 1970 đã có tầm nhìn chiến lược, định hướng để Dubai trở thành trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và du lịch của khu vực và thế giới. Cùng với các chính sách của chính phủ nhằm đa dạng hóa một nền kinh tế dựa vào dầu khí và thương mại trở thành một nền kinh tế phát triển dựa vào dịch vụ, du lịch đã đem lại vị thế vượt trội của Dubai trong thế giới Ả Rập và trên toàn thế giới.
Trong đó, phải kể đến những chính sách mà Mohammed bin Rashid Al Maktoum - Thủ tướng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - đã áp dụng để thay đổi bộ mặt của đất nước giúp Dubai trở thành một đô thị tầm cỡ quốc tế nhờ tầm nhìn sáng suốt, tạo ra những môi trường kinh tế và kinh doanh cho Dubai, với nhiều dự án lớn: "Tầm nhìn của chúng tôi rõ ràng, con đường chúng tôi rộng mở và đồng hồ đang điểm. Không có nhiều thời gian cho sự do dự và cho các mục tiêu và giải pháp nửa vời. Phát triển là một quá trình liên tục và cuộc đua vì sự xuất sắc không hề có đích đến cuối cùng”.
Thủ tướng Mohammed còn mở hãng hàng không được đánh giá là một trong những hãng tốt nhất thế giới - Emirates, đồng thời đứng đầu hai dự án xây dựng sân bay quốc tế Dubai và sân bay quốc tế Dubai World Central - Al Maktoum. Bên cạnh đó, ông khởi xướng và điều hành triển lãm hàng không Dubai đầu tiên. Ông là người đưa ra ý tưởng xây dựng khách sạn 7 sao sang trọng nhất thế giới Burj Al Arab, trở thành một biểu tượng của Dubai, với những căn phòng xa hoa, dịch vụ thượng hạng, thu hút những du khách thuộc tầng lớp thượng lưu.
Chính nhờ sự lãnh đạo vững mạnh của chính phủ, thông qua các hành động chiến lược, đã giúp Dubai có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Dubai trở thành một đô thị công nghệ với các dự án cơ sở hạ tầng đô thị khổng lồ và lực lượng lao động được toàn cầu hóa, một thị trường lớn mạnh của sự giàu có với đa dạng doanh thu trải khắp từ thương mại bán buôn và bán lẻ, vận tải, truyền thông, sản xuất, nông nghiệp, bất động sản, xây dựng và du lịch… Đồng thời, giúp Dubai trở thành trung tâm của nền kinh tế Hồi giáo toàn cầu và cầu nối giao thương giữa Đông và Tây với cơ sở hạ tầng hiện đại nhất thế giới.
Nằm ở ngã tư châu Á, châu Phi và châu Âu, Dubai đã trở thành thị trường hàng hóa và là điểm đến của đầu tư và du lịch. Dubai được đánh giá cao bởi cách tiếp cận mở đối với nhập cư và đầu tư nước ngoài, đầu tư công nghệ mới giữ gìn văn hóa truyền thống, và bởi sự tôn trọng dành cho nền kinh tế tri thức. Dubai có Công viên Tri thức Dubai (Dubai Knowledge Park - DKP) cung cấp cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo và hỗ trợ học tập dành riêng cho quản lý nguồn nhân lực, tư vấn và phát triển cá nhân.
Tăng trưởng kinh tế và khả năng tiếp thu các nền văn hóa khác nhau đã tiếp nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh mới và thu hút đầu tư vào Dubai. Hợp nhất các ý tưởng chiến lược về phát triển kinh tế, tạo ra "Khu tự do", nhóm doanh nhân cùng ngành ở cùng một địa điểm, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân... Các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đầy đủ các đặc quyền như ưu đãi thuế, quyền "hồi hương" đầy đủ cho vốn và lợi nhuận, không có thuế thu nhập cá nhân... Thành công kinh tế của Dubai tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Dubai là nhân tố chủ chốt trong thương mại và tài chính toàn cầu, là trung tâm đổi mới cho các doanh nhân.
Trong phát triển hàng không, Dubai cũng áp dụng tư duy tương tự với việc thành lập hãng hàng không Emirates và phát triển Dubai thành trung tâm phục vụ các chuyến bay quốc tế nhằm thu hút khách du lịch. Đây cũng là sân bay đông đúc thứ 15 trên thế giới về lượng hành khách lưu thông với 40,9 triệu lượt hành khách. Bên cạnh đó, thông qua những dự án mang tính biểu tượng mà điển hình là siêu dự án quần đảo cây cọ Jumeirah trị giá 14 tỉ USD nằm ngay ở mặt biển, Dubai đã chứng minh cho thế giới thấy họ có thể biến những sa mạc khô cằn thành bất động sản cao cấp như thế nào.
Trên nhiều lĩnh vực, Dubai tiếp tục tạo nền tảng cho sự đổi mới, hỗ trợ các chương trình nghiên cứu và phát triển nhằm khai thác kiến thức và chuyên môn cao từ các tập đoàn tiên tiến trên khắp thế giới để thử nghiệm thương mại, sản phẩm và dịch vụ thế hệ tiếp theo. Trong lĩnh vực y học, Dubai Healthcare City với tầm nhìn là trở thành địa điểm được quốc tế công nhận về chăm sóc sức khỏe chất lượng và trung tâm tích hợp xuất sắc cho các dịch vụ lâm sàng và chăm sóc sức khỏe, đào tạo và nghiên cứu y khoa.
Đi cùng với tầm nhìn vượt trội, bí quyết để tạo nên sự xuất sắc của một quốc gia còn bao gồm lòng quyết tâm mãnh liệt, nghệ thuật truyền cảm hứng và truyền tầm nhìn của lãnh đạo đến với từng người dân, để tránh tình trạng lãnh đạo thì kêu gọi đầu tư mà người dân không sẵn sàng đón khách.
Để hiểu biết sâu sắc về tầm nhìn và cách thức đã biến Dubai từ một sa mạc cát trở thành quốc gia toàn cầu và phát triển bậc nhất của thế giới, Nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn cuốn sách "Tầm nhìn thay đổi quốc gia" (Mohammed bin Rashid Al Maktoum - Thủ tướng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thuộc Tủ sách Nền tảng đổi đời. Tủ sách gồm hơn 100 đầu sách quý thuộc 12 lĩnh vực căn cốt nhất của nhân loại nhằm xây dựng trí huệ và minh triết toàn diện, góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt tinh thần toàn diện cho quốc gia và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.
Dubai là một trong 7 tiểu vương quốc trong khối Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nằm ở phía nam của vịnh Ba Tư thuộc bán đảo Ả Rập với diện tích hơn 4.000 km và dân số chỉ hơn 2 triệu người. Phần lớn diện tích Dubai thuộc địa hình sa mạc khô cằn do vậy thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt. Mọi điều kiện tự nhiên đều bất lợi cho sự phát triển trên đất nước Dubai. Để sinh tồn, người dân phải sống trong những túp lều được lợp từ lá cọ và chăn nuôi cừu dưới cái nắng gay gắt.
Mặc dù thiên nhiên không ưu đãi nhưng người dân Dubai chưa từng đầu hàng vẫn luôn nỗ lực tìm ra năng lực lõi để phát triển đất nước với khát vọng xây dựng một quốc gia phát triển bậc nhất thế giới; thể hiện qua khát vọng của nhà lãnh đạo Thủ tướng Mohammed bin Rashid Al Maktou: "Chúng ta không bao giờ dừng lại cho đến khi con cái chúng ta nhìn thấy Dubai cạnh trạnh với các trung tâm kinh tế thành công nhất trên thế giới”.
Từ xa xưa Dubai đã bộc lộ tham vọng kinh doanh với những khu chợ sầm uất bán hương trầm từ Oman và nhụy hoa nghệ tây từ Iran đến khát vọng chuyển dịch hoang mạc thành những trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ đẳng cấp nhất thế giới. Năm 1958, mặc dù còn khó khăn, quốc vương Sheikh Rashid bin Saeed Al Maktoum đã quyết định sử dụng doanh thu từ các hoạt động thương mại để xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là sự thành lập của hàng loạt các công ty tư nhân bao gồm điện, dịch vụ điện thoại và cả các cảng và nhà khai thác sân bay nhằm xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng đem đến bước ngoặt cho sự phát triển của tiểu vương quốc này.
Đến năm 1959, khách sạn đầu tiên của tiểu vương quốc, Khách sạn Airlines, được xây dựng. Năm 1960, sân bay đầu tiên tại Dubai được thành lập được đi vào hoạt động trở thành điểm trung chuyển của hầu hết các chuyến bay dài trên thế giới cũng như có thể thu hút được cả khách hàng Âu lẫn Á đến đây du lịch, mua sắm.
Năm 1961, công ty điện lực và công ty điện thoại cũng bắt đầu triển khai mạng lưới trên toàn quốc. Trước khi phát hiện ra dầu vào năm 1966, Dubai là thành phố là một cảng nhỏ trong khu vực vùng Vịnh. Mặc dù tồn tại dọc các tuyến thương mại quan trọng ở Trung Đông kể từ những năm 1800, ngành công nghiệp chính của Dubai, làm ngọc trai, đã cạn kiệt sau những năm 1930.
Từ năm 1971, Dubai cùng với Abu Dhabi và năm tiểu vương quốc khác thành lập Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhằm tạo ra một nền hòa bình, độc lập, ổn định trong khu vực. Đặc biệt năm 1979, cảng quốc tế Jebel Ali được thành lập đã giúp Dubai vận dụng ưu thế vị trí địa lý và trở thành cảng chủ chốt trong giao thương quốc tế và trung tâm thương mại của thế giới. Dubai thu hút một loạt các nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới ở nhiều lĩnh vực hàng không, bất động sản, thương mại, du lịch… nhờ tỷ suất lời nhuận cao và chính sách miễn thuế được áp dụng.
Đặc biệt, Dubai đã xây dựng thương hiệu riêng của mình rất thành công để thu hút đầu tư và lao động nước ngoài cần thiết để đạt được tham vọng tăng trưởng. Giống như New York, Thượng Hải và Las Vegas - những thành phố đều phát triển hình ảnh của mình thông qua kiến trúc, Dubai thể hiện khát vọng đổi mới của mình thông qua cảnh quan thành phố và các tòa nhà chọc trời. Thành phố này có khoảng 150 tòa nhà siêu cao tầng, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới, ngoại trừ New York và Hong Kong.
Cũng như các quốc gia khác như Đức, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ… để khẳng định tầm vóc và sự ảnh hưởng của mình - Dubai đã duy trì những nền tảng cốt lõi mà mỗi quốc gia, dân tộc đều phải vận dụng linh hoạt trong suốt quá trình gây dựng và phát triển như: tinh thần ham học hỏi và sáng tạo không ngừng, sự đoàn kết và tầm nhìn chiến lược đúng đắn ở từng giai đoạn; cùng với khát vọng lớn được ấp ủ qua nhiều thế hệ. Dubai là biểu tượng cho các quốc gia khác về sự vươn lên mạnh mẽ xuất phát từ những nỗ lực học hỏi, sẵn sàng tiếp thu những cái mới nhằm trang bị nền tảng tri thức vững chắc cho thế hệ kế thừa. Từ mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt khô cằn, nghèo tài nguyên thiên nhiên, dân số ít, trở thành một thiên đường thu nhỏ của thế giới với sự xa hoa, tráng lệ của các công trình kỳ vĩ, hiện đại nhất thế giới, cùng môi trường và chất lượng cuộc sống lý tưởng nhờ áp dụng chiến lược thực thi vượt trội. Cùng một khát vọng lớn, chí hướng lớn đã giúp người dân Dubai vượt qua mọi nghịch cảnh trở thành quốc gia giàu có và thịnh vượng.
(Đón đọc kỳ sau: Dân tộc Do Thái - Đức tin dân tộc được chọn)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.