Kể từ khi cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được chuyển ngữ sang tiếng Anh và phát hành tại Mỹ với tên gọi Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình (Last night I dreamed of peace) năm 2007, câu chuyện về cuộc đời của người nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm và số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký của chị đã được nhiều người Mỹ biết đến. Có lẽ vì vậy mà khi Đừng đốt, bộ phim tái hiện cuộc đời chị cùng hành trình của cuốn nhật ký, được Viện Văn hóa - Giáo dục VN (IVCE) giới thiệu và trình chiếu tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ từ đầu tháng 11 như Đại học Brown, Đại học Wesleyan... khán phòng luôn chật kín người. Không chỉ có kiều bào và những người Việt đang công tác tại Mỹ đến xem, mà còn có khá đông giáo sư, sinh viên Mỹ tham dự và dành tình cảm rất tốt cho bộ phim. Buổi chiếu tại Đại học Yale, bang Connecticut tối 9.11 cũng không phải là một ngoại lệ.
Pháo tay và nước mắt
Đừng đốt tiếp tục được trình chiếu tại Đại học Harvard và Đại học Washington (10.11), Đại học Temple và Đại học Pennsylvania (11.11), Đại học Princeton (12.11), Đại học George Mason (13.11), Đại học Cornell (20.11). Riêng ngày 14.11, bộ phim sẽ được chiếu thương mại tại trung tâm chiếu phim Cantor, New York, cùng phần giao lưu sau buổi chiếu với đạo diễn Đặng Nhật Minh và các diễn viên người Mỹ đã đóng trong phim. |
Suốt buổi chiếu, tôi ngồi cạnh đạo diễn Đặng Nhật Minh ở cuối khán phòng, cùng ông lặng lẽ quan sát phản ứng của khán giả. Và không khó để nhận ra rằng, bộ phim của ông đã được khán giả đón nhận, yêu mến. Không chỉ vì những tràng pháo tay giòn giã của họ dành tặng ông khi bộ phim kết thúc, mà còn vì người xem đã cảm được điều ông muốn gửi gắm trong bộ phim qua những giọt nước mắt, những chia sẻ của họ sau buổi chiếu.
“Ngay trước ngày sang Mỹ giới thiệu Đừng đốt với các bạn, tôi có xem bộ phim This is it về danh ca Michael Jackson. Tôi nhớ mãi cảnh cuối phim, khi kết thúc buổi tập cuối cùng, Michael đã cảm ơn các cộng sự của mình và dặn rằng chúng ta phải thương yêu nhau và cố gắng đem tình yêu đó đến với mọi người. Tôi chợt nhớ đến chị Đặng Thùy Trâm. Chị cũng đã nhắc đến những điều tương tự như vậy từ hơn 35 năm trước trong cuốn nhật ký của mình, rằng hãy thương yêu nhau kẻo muộn vì bạn mình không còn nữa, hay Và ai có biết chăng ai/Tình thương đã chắp cánh dài cho ta”, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tâm sự như vậy trong phần giao lưu với khán giả.
Không giống như các phim Hollywood...
Poster phim "Đừng đốt" |
Matt Johnson, nghiên cứu sinh người Mỹ đang học tại Đại học Yale, chia sẻ rằng bộ phim đã tác động mạnh đến anh, giúp những thanh niên Mỹ như anh hiểu được chiến tranh đau khổ và khủng khiếp như thế nào, đồng thời nhận ra rằng tình người ở đâu cũng giống nhau. Một khán giả Mỹ khác thì bày tỏ ông cảm thấy hình ảnh người lính miền Bắc trong phim Đừng đốt rất thật, rất đời thường nên làm ông xúc động và đó chính là điều khiến ông suy nghĩ vì nó không giống như trong các phim Hollywood đã làm về đề tài chiến tranh VN.
“Câu chuyện về cuộc đời Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký của chị là hoàn toàn có thật nên nó có sức thuyết phục rất lớn, không giống như các nhà làm phim Hollywood thường tưởng tượng và xây dựng hình ảnh người lính miền Bắc chỉ biết bắn giết”, đạo diễn Đặng Nhật Minh giải thích. Ông kể thêm: có một khán giả đã hỏi ông trong một buổi chiếu trước đó rằng đoàn làm phim có gặp khó khăn trong vấn đề kiểm duyệt ở VN không khi đưa chi tiết chị Đặng Thùy Trâm bị phê bình vì còn tư tưởng tiểu tư sản vào phim. Đạo diễn đã khẳng định những chi tiết như vậy chỉ càng làm tăng tính chân thật và thuyết phục của bộ phim, và ông hoàn toàn không bị yêu cầu phải cắt xén hay sửa đổi dù chỉ một chữ trong kịch bản.
Được hỏi về khả năng thành công của Đừng đốt tại giải Oscar năm nay, đạo diễn Đặng Nhật Minh cười nhẹ: “Điều tôi mong muốn nhất là sự đón nhận của khán giả dành cho bộ phim. Khi Đừng đốt trình chiếu ở Nhật, nhiều khán giả đã bật khóc nức nở dù họ không phải là người VN. Còn lần này chiếu ở Mỹ, phản ứng của khán giả cũng rất tích cực dù đây là một đề tài nhạy cảm. Thậm chí, một số trường còn tổ chức cho sinh viên đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Anh trước khi xem phim. Đó mới chính là điều khiến tôi hạnh phúc nhất”.
Lê Quang (từ Mỹ)
Bình luận (0)