Nhà báo Ngọc Trân (cây bút nổi tiếng với các bài viết trên Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn…) lý giải một cách dung dị: “Hai tiếng phóng sự nghe to tát, nhưng thật ra đó là thuật kể chuyện - kể chuyện nâng cao, có lồng bài học vào, nhiều khi chỉ giúp độc giả thư giãn. Nói một cách dung dị, phóng sự chỉ là… phóng cái sự mình biết ra thành chuyện. Phóng ra trên giấy, phóng ra trên sóng với cây bút, máy ghi âm, máy ghi hình... Con người, từ đông sang tây ai cũng thích nghe kể chuyện: Thuở nằm nôi nghe bà hát ru, rồi giọng ông kể ngày xửa ngày xưa, đến thời tiểu học thì được học văn kể chuyện. Vì vậy phóng sự luôn hấp dẫn. Không giống với tin trực thuật, hết thời sự thì không ai quan tâm đến nữa, phóng sự lại có đời sống khá dài nhưng chắc chắn sẽ thu hút hơn nếu liên quan tới một sự kiện thời sự nổi bật. Độc giả thường lưu giữ cũng như gửi phóng sự qua thư điện tử cho bạn bè hoặc đưa đường dẫn đến bài vào trang Facebook của họ”.
Ngọc Trân đưa vào cuốn sách một số bài phóng sự của ông như muốn minh chứng cho chuyện viết phóng sự không phải là quá khó, đồng thời cho thấy không cần thiết phải gò ép mình vào một khuôn mẫu nhất định. Tác giả còn tìm gặp phỏng vấn một số nhà văn, nhà báo giỏi ở thể loại này: Dương Thụy, Nguyễn Tập, Quốc Việt, Phạm Công Luận, Trần Nhật Vy, Trung Nghĩa… và lồng ghép vào đó một loạt kinh nghiệm “xương máu” của chính mình trong bao năm lăn lộn với nghề báo. Tất cả điều đó khiến cuốn sách thực sự là một tác phẩm “gối đầu giường” hữu ích với những cây bút trẻ đang dò dẫm trên đường viết phóng sự báo chí.
Bình luận (0)