Gameshow hẹn hò táo bạo: Dạy được gì cho giới trẻ?

Thành Long
Thành Long
29/08/2018 11:02 GMT+7

Không ít khán giả bày tỏ thái độ bức xúc trước mức độ dung tục của một số gameshow hẹn hò đang tiếp cận khán giả Việt.

Hiện nay, tại Việt Nam xuất hiện nhiều chương trình hẹn hò chủ yếu được mua bản quyền format của nước ngoài như: Bạn muốn hẹn hò, Vì yêu mà đến, Lựa chọn trái tim... Bên cạnh các sân chơi lành mạnh để bạn trẻ được gặp gỡ, bén duyên cùng nhau thì không ít gameshow gây nhiều tranh cãi vì yếu tố dung tục, phản cảm, không phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Gây nóng nhất hiện nay là Date and Kiss (Hẹn và hôn). Được sản xuất theo format từ MBC Holding Japan, dù đã gắn nhãn 18+ nhưng Date and Kiss vẫn phải nhận làn sóng chỉ trích gay gắt từ phía người xem bởi những màn hôn nhau phản cảm và quan niệm “hôn trước yêu sau” mà người chơi phải thể hiện. Thậm chí, việc cặp đôi hôn nhau rồi sau đó một người bước ra ngoài và chứng kiến người còn lại tiếp tục hôn người khác khiến khán giả phẫn nộ về giá trị của tình cảm đang bị hạ thấp. Trên YouTube, một người xem bình luận: “Tôi rất rất mong cái gameshow này dẹp đi nhé vì mình là người Việt Nam thuần phong mỹ tục, ở đâu ra mà làm cái kiểu này là bắt chước nước ngoài, không hợp cho lắm, dẹp liền giùm đi”.
Đa số khán giả cho rằng việc nhiều cô gái tranh giành một chàng trai trong Anh chàng độc thân làm mất giá trị phụ nữ Ảnh: Chụp màn hình
“Đồng cảnh ngộ” với Date and Kiss, Anh chàng độc thân cũng gây nhiều tranh cãi dù mới phát sóng những tập đầu tiên. Mua bản quyền từ show truyền hình hẹn hò đình đám của nước ngoài The Bachelor, chương trình là hành trình đi tìm một nửa còn lại của chàng trai độc thân trong tổng số 25 cô gái tham gia. Việc những cô gái tranh cãi, thậm chí là hạ thấp bản thân để gây ấn tượng trong mắt chàng trai khiến người xem không khỏi bức xúc.
Trước đó, Dare Pong (Việt hóa từ phiên bản Mỹ Fear Pong) cũng trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận ngay trong những tập đầu phát trên YouTube. Điển hình như trong tập của thí sinh T.N và P.L, khi thử thách được đặt ra là cởi quần của đối thủ bằng răng khiến người xem không khỏi bức xúc. Một khán giả nhận xét: “Xem xong mới thấy thuần phong mỹ tục của Việt Nam mình có cái hay và giá trị hơn phương Tây nhiều”.
Nhiều chương trình hẹn hò hiện nay đã có những nhìn nhận, quan điểm tình yêu, hôn nhân sai lệch. Câu chuyện hôn trước yêu sau, câu chuyện người đàn ông hẹn hò cùng lúc 25 cô gái hay việc tự do thực hiện những hành động phản cảm… đi ngược lại với đạo đức, nếp sống của người Việt. Đó là chưa kể đến việc nhiều chàng trai, cô gái mượn các chương trình hẹn hò để gây chú ý, tạo sự nổi tiếng... Khi truyền hình cũng là văn hóa thì thử hỏi cách làm các chương trình như vậy có phải đang tự đào thải những giá trị văn hóa của chính mình?
Không riêng gì sóng truyền hình, mà ngay cả những chương trình được phát trên YouTube, dù không chịu sự kiểm duyệt gắt gao nhưng nhà sản xuất cần ý thức được trách nhiệm của người làm trong lĩnh vực văn hóa, cần nâng tầm văn hóa chứ không phải mượn câu chuyện lợi nhuận để đưa những thứ không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần phải có sự kiểm duyệt gắt gao hơn và phải có động thái xử phạt mạnh tay, để khán giả nói chung và người trẻ nói riêng tránh được "rác" văn hóa, tiếp cận sân chơi lành mạnh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.