Giám khảo Tăng Nhật Tuệ và chuyện diễn viên

17/10/2007 18:47 GMT+7

Bộ phim dành cho tuổi teen Chít và Pi do FPT Media và Vimax Films phối hợp thực hiện đang được tiến hành. Đợt casting đã diễn ra khá sôi nổi tại Hà Nội. Ban giám khảo (BGK) của buổi tuyển chọn này là những gương mặt được giới trẻ biết đến như MC Tôi 20 - Thu Hằng, ca sĩ Tùng Dương, một số nhà báo của các tờ báo tuổi teen và một cái tên vừa quen vừa lạ - Tăng Nhật Tuệ.

Một số thí sinh không hề biết vị giám khảo mang cái tên dễ nhớ này là ai. Nhưng những người thường xuyên theo dõi đời sống âm nhạc thì biết ngay đây là ca sĩ – nhạc sĩ trẻ đang được chú ý trong chương trình Bài hát Việt. Những người thường xuyên theo dõi phim truyền hình thì sẽ còn rõ hơn về Tăng Nhật Tuệ. Vì đó chính là Tăng Duy Linh, diễn viên nhí đã góp mặt trong hàng chục bộ phim truyền hình.  

Đóng vai người điên…  suýt điên

Tăng Duy Linh xuất thân từ CLB kịch nói của Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội và tham gia đóng phim truyền hình từ rất nhỏ. Những vai diễn của Linh hầu như là những vai thiếu nhi trong cuộc sống bình thường. Nhưng có một bộ phim đã đặt dấu mốc để Linh chuyển sang một vai thực sự có số phận. Đó là vai Nam trong phim Ranh giới - đạo diễn Vũ Hồng Sơn, bộ phim đã được giải Cánh diều Bạc dành cho phim truyền hình. Vai của Linh là một người điên. Ban đầu, vai này dành cho một sinh viên trường ĐH SKĐA, nhưng người này không được phép đóng phim do ảnh hưởng đến việc học. Đạo diễn Vũ Hồng Sơn ban đầu chưa tin tưởng vào diễn xuất của Linh vì đây là vai rất khó.


Tăng Duy Linh - Ảnh: TGĐA

Trong suốt quá trình đóng phim, hằng ngày, Linh bị nhốt trong phòng một mình, thức ăn được đưa vào, những tờ kịch bản được xé ra từng trang, khung cảnh trong căn phòng u ám, Linh không được dùng điện thoại di động, không ai nói chuyện với Linh mặc dù phía bên ngoài cánh cửa mọi người vẫn vui vẻ cười nói. Trong lúc quay phim, mọi người trong đoàn cũng lạnh nhạt với Linh. Linh rơi vào trạng thái u uất, cô độc và bức bối. Đóng xong phim Linh bị trầm cảm, về nhà không nói chuyện với ai, ăn cơm cũng ăn một mình. Khi Linh ở nhà thì không cho ai bật đèn. Đóng phim trong hai tuần, nhưng sau đó Linh phải nghỉ thêm một tuần nữa, không thể đi học vì sợ đám đông, sợ nói chuyện cả với hàng xóm.

Đến khi bộ phim được trình chiếu, cả nhà xem phim khóc, còn Linh thì cảm thấy rất buồn cười là sao mình lại có thể đóng được như thế. Đó là một vai diễn rất đáng nhớ. Mọi người trong đoàn phim đã "diễn" với Linh để Linh cảm nhận được tâm trạng của một người điên. Và cách làm này đã mang lại hiệu quả.

Vị giám khảo trẻ nhất và BGK đặc biệt

Tăng Nhật Tuệ sinh năm 1987, ít tuổi nhất trong BGK. Lúc đầu, Tuệ cũng hơi e ngại khi được giao trọng trách này vì cảm thấy mình còn ít kinh nghiệm. Nhưng sau khi lĩnh hội tinh thần của Chít và Pi, Tăng Nhật Tuệ đã yên tâm hơn và cảm thấy các nhà sản xuất chắc chắn có lý do của họ. Đây là bộ phim dành cho teen nên cần con mắt của người trẻ để có được cảm nhận gần với lứa tuổi. Phim còn thu thanh trực tiếp và sử dụng giọng hát của diễn viên, vì vậy phải có những người liên quan đến âm nhạc như nhạc sĩ, ca sĩ để việc thẩm định giọng của diễn viên được hiệu quả. 


Tăng Nhật Tuệ trong BGK casting phim Chit và Pi  - Ảnh: TGĐA

Theo Tăng Nhật Tuệ, đây chính là điều đặc biệt của bộ phim. Nếu là những giám khảo chuyên về diễn xuất, các diễn viên trúng tuyển sẽ có khuynh hướng của diễn viên kịch. Trong khi Chít và Pi lại muốn tạo ra cái gì đó thực sự tự nhiên. BGK đặc biệt này sẽ nhìn thí sinh bằng con mắt bản năng để nhận ra được những đối tượng có thể chưa giỏi về diễn xuất nhưng có khuôn mặt đẹp hoặc cá tính nổi bật. Bộ phim này sẽ không sử dụng hóa trang hoặc những biện pháp nhằm cố gắng biến đổi diễn viên thành nhân vật. Đạo diễn sử dụng sẵn những khuôn mặt phù hợp với vai diễn và giúp diễn viên có thể tỏa sáng hơn từ chính hình ảnh của mình. Một cô gái nhìn giống cave sẽ được chọn vào vai cave để mọi người nhìn là tin ngay. BGK bình thường sẽ chú ý đến diễn xuất, sau đó là ngoại hình, bởi với họ, một khuôn mặt đẹp nếu diễn xuất giỏi có thể đóng được nhiều loại vai. Tiêu chí của BGK đặc biệt là: khuôn mặt đẹp, tự tin, cá tính, cuối cùng mới là khả năng diễn xuất. 

Kể chuyện casting

Một số thí sinh làm Tăng Nhật Tuệ không thể quên. Một bạn có khuôn mặt rất cá tính nhưng diễn khá nhạt. Tuy nhiên Tăng Nhật Tuệ cho rằng, bạn nên được giữ lại trong lớp học để vào một vai nào đó, điều này chỉ phụ thuộc vào việc bạn có nỗ lực hay không. Tuệ nói với bạn: "Tất cả mọi người đều không đồng ý chọn em, nhưng anh sẽ nói với mọi người rằng em có một khuôn mặt rất điện ảnh, em có những góc cạnh mà không phải ai cũng có được". Tuệ nhận được ngay câu trả lời: "Anh ơi! Em đi casting vì bị rủ đi thôi, chứ thật sự không phải em thích đóng phim đâu!". BGK cười ầm, còn Tuệ thì thật sự … ngượng, và thế là cơ hội cuối cùng của bạn đó đã mất.


Tăng Duy Linh  trong "Ranh giới" - Ảnh: TGĐA

Nhiều thí sinh vào thi là khóc, dỗ thế nào cũng không nín. Được đưa ra một tình huống thể hiện cảm xúc thế là khóc luôn, và khóc mãi. Các bạn tưởng khóc nhiều như thế là tốt nhưng không hiểu rằng người diễn viên phải biết chủ động cảm xúc. Ngay sau cảnh khóc có thể phải chuyển cảnh, cũng địa điểm đó nhưng ở thời điểm khác thì nhân vật lại đang rất vui, lúc đó phải quên đi mình vừa buồn để diễn cảnh cười ngay lập tức.

Qua việc là thành viên của BGK, Tăng Nhật Tuệ cũng nhìn nhận được rất nhiều điều về giới trẻ hiện nay. Khác với thời của mình, làm nghệ thuật là do đam mê và coi nó là nghề nghiệp. Lúc đó truyền hình cũng chưa thực sự có chỗ đứng, diễn viên nhí được gọi thì đi đóng phim, diễn vì thích diễn xuất và đứng trước máy quay, số người thích diễn để nổi tiếng là rất hiếm.

Thời nay, các bạn trẻ làm diễn viên, theo Tăng Nhật Tuệ, 80% là do thích lên TV. Trong đợt casting, nhiều bạn chỉ biết mặc đẹp mà không biết làm gì. Có bạn khuôn mặt cá tính, rất tự tin nhưng khả năng lại hạn chế. Có bạn hát hay, diễn tốt nhưng lại thể hiện ra như mình không hề cần thiết phải đóng bộ phim này, đi casting như là chắc chắn sẽ đỗ. Điều đó là không được với một diễn viên vào đoàn phim, nếu nghĩ chắc chắn mình sẽ đóng vai chính thì sẽ không nỗ lực nữa.

Thậm chí, ngay cả khi đã được chọn vào lớp học diễn xuất các bạn cũng có những cạnh tranh có thể nói là khốc liệt, nó vượt quá lứa tuổi của các bạn mà lẽ ra không nên như vậy. Dường như các bạn sử dụng đam mê không đúng chỗ, đúng lúc. Các bạn không sử dụng đam mê vào việc trau dồi chuyên môn mà để hạ gục nhau, điều này là không phù hợp với lứa tuổi. Còn nhỏ tuổi mà bon chen như vậy là không hay.

Còn lại 20%  thì rất tích cực và đáng khen. Đó là những bạn trẻ có vẻ như thiếu rất nhiều, không đẹp, không cá tính, thiếu đôi chút tự tin nhưng lại có niềm đam mê lớn. Đó là những người rất trầm lặng, ít nói, ít cọ xát, không bon chen nhưng lại luôn có sự nỗ lực mà bắt buộc mọi người phải nhìn vào. Nó thể hiện qua sức thu hút của các bạn. Suốt quá trình học các bạn không thể hiện điều gì mà lặng lẽ cho đến phút chót. Nhưng đến ngày cuối cùng thì các bạn tỏa sáng thực sự. Chưa bao giờ có một cái tên nào của họ trong những cuộc chơi hoặc các cuộc offline của lớp học. Nhưng trong suốt quá trình học họ đã thay đổi được mình, làm được những gì lúc casting chưa thể hiện được hết. Chính vì vậy, 20% đó đã lọt được vào vòng cuối. Điều đó cũng cho thấy những người làm việc trong êkíp đạo diễn rất tinh mắt.

Theo Hà Thúy Phương - TGĐA

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.