Giới họa sĩ bắt tay xử lý việc xâm phạm bản quyền tranh lên áo dài

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
07/05/2019 07:10 GMT+7

Với con số các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền tranh lên áo dài ngày càng tăng, giới họa sĩ đã bức xúc tập hợp đòi lại công bằng.

Tính tới ngày 6.5, số họa sĩ phát hiện có tranh bị xâm phạm bản quyền lên áo dài đã lên tới 7 người, gồm: họa sĩ Bùi Trọng Dư (Hà Nội), Lâm Đức Mạnh (Hà Nội), Ngụy Đình Hà (Hà Nội), Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội), Nguyễn Đăng Sơn (Huế), Lê Phan Quốc (Huế), Phan Linh Bảo Hạnh (Bình Dương). Tuy nhiên con số này được giới họa sĩ đánh giá là vẫn còn tiếp tục tăng vì nhiều họa sĩ đã vào cuộc rà soát lại các mẫu áo dài trên mạng để tìm kiếm xem có xâm hại bản quyền tranh của mình hay không.
Theo họa sĩ Bùi Trọng Dư, các họa sĩ cần mạnh mẽ đấu tranh với các đơn vị xâm phạm bản quyền để yêu cầu bồi thường tác quyền tranh và được xin lỗi. Trên thực tế, anh đã 3 lần đấu tranh thành công với các đơn vị vi phạm bản quyền.
Tranh sơn dầu của họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh Ảnh: Họa sĩ cung cấp
Trao đổi với Thanh Niên, họa sĩ Bùi Trọng Dư, đại diện nhóm các họa sĩ có tranh bị xâm phạm bản quyền, cho biết sau khi làm việc với các đơn vị áo dài xâm phạm bản quyền không thành công, nhóm các họa sĩ đã quyết định xin tư vấn từ luật sư để có thể thúc đẩy việc xử lý xâm phạm bản quyền bằng luật pháp.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng cho rằng xử lý vi phạm bản quyền cần được xử lý từ gốc. Anh nói: “Hiện tượng xâm phạm bản quyền diễn ra thường xuyên do thói quen “dùng chùa” bấy lâu nay. Thậm chí có những đơn vị truyền thông khá lớn cũng vi phạm. Có lẽ để biện pháp dứt điểm vấn nạn ăn cắp bản quyền chúng ta cần phải giáo dục từ trong nhà trường về bản quyền, tác quyền. Đồng thời cần phải xử phạt thật nghiêm những người vi phạm”.
Áo dài của Công ty Nam Phát sử dụng trái phép tranh của họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh Ảnh: Họa sĩ cung cấp
Họa sĩ Nguyễn Thu Huyền cũng cho biết nhóm họa sĩ đã tập hợp nhau để họp bàn hướng giải quyết rốt ráo, nhờ tư vấn của luật sư. Cô nói: “Tôi nghĩ bên cạnh việc nhận lỗi, các đơn vị vi phạm phải có trách nhiệm thu hồi toàn bộ các sản phẩm có sử dụng tranh của các họa sĩ, việc này có thể sẽ phải nhờ tới sự can thiệp của pháp luật. Nếu không có sự thiện ý và nhận lỗi, việc kiện tụng hoàn toàn có thể xảy ra”.
Ngoài ra, nhóm các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền cũng chủ động liên hệ với báo đài truyền thông và sử dụng mạng xã hội để kêu gọi mọi người cùng lên án việc xâm phạm bản quyền tranh.
Tranh sơn dầu Đêm thu của họa sĩ Lâm Đức Mạnh Ảnh: Họa sĩ cung cấp
Áo dài Phương Mai sử dụng trái phép tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh Ảnh: Họa sĩ cung cấp

Khi chủ sở hữu quyền tác giả phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền của mình thì có quyền yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai, và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). Theo luật Sở hữu trí tuệ, mọi hành vi sao chép không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả đều là hành vi xâm phạm bản quyền (trừ trường hợp sao chép để sử dụng cho mục đích học tập, hay nghiên cứu của riêng mình). Chủ sở hữu được khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại, ngoài ra nếu hành vi xâm phạm quyền tác giả có quy mô thương mại đều có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm

Luật sư Lê Quang Vy

Họa sĩ Phạm Huy Thông cũng tán thành việc các họa sĩ “nạn nhân” nên đồng khởi kiện các công ty áo dài xâm phạm bản quyền. “Tại vụ này rõ ràng về việc sao chép tranh vì mục đích lợi nhuận”, họa sĩ Thông nói. 
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm nhận định: “Việc vi phạm bản quyền tranh trắng trợn và biến tướng như vậy bởi một phần từ trước tới nay, họ đã quen với việc này nhưng không bị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Mặt khác hệ thống luật về mặt bản quyền còn chưa rõ ràng triệt để. Các họa sĩ thường cũng không làm đăng ký bản quyền cho sáng tác của mình nên rất khó khởi kiện bên vi phạm. Phần lớn là sau khi phát hiện ra vi phạm, các họa sĩ đều phải tự mình giải quyết theo kiểu gặp gỡ bên vi phạm, yêu cầu họ dỡ bỏ, không được sử dụng hình ảnh của mình nữa”. 
Theo họa sĩ Bùi Thanh Tâm, họa sĩ nào muốn bảo vệ trí tuệ sáng tạo của mình thì nên đăng ký bản quyền tác phẩm, lúc đó mới có cơ sở bằng chứng pháp lý để xử lý việc xâm phạm bản quyền.
Đồng quan điểm với họa sĩ Tâm, họa sĩ Bùi Công Khánh cho rằng để bảo vệ chính mình, các họa sĩ cần đăng ký bản quyền tác phẩm, và chấp nhận nộp thuế. Như vậy khi xảy ra kiện tụng nếu vi phạm bản quyền tranh, mọi vấn đề đều dễ giải quyết.
Điêu khắc gia Thái Nhật Minh cho rằng việc vi phạm tác quyền tranh ngày càng phổ biến như hiện nay bởi chế tài chưa đủ mạnh. “Nếu như các cơ chế không ghi nhận, bảo vệ và tôn vinh các sáng tạo, thì tình trạng vi phạm tác quyền không thể tránh được. Nên hết lần này đến lần khác người sáng tạo chỉ biết ca thán, than thở. Tình trạng này cũng khá phổ biến ở các tác phẩm trí tuệ nói chung”, anh nói.
Họa sĩ Phạm Hà Hải cũng nhất trí rằng: “Nếu hình ảnh tranh của họa sĩ bị chiếm đoạt sử dụng trái phép nhằm mục đích lợi nhuận thì hiển nhiên là cần đấu tranh quyết liệt để giá trị sáng tạo là tài sản không thể ăn cắp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.