Hà Nội về với trung thu xưa

21/09/2018 07:14 GMT+7

Phố đèn lồng quanh hồ Gươm, đèn lồng gà khổng lồ, làm lại đồ chơi xưa… đồng hành với mùa trung thu vừa xưa vừa lạ ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Cường (P.Tân Quang, TP.Tuyên Quang) rất tự hào vì chiếc đèn lồng khổng lồ hình con gà cao 3,5 m ông làm cho Làng văn hóa du lịch ẩm thực Nắng Sông Hồng. Chiếc đèn con gà và đèn kéo quân hình tranh Đông Hồ này sẽ được thắp suốt 3 đêm hội trung thu, từ ngày 21 - 23.9 (tức 12 - 14.8 âm lịch) để phục vụ thiếu nhi. Ban tổ chức lễ hội trung thu tại Nắng Sông Hồng cho biết lễ hội mang đậm chất văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Trẻ em được xem rối nước, học vẽ mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, múa sư tử và thả đèn hoa đăng.
Một chiếc đèn ông sao khổng lồ khác (chưa tiết lộ kích thước) cũng đang được chờ đợi trong lễ hội Đêm rằm xuống phố tại phố đi bộ Hồ Gươm vào tối 23.9. Chiếc đèn được đặt trong không gian của phố đèn lồng sát vườn hoa Lý Thái Tổ. Trong lễ hội cũng sẽ có một lễ hội đường phố vui nhộn với các nhân vật cổ tích và siêu anh hùng như chú Cuội, chị Hằng, Tấm Cám, Thạch Sanh, Lý Thông, công chúa Elsa, Anna, người nhện, đội trưởng Mỹ, Thor, người sắt…
Cũng là trung thu, nhưng không khí tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây sẽ trầm lắng hơn với việc giới thiệu trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội và triển lãm ảnh trung thu Hà Nội xưa. Trung tâm giao lưu phố cổ 50 Đào Duy Từ trình diễn cách làm các dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ. Đình Đồng Lạc (38 Hàng Bài, Q.Hoàn Kiếm) giới thiệu làm mặt nạ giấy bồi. Cụm hoạt động này diễn ra từ ngày 21.9 đến hết trung thu. Đặc biệt, không gian phố bích họa Phùng Hưng vào cuối tuần sẽ có các trò chơi dân gian như ô ăn quan, kéo co, bịt mắt bắt dê.
Trong khi đó tại hồ Văn (Văn Miếu Quốc Tử Giám), nhiều hoạt động cũng diễn ra từ ngày 16.9 cho đến hết trung thu. Các em được khám phá cách làm đồ chơi trung thu xưa, trải nghiệm làm bánh. Đặc biệt, vào buổi tối sẽ có thêm phần rước đèn phá cỗ. Tại Bảo tàng Dân tộc học, bên cạnh các trải nghiệm trung thu đồng bằng Bắc bộ như làm tiến sĩ giấy, làm bánh, đèn ông sao, đèn kéo quân, tàu thủy sắt, sẽ có phần giới thiệu trung thu của các vùng miền khác. Năm nay, bảo tàng chọn giới thiệu trung thu của Ninh Thuận từ ngày 22 - 23.9. Vì thế, sẽ có các trò chơi như thi đội nước (Chăm), kéo co ếch và đuổi quả (Raglai), bịt mắt đập niêu (Chăm), diều hâu bắt gà con (Raglai). Các hoạt động trình diễn nghệ thuật của các nghệ nhân như: trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi (Chăm); mã la, khèn bầu, đàn Chapi (Raglai)… cũng diễn ra vào dịp này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.