Hậu duệ muốn hưởng quyền lợi từ việc tham quan dinh thự vua Mèo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/05/2019 07:19 GMT+7

Theo đại diện dòng họ Vương, việc bán vé tham quan dinh vua Mèo (Hà Giang) cần được xem xét lại trên nguyên tắc cả nhà nước và những người sở hữu đều có phần.

Phải có phần trong tiền bán vé

Chiều 22.5, ông Vương Duy Bảo, cháu của vua Mèo, cho biết rất vui khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) của khu dinh thự họ Vương sau 1 năm đấu tranh. “Tôi xin gửi lời cảm ơn Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo để chính quyền tỉnh Hà Giang trả lại sổ đỏ cho gia tộc họ Vương người H'Mông”, ông nói. Ông Bảo là người được dòng họ giao quyền đại diện để lên tiếng về dinh thự này. Sổ đỏ được cấp lâu dài cho 16 người là con cháu trong dòng họ Vương. Họ là những người thừa kế hợp pháp, đồng sở hữu khu dinh thự. Theo sổ đỏ này, diện tích đất được cấp sổ đỏ là hơn 4.876 m2; mục đích sử dụng là di tích lịch sử, văn hóa.
Vui, nhưng ông Bảo cho biết: “Theo quan điểm của tôi và dòng họ, đó chỉ là bước đầu với quyền sở hữu. Còn những vấn đề khác nữa”.
Hậu duệ muốn hưởng quyền lợi từ việc tham quan dinh thự vua Mèo
Một bộ bàn ghế từ thời Nguyễn trong dinh thự
Một trong những vấn đề ông Bảo đưa ra chính là quyền lợi của gia đình trong việc bán vé tham quan dinh thự họ Vương. Theo ông, việc quản lý dinh vua Mèo phải đảm bảo luật. Có hai vấn đề với một di tích quốc gia như vậy: quản lý vật thể thế nào, tuyên truyền phi vật thể thế nào. “Chịu trách nhiệm về vật thể là gia đình, tuyên truyền phi vật thể là nhà nước. Việc bán vé thu tiền là mang giá trị ra định đoạt thu được lợi nhuận. Thế nhưng tại sao tước quyền định đoạt của chúng tôi với tài sản trong 12 năm qua; tại sao 12 năm chúng tôi không có tiền vé. 12 năm nay chưa bao giờ chúng tôi được hỗ trợ”, ông Bảo nêu câu hỏi.
Cũng theo ông Bảo, ông muốn thương lượng để có thể xác định được phần của dòng họ trong khoản tiền bán vé này. Nhiều người thừa kế của dòng họ, cũng là những người có tên trong sổ đỏ dinh vua Mèo, hiện cuộc sống rất khó khăn. Về khả năng thương lượng không thành, ông Bảo cho rằng: “Không thể có chuyện không thành. Luật Di sản và Dân sự đã quy định rõ quyền của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng đàm phán trên tinh thần xã hội hóa. Vì cũng cần có tiền để phục vụ việc tái tạo trùng tu di tích, tiền trả công cho người làm công tác bảo tồn ở di tích. Nhưng vẫn phải trả lại cho chủ sở hữu quyền định đoạt với di tích chứ”, ông nói.
Về tỷ lệ trên tiền vé, ông Bảo cho biết: “Chưa nên đặt ra tỷ lệ vội. Tôi sẽ thể hiện chính kiến ở cuộc gặp với chính quyền địa phương, với tinh thần vì di tích này thôi”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết có người trao đổi với ông và cho rằng tỷ lệ 40% cho gia đình là thích hợp. Ông Bảo nhấn mạnh: “Tiền vé mỗi năm là hàng tỉ đồng chứ không phải vài chục triệu”.
Ông Bảo cũng đưa ra một vấn đề nữa là việc xây dựng nhà vệ sinh trong khuôn viên của di tích quốc gia này. Theo đó, nhà vệ sinh được xây dựng ở vị trí không phù hợp. “Họ đã xây dựng công trình vệ sinh ngay cạnh mộ vợ ba của Vương Chí Sình là bà Trương Mỹ Thuận. Bà là người nổi tiếng trong lịch sử, chính là người đã ủng hộ, khuyến khích ông Vương Chí Sình đến với Bác Hồ. Vậy tại sao lại xây nhà vệ sinh cạnh đó? Vấn đề này làm cho con cháu rất lo lắng”, ông nói.
Cũng theo ông Bảo, nhà vệ sinh được xây dựng trong khu vực 2 của di tích mà không xin phép. Chưa kể gia đình cũng đã lên tiếng nhiều lần khi định xây vào năm 2007. Tuy nhiên, 12 năm nay, khu vệ sinh vẫn ở đó. Giờ đây, ông Bảo cho biết, để những người trong dòng họ yên tâm, ông muốn phá bỏ khu vệ sinh này. Ông nhấn mạnh, nếu ban quản lý không thực hiện điều này, thì chính ông sẽ thực hiện.
Ông Bảo đưa ra mốc thời gian 15.6 cho việc di dời nhà vệ sinh khỏi chỗ gần ngôi mộ, cũng như việc có một quy chế quản lý thích hợp. 
Dinh họ Vương, còn gọi là nhà Vương hoặc dinh vua Mèo, xây trên một gò cao, trong một thung lũng giữa bốn bề núi đá, xung quanh là những cây sa mộc cao vút. Nơi này từ lâu đã trở thành một điểm đến đặc sắc trong tour du lịch lên cao nguyên đá Đồng Văn. Dinh họ Vương xây 2 tầng, chủ yếu bằng đá và gỗ, theo hình chữ khẩu, giữa là một khoảnh sân lát đá. Các căn phòng phía trước là chỗ hội họp, giữa để thờ cúng, phía sau là nơi ở của gia tộc họ Vương. Bao quanh dinh thự là tường đá cao hơn 2 m, trổ lỗ châu mai. Dinh này trở thành di tích quốc gia vào 1993. Sau nhiều năm hoang phế, năm 2005, Bộ Văn hóa  - Thông tin triển khai tu tạo dự án với ngân sách hơn 6 tỉ đồng và biến địa chỉ này thành điểm tham quan có thu phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.