>> Tượng Phật “bằng vàng” nặng 81,9 kg
>> Những tác phẩm nghệ thuật bằng vàng
>> Còng số 8 bằng vàng
>> Đồng vàng La Mã và thương cảng quốc tế Óc Eo
>> Cổ vật “triệu đô” của văn hóa Chămpa và Óc Eo
|
Cuộc khai quật khảo cổ ở cánh đồng Óc Eo (An Giang) của nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã củng cố thêm niềm tin về sự tồn tại của vương quốc Phù Nam giàu có vẫn ghi trong bia ký.
Cho tới sau năm 1975, giới khảo cổ Việt Nam mới tiếp tục công cuộc nghiên cứu của Louis Malleret. Việc khai quật hàng loạt di chỉ từ Đồng Nai tới Kiên Giang mang về hàng vạn hiện vật có giá trị, trong đó có nhiều hiện vật vàng.
Tiền, vàng, trang sức… của văn hóa Óc Eo cho thấy cư dân của nền văn hóa này rất giàu có, tôn giáo tín ngưỡng phát triển và thiện chiến trong buôn bán đường biển. Chưa kể, nét tài hoa của thợ kim hoàn đương thời cũng được thể hiện rõ trên đồ trang sức. Dấu vết tiền kim loại chỉ ra con đường thông thương với nhiều nước qua Vịnh Thái Lan.
“Văn hóa Óc Eo là một phần lịch sử Việt Nam”, TS Phạm Quốc Quân đánh giá. Chính vì thế, việc ra mắt phòng trưng bày văn hóa Óc Eo là một dấu mốc quan trọng.
“Đây là lần đầu tiên có trưng bày quy mô rộng lớn về văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Những lần trước đó, bảo tàng mới chỉ có những trưng bày nho nhỏ. Còn trưng bày cố định chỉ có trong một tủ nhỏ”, TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói.
Phòng Óc Eo có trên 100 hiện vật, gần gấp mười hiện vật trong tủ nhỏ cũ. Một phần số này của bảo tàng, số còn lại mượn của các bảo tàng địa phương. Do trưng bày này thuộc nhóm thường xuyên và lâu dài nên trước mắt bảo tàng mượn đồ để trưng bày, rồi sau đó sẽ sưu tập dần.
Với người xem thông thường, hiện vật vàng là dễ cảm nhận hơn cả. Các hiện vật này còn nguyên vẹn với những thiết kế đòi hỏi bàn tay khéo léo. Một chiếc vòng tay xoáy trôn ốc ôm lấy cánh tay - rất gần với thiết kế chiếc đồ hồng siêu đắt mà Công Vinh mua tặng ca sĩ Thủy Tiên. Chiếc nhẫn vàng mặt có dập chữ Phạn. Một chiếc nhẫn vàng khác được nạm thủy tinh màu, trông không khác một chiếc nhẫn nạm ngọc bích.
“Thủy tinh là chất liệu người Óc Eo đã tự chế tác được. Hiện vật trang sức thủy tinh Óc Eo trong đó có nhẫn và các hạt chuỗi luôn được đánh giá cao về thẩm mỹ, kể cả đến bây giờ”, TS Hiền nói.
Trưng bày còn có những lá vàng dập nổi hình mặt người. Được tìm thấy ở Cần Giờ, chúng là những độc bản. Những lá vàng mặt nạ tìm thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới cho tới giờ chưa có kích thước và kiểu dáng tương tự. Một cán bộ bảo tàng cho biết, những lá vàng này lớn hơn hẳn so với những lá vàng trong triển lãm chuyên đề văn hóa Óc Eo mà bảo tàng từng thực hiện.
Ngoài ra, hiện vật gốm gia dụng cũng được trưng bày tại đây, bên cạnh nhiều vật liệu xây dựng và trang trí đất nung. Các tượng thờ bằng đồng, gỗ chẳng hạn một bản tượng thần Visnu cũng được trưng bày. Chúng đều là những hiện vật của giai đoạn phát triển nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo rực rỡ nhất. Phong cách điêu khắc của chúng vừa có ảnh hưởng nghệ thuật Ấn Độ, vừa thể hiện xu hướng bản địa hóa.
Phòng trưng bày văn hóa Óc Eo với diện tích 200 m2 dự kiến sẽ trở thành một điểm hút khách trong thời gian tới của bảo tàng.
|
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)