Một Hồ Trung Dũng “ngẫu hứng, tinh nghịch, phá cách, tự do hơn”
* Dự án này từng nghe Hồ Trung Dũng đề cập lâu lắm rồi và tưởng đã đi vào… quên lãng, cuối cùng được hiện thực hóa. Dũng có thể chia sẻ một chút “nội tình”?
- Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Thật ra tôi và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chưa bao giờ quên lãng hay xao lãng, vì dự án này cả hai rất tâm huyết. Anh Thanh đam mê nhạc jazz và cần tìm ca sĩ cũng thật sự đam mê dòng nhạc này để cùng anh khám phá và thực hiện CD chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Gặp nhau, trò chuyện, hai anh em mới phát hiện ra cả hai đều muốn làm dự án toàn ca khúc nhạc jazz Việt Nam.
Chúng tôi ý thức rõ tính chất không dễ làm của CD này, vì nếu là jazz quốc tế thì dễ thực hiện, cho những ca khúc đã viết sẵn của dòng nhạc jazz cũng như những bản hòa âm phối khí sẵn có, nhưng trong dự án này để tìm những bài hát phù hợp hòa âm phối khí thành nhạc jazz hay viết mới cho những bài đạt tính jazz thì cần nhiều thời gian và cảm xúc. Do đó sau khi ra single Gõ cửa thiên đường, hai anh em không dám nói về dự án này nữa... Ngay cả khi thu âm xong bài hát cuối của CD thì cả hai đều không tin là mình cũng đã thực hiện xong.
Trong 6 năm thu âm 9 ca khúc cho album, có những bài hát được tôi mang đi hát live ở ngoài để vừa hát vừa tập vừa tạo cảm hứng, cảm xúc, để sao cho khi vào phòng thu sẽ hát tự nhiên nhất, thoải mái nhất. Vì thế có bài khoảng cách thu lần đầu đến lần cuối những 4 năm trời. Nhờ đó mà có những bài thu lại chất jazz thể hiện rõ hơn, hát tự nhiên mà không cần cố gắng nhiều. Hay như anh Võ Thiện Thanh, có bài hòa âm nhiều lần, chẳng hạn Đôi mắt. Dù anh đã ra single, là bản phối khác, nhưng sau đó nghe lại, thấy không hay, và anh cũng cần thời gian để làm lại, cuối cùng ra bài hòa âm hoàn toàn mới. Điều này xảy ra 1, 2 bài nữa chứ không riêng Đôi mắt. Đó là lý do hai anh em tốn nhiều thời gian đến như vậy để hoàn thành album này.
* Bên cạnh những ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từng được các ca sĩ khác thể hiện, có bài nào được anh ấy viết riêng cho đĩa này của Dũng?
- Trong CD, ngoài những bài hit các ca sĩ khác thể hiện như Xích lô, Tình 2000, Quán cóc, Từ khi em đến…, anh Thanh có viết những ca khúc riêng cho tôi trong CD như Gõ cửa thiên đường, Sài Gòn có mùa thu… Những bài này khác những bài vốn đã quen với công chúng ở chỗ, những bài đã nổi tiếng viết theo dòng nhạc khác nhưng hòa âm phối khí lại theo phong cách jazz; trong khi bài sáng tác cho CD này được anh Thanh viết với phong cách cho nhạc jazz ngay từ đầu.
Mục tiêu sử dụng 2 nhóm ca khúc nổi tiếng lẫn bài hát mới là để vừa tạo sự thân thuộc dễ tiếp cận với mọi người khi thấy những bài quen được làm mới bởi jazz, để thấy jazz cũng gần gũi, có sự thú vị riêng khi mọi người khám phá, từ đó dẫn đến không gian kế tiếp với những ca khúc mới hơn, đậm tính jazz hơn trong album này.
|
* Và cái mới khác nữa của đĩa nhạc hẳn là nằm ở phần hòa âm phối khí lẫn cách hát của Dũng? Màu sắc jazz đã được hai anh em “xử lý” thế nào qua đĩa này?
- Một bài hát khi được thể hiện luôn gồm 2 phần, cách hát của nghệ sĩ và phần hòa âm phối khí. Khán giả đôi khi không để ý nhưng thật ra cách hát của ca sĩ phụ thuộc rất lớn vào bản hòa âm. Đặc biệt với nhạc jazz thì càng như vậy. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của dòng nhạc jazz từng nói jazz vừa là dòng nhạc mang đậm tính cá nhân mà cũng vừa cực kỳ “team work”, vì những ngẫu hứng của ca sĩ hoàn toàn như là sự phản hồi, gắn kết và hợp tác cùng ban nhạc. Vì thế bản phối trong CD là phần không thể tách rời các ca khúc.
Jazz đặc trưng nhất là sự ngẫu hứng, giọng hát của tôi trong CD này cũng mang những đặc tính của Hồ Trung Dũng xưa nay, nhưng có sự khác hơn, đó là chất tinh nghịch, ngẫu hứng hơn, sự vui nhộn, phá cách, tự do hơn.
Trong quan niệm của nhiều người, khi nghe jazz thường có mặc định jazz khó nghe, khó gần, khó cảm thụ. Nhưng jazz trong CD này nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn với các dòng nhạc đương đại khác như hiphop, RnB… nên nó mang vẻ gần gũi, đương đại, đặc biệt thể hiện rất đúng tinh thần của Sài Gòn, có sự vui tươi, nhộn nhịp trong đó… Sự vui tươi của jazz khác với dance hay EDM. Tôi tin rằng điều này không khó nhận ra, chỉ cần nghe một phút đầu của một ca khúc là mọi người có thể cảm nhận được. Tinh thần hai anh em đặt trong CD này không phải là màu sắc jazz kinh điển khó nghe hay đượm buồn, sâu lắng mà là một màu sắc jazz rất vui tươi, gần gũi, đương đại và mang tính chất thành thị.
|
* Vì sao lại là Saigon Feel? Tính chất “feel” của jazz có liên quan thế nào đến cách “feel” của Dũng với Sài Gòn trong đĩa nhạc này?
- Hai anh em cùng chọn lựa chủ đề là Saigon Feel vì Sài Gòn là điểm chung rất lớn của chúng tôi trong dự án này. Cả hai đều là người đang sinh sống, lập nghiệp và gắn bó với thành phố này. Những ca khúc của anh Võ Thiện Thanh viết cũng đậm chất thị dân Sài Gòn. Cách hát của Hồ Trung Dũng cũng như vậy. Tinh thần gửi gắm trong album này là màu sắc Sài Gòn theo quan niệm của hai anh em.
Có thể nhiều người khi nhắc đến thành phố này đều nghĩ đến việc: mọi thứ đều ồn ào náo nhiệt, con người cũng vui vẻ thoải mái và thiếu gì đó chiều sâu. Ví như khi so sánh ca khúc, bài hát về Sài Gòn thường được cho là vui tươi rộn rã, còn các ca khúc viết cho Hà Nội thì được nhìn nhận là sâu lắng nồng nàn… Nhưng trong cảm nhận của hai anh em hay nhiều người khác hiểu Sài Gòn nữa, thì Sài Gòn không chỉ có như vậy, mà Sài Gòn cũng có những khoảnh khắc rất sâu lắng. Nói cách khác, Sài Gòn có hai mặt dường như đối lập nhau, năng động và trầm lắng.
Sài Gòn vẫn có những khoảnh khắc mà người ta có thể dừng lại suy ngẫm, có những giây phút của mùa thu, vẫn có những quán cóc, có những mối tình, những con người thích chiêm nghiệm ngồi quán cà phê nhìn phố xá, tận hưởng những khoảnh khắc hiếm hoi của sự trầm lắng đó. Và trên hết, cảm xúc Sài Gòn trong CD này còn là, dù có những nỗi buồn hay thất vọng xảy ra nhưng Sài Gòn vẫn là nơi rất vị tha, bao dung, cho người ta cảm giác hy vọng, vươn lên. Đây là CD của hai người yêu Sài Gòn, viết và hát về Sài Gòn, dành tặng cho những ai không nhất thiết sinh ra hay sống ở Sài Gòn nhưng đều yêu Sài Gòn.
|
Người nghệ sĩ phải giữ cho mình sự mơ mộng hay điên rồ
* Dũng phát hành bao nhiêu đĩa cho đợt đầu? Trong những album từng phát hành của Dũng, đĩa nào có số phát hành tốt nhất hoặc đến nay vẫn tái bản đều?
- Đợt đầu Saigon Feel tôi in 2.000 bản. Tôi tin con số này không quá khó để có thể bán được hết. Với con số này thì mình có thể hòa vốn (cười). Có một niềm vui trong sự nghiệp ca hát của tôi. Đúng là càng ngày việc bán đĩa càng khó nhưng đĩa của Hồ Trung Dũng vẫn bán được, đến nay những sản phẩm đầu tiên của mình như Hoài niệm, Nhớ, Hạnh phúc vẫn còn bán đều đều. CD Hạnh phúc tái bản lần 3 và vẫn đang bán được. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho những người nghe khi không còn đầu đọc đĩa mà chuyển sang hình thức nghe phù hợp xu hướng mới, tôi cũng phát hành trên các kênh khác là iTunes, Spotify, Apple Music… để người yêu nhạc có thể mua nhạc của Hồ Trung Dũng ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Riêng về xu hướng đĩa, tôi và các anh em trong nghề nghĩ rằng, nếu trước kia khi đĩa CD ra đời đã khai tử đĩa than, thì sau thời gian đĩa than đã trở thành định vị cao cấp hơn, dành cho người chơi âm thanh, sưu tập nhạc. Tôi cũng tin CD đang trở thành xu hướng như vậy. Vẫn có nhiều người sưu tầm. CD bây giờ không phải là sản phẩm thông dụng để nghe nhạc mà còn để sưu tập, mang tính chất hoàn toàn khác, một chút gì đó cao cấp hơn. Nên nếu chọn nghe CD, họ sẽ chọn CD chất lượng hơn xưa. Ý thức được việc này nên tôi và ê kíp đầu tư thật tốt về nội dung lẫn hình ảnh nếu sản xuất CD vật lý. Tốt, đẹp, để lưu giữ như kỷ niệm với người nghệ sĩ, ngoài ra cũng là sản phẩm có chất lượng cao hơn so với việc chỉ mua mp3.
|
* Theo Dũng, bây giờ làm album đầu tư nhiều, như Sài Gòn Feel chẳng hạn, có khả năng thu hồi vốn không?
- Như đã nói, nếu bán hết 2.000 đĩa thì tôi sẽ thu hồi vốn (cười). Và tôi tin điều này không khó… Đây là nguồn động lực lớn với tôi, vì những khán giả đã luôn yêu thương ở bên cạnh tôi và thể hiện tình cảm đó bằng hành động thiết thực. Khán giả của tôi có thể không ồn ào, không hò hét la ó mà có cách cổ vũ riêng, rất chân thành, văn minh. Thực sự sản phẩm này, cũng như những đĩa nhạc về sau, tôi làm với mong muốn thể hiện sự biết ơn đó với khán giả của mình.
Ngoài ra tôi nghĩ rằng, người nghệ sĩ luôn phải giữ cho mình chút gì đó gọi là có sự mơ mộng hay điên rồ cũng được. Chính điều đó làm ra chất nghệ sĩ của mỗi người. Chúng ta không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ đến giá trị kinh tế, làm ra CD lời lỗ bao nhiêu mà đôi khi làm vì niềm đam mê của mình với sản phẩm đó, vì công việc mình đang theo đuổi, cũng như vì mình biết bên ngoài có những khán giả đang mong đợi những sản phẩm không chỉ phát hành online mà còn cầm trên tay với hình thức đẹp và âm thanh hay, nội dung chất lượng. Vì thế ngoài đầu tư hình ảnh, mời nhà sản xuất nổi tiếng, chi phí sản xuất cao, tôi còn đưa qua Mỹ để thực hiện phần mastering nhằm đảm bảo chất lượng âm thanh có thể tuyệt vời nhất và mang đúng tinh thần của nhạc jazz nhất.
|
* Sự trễ tràng của 1 dự án, theo Dũng, ảnh hưởng thế nào đối với kế hoạch phát triển của 1 ca sĩ? Với đĩa nhạc này, thì sự trễ tràng đó “đẹp mà chưa đẹp” chỗ nào?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ CD này là sự trễ tràng cả, dù nó cần nhiều thời gian và cần nhiều hơn cả sự tính toán của mình, vì ban đầu dự định 4 năm thì xong nhưng cuối cùng 6 năm. Nhưng chuyện gì cũng có duyên số của nó. Khi thực hiện xong album, tôi cảm ơn anh Thanh, thì anh ấy cũng dành lời cảm ơn với tôi. Anh nói nhờ có người thực sự dám theo đuổi và không bao giờ bỏ cuộc mà anh mới hoàn thành sản phẩm muốn làm từ lâu. Trong quá trình thực hiện, khi người này có chút… chán nản thì người kia tạo cảm hứng và ngược lại, chúng tôi mới có kết quả như hôm nay.
Những ngày thu âm cuối cùng của đĩa tôi nhận ra nếu 3, 4 năm trước mà làm xong thì sản phẩm này không tốt được như vậy. Dĩ nhiên tôi không nói sự thể hiện trong album này là hoàn hảo vì dòng nhạc jazz vốn không tìm kiếm sự hoàn hảo mà tìm kiếm sự ngẫu hứng. Dù vậy, rõ ràng với kinh nghiệm và sự rèn luyện trong mỗi ngày đi hát của mình suốt thời gian qua, tôi vào phòng thu với tâm thế làm để sao mình hát tốt hơn.
Và sau 6 năm thu âm cho album, trong gần 10 năm đi hát của mình, tôi có sự trưởng thành hơn trong giọng hát, cách xử lý cũng nhẹ nhàng hơn, tự nhiên hơn và cũng có chút tinh tế hơn. Tôi không nghĩ đó là sớm hay trễ mà mỗi điều xảy ra đều có lý do của nó, có những mặt chưa được và những mặt rất hay mà đôi khi mình không thể nào tính toán hay kiểm soát được. Đó cũng là một trong những điều hay nhất, thú vị nhất, làm cho mình luôn chờ đợi một cách bất ngờ trong quá trình đi hát của tôi.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!
Bình luận (0)