Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy với bức tranh tường gốm dài 6km

21/05/2007 10:17 GMT+7

Với tấm lòng yêu Hà Nội, nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã thực hiện dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” và 100m đầu tiên của bức tranh tường gốm dài 6.000m đã hoàn thành. Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với chị xung quanh dự án này.

* Dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” được dư luận gần đây rất quan tâm. Bản thân chị cảm thấy nó có tính khả thi hay không?

- Tôi nghĩ sẽ thành công vì bây giờ công chúng thay vì nhìn mảng tường xám xịt, buồn tẻ sẽ được nhìn một bức tranh bằng gốm có tính bền vững với thời gian, men màu tươi sáng cùng kỹ thuật làm gốm ngày càng tiến bộ hiện nay. Hiệu quả thẩm mỹ sẽ chiến thắng. Chỉ còn 2,5 năm năm nữa là kỷ niệm Thăng Long tròn 1.000 tuổi. Tôi nghĩ đó sẽ là món quà lớn dành tặng cho thủ đô nhân ngày lễ lớn này.

* Ý tưởng này nảy sinh trong suy nghĩ của chị với tư cách là một nhà báo hay một họa sĩ?

- Ngoài công việc viết báo tôi cũng là một họa sĩ tham gia sáng tác. Chúng tôi cũng từng có nhiều ý tưởng về nghệ thuật công cộng. Làm thế nào để thu hút cộng đồng cùng tham gia, cùng yêu nghệ thuật.

Đồng thời, với tư cách là nhà báo, tôi có được tham gia một khóa học và được sang một số nước châu u. Tôi đã chứng kiến bức tường thành Babilon được xây từ thế kỷ 6 trước Công nguyên mà vẫn giữ màu. Tôi suy nghĩ tại sao với loại chất liệu bền vững với thời gian, trường tồn với thời gian này tại nước ta khá phong phú lại không biết tận dụng. Nên nó đã lóe cho tôi ý tưởng viết dự án này.

Ý tưởng của dự án chính là dựng bức tranh gốm mang tính trang trí làm thay đổi một đoạn đường ven sông Hồng cho nút giao thông ở Cầu Chương Dương. 100m đầu tiên này được làm với kích thước thật và chất lượng thật của nó.

* Khó khăn thì rất nhiều, nhưng sự ủng hộ của những người làm nghề thì rất lớn. Chị có thể tâm sự những khó khăn ban đầu với 100m đầu tiên này?

- Cái khó khăn lớn là thông thường các sản phẩm gốm, các nghệ sĩ chủ yếu sáng tác làm tranh nội thất với kích thước không lớn lắm hoặc chỉ có ý nghĩa trang trí. Nhưng với dự án này, tôi yêu cầu phải làm để trưng ngoài tường đê, chịu được tác dụng của thời tiết. Các họa sĩ phải tìm tòi những chất men không bị bong rộp ngoài trời nóng, nhiệt độ nung đạt 1.200 độ để chịu được mưa nắng.


6.000m đường đê sông Hồng qua Hà Nội sẽ rực sáng bởi tranh nghệ thuật bằng gốm sứ như thế này (100m đầu tiên dự triển lãm) - Ảnh: CAND
* Khi trình dự án này, chị có bị vấp phải những ý kiến cho rằng đoạn đường đông đúc, lắm tệ nạn đó sẽ làm giảm thẩm mỹ và an toàn cho bức tranh tường và sự hiếu kỳ của người dân?

- Sau khi trình lên thành phố, tôi trải qua một cuộc phản biện do ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long Hà Nội tổ chức. Tôi có trả lời tất cả những tình huống về an toàn mà Sở VHTT, Sở Giao thông Công chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Đê điều và tôi đều bảo vệ được quan điểm của mình.

Thực tế đoạn đường đê rất thấp, ngoài những đoạn ở cửa khẩu cao 1,5m thì toàn đường đê cao 95 cm, dưới tầm mắt của người đi đường.

Năm ngoái khi tôi có dịp sang Beclin, thăm nhiều thành phố châu u tôi thấy họ có nhiều công trình kiến trúc công cộng sát đường giao thông. Hiệu quả thẩm mỹ có tác dụng ngược lại, tạo không gian hết sức thoải mái và làm người ta thêm yêu thành phố hơn.

* Hiện nay có hai luồng ý nghĩ trái nhau, với các nhà mỹ thuật thì yêu cầu chỉ cần tính nghệ thuật, đẹp, thẩm mỹ. Còn những nhà sử học lại cho rằng nên làm có ý nghĩa với đúng tính lịch sử của con đường đó. Chị có bị lung lay với hai luồng tư tưởng đó?

- 100m đầu tiên được trưng bày đầu tiên này chưa phản ánh hết được ý tưởng của đoạn dài 6.000m. Trên đoạn đường này tôi sẽ làm đáp ứng được cả hai yêu cầu đó. Tái hiện nghệ thuật lịch sử dân tộc thông qua họa tiết hoa văn là nguồn tư liệu thật quý giá mà có thể khai thác được.

Ngay trong dự án tôi đã chia thành những đoạn tái hiện mảng đời sống khác nhau. Đoạn đầu thì tái hiện lịch sử Việt Nam qua ngôn ngữ họa tiết hoa văn thời Đông Sơn đến Trần Lê. Sau đó là đoạn tranh gốm của các họa sĩ Việt Nam đương đại sử dụng chất liệu gốm của đồng bằng Châu thổ sông Hồng và gốm của các làng gốm ở miền Nam. Ngoài các nghệ sĩ Việt Nam, tôi cũng có ý tưởng mời nghệ sĩ quốc tế tham gia. Một số trung tâm văn hóa của nước ngoài tại Việt Nam như Hội đồng Anh, Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp rất tán thưởng và họ sẵn sàng mời nghệ sĩ nước họ tham gia.

Thêm nữa, ngoài chất liệu gốm của Việt Nam, tôi còn sử dụng gốm của các quốc gia có truyền thống như Pháp, Ai Cập, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Mêxicô, Mỹ để làm phong phú chất liệu và sức bền của nó.

* Từ dự án trên giấy đến thành phẩm với 100m đầu tiên này, chị đã thực sự hài lòng?

- Khi lập dự án tôi chưa hình thành được những chất liệu nào tốt để bảo đảm mọi yếu tố thẩm mỹ và an toàn cho dự án. Và khi dự án được xã hội quan tâm, có một số công ty đã liên hệ với tôi về sản phẩm keo dính và họ đã hỗ trợ chúng tôi nhiều về kỹ thuật. Ví dụ như ngoài xi măng thông thường họ có trộn chất phụ gia để gắn chặt mà khó có thể dùng búa đập. Trên bề mặt có thể tạo gốm với mặt phẳng, nhẵn, lì, khó phá.

Cho đến thời điểm này, những gì đang diễn ra hoàn toàn nằm trong dự án của tôi. Nếu dự án này thành công thì nó sẽ ghi kỷ lục Guiness với quãng đường gốm dài 6.000m phá vỡ kỷ lục một bức tranh tập thể dài hơn 3.000m tại Hàn Quốc.

* Chị có thấy mình trưởng thành hơn với dự án này?

- Tham gia trại, làm việc cùng nhau, tôi thấy mình học hỏi được người này, người kia. Sáng tác với tôi là tay trái, nên tôi cũng lên nhiều cả về mắt nhìn và kỹ thuật. Càng tìm tòi, càng làm, càng vỡ khả năng biểu cảm phong phú của gốm.

* Dự án dự kiến ra mắt vào ngày giải phóng thủ đô 10.10.2007. Từ nay đến đó liệu có đủ thời gian cho chị làm kịp đoạn đường dài 6km?

- Mục tiêu của chúng tôi là hoàn thành vào ngày giải phóng Thủ đô 10.10.2007 nhưng với điều kiện sớm nhận được quyết định của UBND thành phố. Bởi vì để làm thủ tục giải ngân cho một dự án khá là phức tạp. 100m đầu tiên này sẽ được dựng tại cửa khẩu An Dương chỗ ngã ba Nghi Tàm - Yên Phụ. Tôi cũng thấy mình thêm tự tin khi thực hiện dự án này tôi mới biết nó cũng nằm trong dự án Sông Hồng city do Hàn Quốc đầu tư dọc hai bên sông Hồng.

* Chị chỉ đề nghị xin thành phố 200 triệu. Vậy số còn lại, chị sẽ định làm thế nào để đi hết quãng đường dài 6.000m với chi phí 18 tỉ này?

- Để có buổi triển lãm 100m này, tôi phải dùng toàn bộ tiền giành dụm của tôi, tiền bán ô tô, bán xe cộ. Tôi chỉ xin thành phố 200 triệu, còn lại tôi muốn thực hiện chủ trương xã hội hóa. Tôi muốn kêu gọi sự đóng góp xã hội hóa của các cá nhân, tập thể đối với những tấm lòng yêu Hà Nội và không dùng tiền ngân sách của Nhà nước. Dự án này rất mở. Mở cả cho các nghệ sĩ tham gia sáng tác và mở cho những ai yêu mến muốn giành một quà tặng cho Hà Nội.

Theo Thiên Lam/VnMedia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.