Họa sĩ tài hoa xứ Huế Hoàng Đăng Nhuận bị tai biến nặng đã qua đời

15/07/2021 11:54 GMT+7

Sáng 15.7, thông tin về họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận vừa qua đời được cấp báo khiến nhiều văn nghệ sĩ và những người yêu thích mỹ thuật hụt hẫng, bởi sự ra đi quá đột ngột của anh.

Theo các bạn đồng nghiệp của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận thì ông mất lúc 16 giờ ngày 14.7. Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1942), theo lịch ta hưởng thọ 80 tuổi.
Hoàng Đăng Nhuận tự học tại Huế và vào nghề khá sớm, năm 1969 ông đã có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Đà Nẵng. Thập niên 1970 ông lang bạt lên Đà Lạt và còn đến vài nơi khác để tìm chất liệu sáng tác. Cả cuộc đời lao động nghê thuật, ông có gần 20 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, từng có mặt ở các triển lãm lớn vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam: Liên Xô (cũ), Tiệp Khắc (cũ), Pháp, Đức, Ba Lan, Bungari, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore

Kinh qua nhiều vật liệu, chất liệu và ngôn ngữ, nhưng sau 1975 thì một trong những ngôn ngữ yêu thích nhất của ông là điểm họa

Ảnh: Lý Đợi cung cấp

Đầu năm 2009,  ông chẳng may bị tai biến rất nặng, nhưng chỉ hơn 6 tháng sau đã cố gắng ngồi xe lăn tập vẽ trở lại. Theo thông tin từ nhà báo Lý Đợi: "Việc tập sáng tác với cánh tay không thuận - tay phải - của Hoàng Đăng Nhuận làm ta nhớ đến họa sĩ Trần Đông Lương (1925-1993) và điêu khắc gia Trần Tuy (1942-2019), những người chuyển từ tay phải sang tay trái, cũng vì tai biến. Kinh qua nhiều vật liệu, chất liệu và ngôn ngữ, nhưng sau 1975 thì một trong những ngôn ngữ yêu thích nhất của ông là điểm họa (pointillisme/ pointillism), pha trộn với tân ấn tượng (neo-impressionism), đôi khi cả dã thú (fauvism/ les fauves)".
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Theo thông tin từ người bạn Huỳnh Hữu Ủy: “Hoàng Đăng Nhuận say mê và có năng khiếu hội họa từ thời niên thiếu nên mặc dù không theo học mỹ thuật một cách trọn vẹn ở nhà trường như phần lớn các họa sĩ khác, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận vẫn thành danh nhờ có một chuỗi dài tháng năm tự miệt mài nghiên cứu, học hỏi và sáng tác. Anh đã có một thời trai trẻ sống lang bạt trên nhiều miền đất nuớc. Từ những thị trấn miền Trung khốn khó với biển xanh cát trắng đến vùng cao nguyên của cây ngàn, gió núi hoặc phương Nam phóng khoáng tình người. Những nơi chốn anh qua, những vòng tay bạn bè thân ái, những cuộc tình đến rồi đi... đều trở thành vốn sống bền bỉ của khổ đau, hạnh phúc nuôi dưỡng ngọn nguồn sáng tạo trong anh”.
Nhà thơ Lê Văn Ngăn từng có những bộc bạch về chân dung họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận: “Đầu những năm 1970, ở Đà Lạt có một gã họa sĩ đi từ Huế đến. Những nét hoang dã và văn minh hội tụ trên người gã, hiện rõ trên khuôn mặt vừa tươi cười, vừa nghiêm nghị. Một người bạn đã giới thiệu tên của gã họa sĩ ấy là Hoàng Đăng Nhuận trước khi tôi và người mới gặp ngồi im lặng bên ly cà phê trong quán nhỏ dọc đường. Từ hôm đó, tôi thỉnh thoảng gặp lại Nhuận, không phải trong nhà, mà trên những con đường. Hồi ấy, Nhuận chẳng có một chỗ riêng để mà gối đầu và có phải vì vậy mà Nhuận thường đi dưới nền trời Đà Lạt quanh năm xám màu gió rét, vừa đi vừa phác thảo trong đầu những bức tranh mới. Những bức tranh mới chỉ ra đời trên vải toile với những gam màu lạnh thường xuất hiện ở mái nhà này hay mái nhà khác, những nơi mới quen và có lòng mến Nhuận”.

Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã có một thời trai trẻ sống lang bạt trên nhiều miền đất nuớc

Những bức tranh của ông được người xem yêu thích bởi sự chăm chuốt

Năm 2009, ông bị tai biến rất nặng, nhưng chỉ hơn 6 tháng sau đã ngồi xe lăn tập vẽ trở lại

Ảnh: Lý Đợi cung cấp

Nhà báo – nhà nghiên cứ Lý Đợi kể tiếp: “Gặp ông loáng thoáng vài lần trước khi được nhà thơ Viêm Tịnh dẫn đến thăm phòng tranh Chiêu Ê ở 89 Minh Mạng, Huế. Đó là một không gian nhỏ và thoáng, trong một khu vườn còn phảng phất nhiều nét Huế. Nhớ mãi triển lãm Ba họa sĩ tại Chiêu Ê, khai mạc lúc 17 giờ ngày 17.7.2010, hôm đó cũng là thứ bảy có các họa sĩ Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận và Phan Ngọc Minh cùng bày tranh, cùng mấy bức mới của Hoàng Đăng Nhuận. Giờ thì chỉ còn mỗi Phan Ngọc Minh sống ở Đà Nẵng. Các con của Hoàng Đăng Nhuận nghe nói đều khá hiền lành, giỏi giang, hai con trai theo nghề họa sĩ thì rất có tiền đồ. Gia đình cho biết chiều qua ông ăn chén cháo lỡ bữa xong, rồi đi nằm và đi nhẹ nhàng”.
Vĩnh biệt họa sĩ lãng du Hoàng Đăng Nhuận. “Nếu như những ánh sao băng có tạt ngang bầu trời và để lại chút dấu thời gian” thì ông cũng là một ánh sao băng tuyệt vời trong lòng mọi người đã từng biết, từng yêu mến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.