Hội Gióng trở thành Di sản thế giới

17/11/2010 23:54 GMT+7

Ngày 16.11, tại thành phố Nairobi (Kenya), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội Gióng diễn ra vào ngày 9, 10 tháng tư (âm lịch) hằng năm tại đền Phù Đổng, đền Sóc và nhiều vùng lân cận ở Hà Nội, được đánh giá như một bảo tàng văn hóa sống, lưu giữ nhiều lớp văn hóa, tín ngưỡng. Hồ sơ đề cử hội Gióng đã được hoàn thành và gửi tới trụ sở UNESCO quốc tế tại Paris (Pháp) từ ngày 31.8.2009. Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, thành viên tham gia xây dựng và phản biện hồ sơ đề cử hội Gióng, lễ hội này có bốn điểm đặc sắc và độc đáo, không chỉ mang tính dân tộc mà còn mang tính nhân loại.

Một là, Thánh Gióng là biểu tượng của dân tộc Việt Nam trong việc chống ngoại xâm, giữ gìn quyền sống của cộng đồng. “Việc chống ngoại xâm không của riêng dân tộc nào mà mang tính phổ quát của cả nhân loại. Nhưng điểm độc đáo chỉ có ở dân tộc Việt Nam là việc kết tinh ở hình tượng cậu bé lên ba tuổi. Lời nói đầu tiên của cậu là xin đi đánh giặc, cứu nước” - GS-TS Ngô Đức Thịnh nói.

 
Lễ hội Gióng - Ảnh: CTV

Thứ hai, biểu tượng Thánh Gióng còn chứa đựng khát vọng hòa bình của dân tộc. Khi đánh giặc xong, đất nước thanh bình, Gióng bay về trời và trở thành vị thánh bảo vệ cho sự yên bình của dân tộc.

Thứ ba, hình thức diễn xướng độc đáo trong hội Gióng hiếm thấy trong lễ hội nào trên đất nước. Có ba diễn xướng quan trọng: múa hát ải lao, lễ rước, ba trận đánh chống giặc n. Trước diễn xướng đánh trận, dân làng rước tượng Thánh Gióng ra Đền Mẫu, lấy nước ở giếng trước đền rửa các vũ khí, với ý nghĩa tăng thêm sức mạnh cho Gióng chống quân xâm lược. Trong diễn xướng ba trận đánh, người ta cho trải ba cái chiếu. Trên mỗi chiếu có một tờ giấy trắng - tượng trương cho mây, một cái bát úp - tượng trưng cho núi. Ông Hiệu Cờ (biểu tượng cho Thánh Gióng) bước ra, phất cờ, tung ba cái bát lên ba lần, chứng tỏ sức mạnh phi thường của Thánh Gióng.

Thứ tư, tính nhân dân, cộng đồng được thể hiện cao trong hội Gióng. Theo sự tích, cả làng góp cơm gạo nuôi Gióng đi đánh giặc. Thánh Gióng cũng là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng. Ngày nay, hội Gióng được cả dân làng góp công sức, tiền của tự tổ chức.

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, trước kia hội Gióng kéo dài trong 7 ngày, bây giờ là ba ngày, nhưng “lễ hội vẫn giữ được nhiều yếu tố, phong tục nguyên gốc”.

Không nên có "hội chứng di sản thế giới"

 Sau khi hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là bảo tồn lễ hội thế nào. GS-TS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Tính cộng đồng ở hội Gióng rõ nét và cao hơn ở nhiều lễ hội khác. Khi đến hội, dân làng chuẩn bị chu đáo, người nào tham gia thì cảm thấy đó là vinh dự”. Vì thế, theo ông, việc bảo tồn hội Gióng cũng như hạn chế những mặt trái của thương mại hóa lễ hội (điều vẫn thường xảy ra ở nhiều lễ hội) sẽ có nhiều thuận lợi.

 GS-TS Thịnh lưu ý về “hội chứng di sản thế giới”. Ông nói: “Không phải đến bây giờ hội chứng này mới xuất hiện. Nhiều khi tỉnh này có di sản được công nhận, tỉnh kia cũng muốn có”.  Cũng theo ông, đã có rất nhiều lễ hội được đề nghị cho vào danh sách đề cử, nhưng bị thẳng thừng từ chối. GS-TS Thịnh cho rằng, nhiều lễ hội không giữ đúng bản chất, yếu tố gốc, bị biến dạng cũng cần được loại bỏ. Ông nhấn mạnh: “Chỉ lễ hội nào được quốc tế công nhận chúng ta mới quan tâm, chú ý là sai lầm. Việc hội Gióng được thế giới công nhận chỉ là cơ hội tốt hơn để bảo vệ di sản thôi, nó không phải là mục đích chính của việc bảo tồn di sản”.

Tượng Gióng cũng có tim

Ngày 15.10, UBND TP Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành Tượng đài Thánh Gióng (ảnh) - công trình văn hóa trọng điểm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tượng Thánh Gióng và cả ngựa của Ngài đã được đúc tim như biểu hiện cho sự sống.

 

 Ảnh:  M.S

Tượng Thánh Gióng được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng thuộc dãy núi Sóc, nằm trong quần thể di tích Đền Sóc - chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Di sản thứ 3 của Hà Nội được vinh danh

Cùng với 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là di sản thứ 3 của thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010.

Trong số 46 di sản được công nhận năm nay của 29 quốc gia thành viên có 6 di sản là nghề thủ công truyền thống; 12 di sản là lễ hội; 6 di sản là tri thức dân gian; 20 di sản là nghệ thuật biểu diễn; 3 di sản là ẩm thực dân gian.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.