Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 2: Về đất Hỏa xá

18/07/2014 03:00 GMT+7

Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập viết rõ: “Đất ấy đều là cánh đồng rộng, không có núi sông hiểm trở. Trong vùng dân không biết chữ, có vay mượn thì lấy dây thắt nút làm ghi; cách sinh nhai thì đào đất trồng cấy, không có cày bừa...”. Ấy là vùng Hỏa xá - Vua lửa, thuộc H.Phú Thiện (Gia Lai) ngày nay.

Vua lửa nơi thung lũng Ayun Pa

 
Mộ của Siu Luynh, vị Vua lửa thứ 14 - Ảnh: Trần Hiếu

Đang mùa thu hoạch. Khắp thung lũng Ayun Pa phủ một màu vàng ươm lúa chín. Công trình đại thủy nông Ayun Hạ đưa nguồn nước về tận những thôn buôn xa xôi, giúp khu vực này có những ngày mùa vui. Và những khu dân cư trù phú theo đó cũng định hình từ nhiều năm nay. Con đường vào làng Plei Ơi, xã Ayun Hạ, H.Phú Thiện mùa này mát hơn bởi sát đường là con mương lớn ào ạt nước.

Di tích Plei Ơi với những truyền kỳ về các Pơtao Apuih - Vua lửa vẫn còn đậm đặc ở khu vực này. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân trong tác phẩm Đến với lịch sử văn hóa Bắc Tây nguyên cho biết về hiện tượng Vua lửa: “Đã nhiều thế kỷ trôi qua, các Pơtao Apuih vẫn được cư dân Tây nguyên nhắc đến như những thần linh có sức mạnh huyền bí”. Cũng theo tiến sĩ Vân, hầu hết các dân tộc ở Tây nguyên, Lào và Campuchia đều biết đến Pơtao Apuih. So với Pơtao Ia (Vua nước), Pơtao Angin (Vua gió), hiện tượng lịch sử - văn hóa Pơtao Apuih xuất hiện sớm nhất. 

Theo truyền thuyết, mưa to, hạn nặng, dân làng bị bệnh, phải mời đến Pơtao Apuih. Ngoài ra, các vùng khác cũng mời Pơtao Apuih đến cúng. Theo “báo cáo” của các quan chức sứ bộ triều Nguyễn, các Pơtao Apuih cũng lên nương làm rẫy, ăn mặc như mọi người trong làng. Chỉ có điều, người dệt nên những trang phục của Pơtao Apuih nhất thiết phải là người đàn bà đã qua sinh nở.

Theo một số tài liệu nghiên cứu của các học giả, hiện tượng Pơtao Apuih có thể xuất hiện khoảng thế kỷ 15. Siu Luynh là vị Pơtao Apuih thứ 14, mất năm 1999, và đến nay vị trí này vẫn để ngỏ. Ông Rơmah Thuyn, Phó chủ tịch UBND xã Ayun Hạ, nói: “Các Pơtao Apuih phải kiêng nhiều, không được ăn các loại thịt ếch nhái, bò, chó. Hồi còn nhỏ mình vẫn được người lớn dặn không được đến gần các lễ cúng. Lễ cúng chỉ có già làng, Vua lửa và phụ tá. Theo quan niệm, đàn bà, trẻ con đến gần lễ cúng sẽ bị đau. Lễ cúng thường là cầu cho mưa thuận gió hòa. Từ khi Siu Luynh chết thì không còn cúng nữa”.

Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc lý giải: “Khác với những thầy cúng thông thường ngày trước ở trong các cộng đồng làng, các Ơi là thầy cúng đáng kính trọng. Họ được xem là “thông ngôn” giữa trời và hạ giới, cúng cầu nắng, mưa, gọi gió. Trong một văn bản của Bảo tàng tỉnh Gia Lai năm 1992 về bảo vệ di tích Plei Ơi ghi rõ: “... Mãi đến nửa cuối thế kỷ 15, trong một nhóm cư dân Jrai mới biết đến kỹ nghệ rèn đúc đồng. Cùng với sự xuất hiện của chiếc gươm đồng đầu tiên đã được thần thánh hóa là sự xuất hiện của Pơtao Apuih. 14 đời Pơtao Apuih (Vua lửa) đã tồn tại suốt hơn 5 thế kỷ qua. Plei Ơi là nơi cư trú của những vị Pơtao Apuih cuối cùng, còn bảo lưu được những yếu tố lịch sử văn hóa bản địa cổ xưa, đậm nét nhất”.

Những Pơtao Apuih không ngai

Ba ông vua là Vua nước, Vua lửa và Vua gió, dẫu không hề là một thể chế pháp trị, chỉ đơn thuần mang tính chất thần quyền, nhưng sự chi phối của họ trong đời sống tâm linh của những cư dân bản địa, với nền văn minh lúa nước vẫn có ảnh hưởng khá lớn từ xa xưa. Đại Nam liệt truyện chính biên khắc họa khá rõ những vùng đất của Thủy xá (Vua nước) và Hỏa xá (Vua lửa). Trong những khảo cứu của các nhà dân tộc học người Pháp cũng như trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã từng nhắc đến vùng đất này.

Những người kế tục Hỏa xá theo truyền thống là phải mang họ Siu. Vì thế, ngôi vị của các Pơtao Apuih không phải là cha truyền con nối mà là sự lựa chọn những người trong họ. Nếu người được chọn ưng thuận, người trong vùng sẽ chuẩn bị lễ cúng gồm trâu, heo, gà, rượu…, tuyệt nhiên không có bò. Và đặc biệt, những người mang họ Siu cũng không được nuôi bò. Vua cũng chỉ được lấy một vợ như người bình thường. Con của vua đều phải lăn lưng trên rẫy, vật lộn với thiên nhiên, muông thú để kiếm cái ăn.

Thỉnh thoảng, Vua lửa cũng đi thăm các làng và được thết đãi khá trọng thị. Vật phẩm mà người làng làm quà cho Vua lửa thực ra chỉ mang tính tượng trưng, có khi chỉ là một lưỡi cuốc, một vật dụng gì đó trong gia đình. Dưới thời nhà Nguyễn, mỗi khi hay tin có Vua lửa mới, các quan tỉnh Phú Yên (giáp Gia Lai), cử người lên thăm và tặng một ít vật phẩm. Đáp lại, Vua lửa cũng gửi tặng những vật phẩm của núi rừng như ngà voi, sáp ong...

 Siu Ăt, một trong những người kế tục Pơtao Apuih từ thế kỷ 20, còn thể hiện sự quật cường, là một thủ lĩnh Jrai chống lại người Pháp. Ông đã chỉ huy dân làng giết viên quan cai trị Prosper Odend’hal vào năm 1904. Và thực tế, những đời Pơtao Apuih hiển nhiên rất được cộng đồng tín nhiệm, tôn trọng. Họ như là những hiền minh của núi rừng, của cộng đồng.

Hiện làng Plei Ơi đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Vùng đất này vẫn còn nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, là hấp lực với nhiều du khách khi đến cao nguyên. Mới đây, UBND H.Phú Thiện đã đầu tư vào cụm công trình di tích Plei Ơi hơn 3,1 tỉ đồng. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, hiện thanh gươm truyền ngôi theo truyền thuyết vẫn còn và các cơ quan chức năng ở địa phương đang có kế hoạch chuyển gươm về khu bảo tồn.

Trần Hiếu

>> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 1: Miền hư ảo của Pơtao Ia
>> Khánh thành 4 cầu ở miền Trung - Tây nguyên
>> Bàn thảo về hiệu quả hai dự án bauxite ở Tây nguyên
>> Mưa có xu hướng giảm ở Nam bộ và Tây nguyên
>> Triển lãm ảnh 'Từ chiến dịch Bắc Tây nguyên đến chiến thắng Điện Biên Phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.