Huyền Vũ và 'quả da' Sài Gòn

24/04/2016 08:00 GMT+7

Hơn 50 năm trước và cho đến nay, Huyền Vũ xứng danh là một 'huyền thoại' trực tiếp tường thuật đá banh chưa ai qua tại đất Sài Gòn.

Hơn 50 năm trước và cho đến nay, Huyền Vũ xứng danh là một 'huyền thoại' trực tiếp tường thuật đá banh chưa ai qua tại đất Sài Gòn.

Đội tuyển VN, huy chương vàng SEA Games 1959 - Ảnh: Tư liệuĐội tuyển VN, huy chương vàng SEA Games 1959 - Ảnh: Tư liệu
“Coi” đá banh bằng… tai
Vào những năm 1960 - 1965, dân “túc cầu giáo” làm gì được xem đá banh qua truyền hình như hôm nay. Khi có những trận đá “chiến tướng”, họ phải ra sân Cộng Hòa (Thống Nhất) để chen chúc mua vé (có khi phải mua vé chợ đen) rồi tự hứa sẽ nhịn cà phê, thuốc lá, la de (bia) bù lại. Còn những người không đến xem trực tiếp tại sân vận động thì sao? Có cách giải quyết: Họ sẽ “coi” đá banh bằng... tai qua tường thuật trận đấu của bình luận viên Huyền Vũ (tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, ký giả (phóng viên) thể thao và là bình luận viên đá banh, sinh năm 1914, mất năm 2005).
Nhiều người vào xem đá banh trực tiếp trong sân còn mang theo radio để nghe tường thuật cho đã. Tôi nhớ lại vào một buổi chiều chủ nhật nọ, bắt chước một vài thằng bạn, tôi cùng đến nhà cậu Út Rồng “coi” đá banh bằng giọng của ông Huyền Vũ. Từ trong chiếc radio phát ra một giọng nói nhanh nhưng không vấp và rất rõ: “Hôm nay là trận tranh tài túc cầu vòng loại giải vô địch Thế vận hội 1964 giữa hai đội túc cầu Do Thái và đội túc cầu tuyển thủ VN. Về đội chủ nhà chúng ta có mặt cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Văn Thà, Phạm Văn Lắm, Phạm Văn Mỹ… Đặc biệt là thủ môn Phạm Văn Rạng, với đôi tay lưỡng thủ vạn năng… Kính thưa quý vị thính giả đang nghe radio - xin lỗi quý vị đang nghe radio trong sân vận động, vui lòng vặn nhỏ âm thanh vừa đủ nghe… thủ môn Phạm Văn Rạng đã đi vào huyền thoại bắt bóng của đội tuyển khi vào năm 1958, trong trận đội tuyển Thanh Niên thi đấu giao hữu với CLB vô địch Thụy Điển. Đội bạn, vì đã bị dẫn trước tỷ số nên cố san bằng khung thành của đội tuyển Thanh Niên. Có một đường banh mà không ai mê túc cầu có thể quên được đó là khi trung phong đội bạn là Djupden đánh đầu quả da vào từ góc trái. Cả cầu trường im phăng phắc. Còn trung phong đội bạn giơ cao cánh tay chuẩn bị mừng bàn thắng thì bất ngờ… Phạm Văn Rạng đã búng ngược người như một con tôm, dùng tay đẩy bóng qua xà ngang cứu một bàn thua trông thấy…”.
Lúc giọng nói của ông Vũ chậm lại, đều đều thì tụi tôi cảm nhận được cả hai đội đang vờn banh quanh quẩn giữa sân và bỗng dưng, khi giọng nói khẩn trương, cấp thiết: “Mũi tên vàng Thới Vinh bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống… Quả da đã đi tới khung thành rồi. Ngôn đang lừa banh, qua rồi. Tam Lang đang đứng đợi bên trong, đưa banh. Tam Lang bỏ cho Đỗ Thới Vinh. Ngôn ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá”. Giọng Huyền Vũ bỗng dưng vang ra thật lớn: “S… ú… t”… và rồi như nhỏ lại và buồn tẻ: “Nhưng quả da đụng khung thành bật ra… Ta đã uổng một dịp thắng bằng vàng”.
Ông Huyền Vũ là “cha đẻ” của những cụm từ: “một dịp thắng bằng vàng”, “cứu một bàn thua trông thấy”, “cú ngả bàn đèn”… Và chữ đặc biệt dùng để nói về quả bóng của riêng ông là quả da.
Huyền Vũ và 'quả da' Sài Gòn 2Ký giả Huyền Vũ - Ảnh: Tư liệu
“Từ điển sống” bóng đá
Do là một ký giả thể thao nên ông Huyền Vũ nhớ vanh vách những trận cầu đã qua. Vì vậy, trong khi chờ đợi thời gian trống trên sân, ông có dịp bình luận những sự kiện: “Chúng ta còn nhớ lại, tại Đông Nam Á vận hội năm 1959, đội tuyển túc cầu của ta đã đoạt huy chương vàng nhờ công của các tuyển thủ Đỗ Thới Vinh, Hải, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Nhung và không thể thiếu thủ môn vàng Phạm Văn Rạng. Đội tuyển túc cầu xứ chùa Tháp phải chia tay với chức vô địch khi thua đội tuyển túc cầu VN với tỷ số 1-3. Chính tay thái tử Xiêm trao cho đội tuyển túc cầu VN chiếc cúp vàng vô địch... Nào bây giờ ta trở lại trận đấu. Quả da đang ở trong chân của Tenkitút. Tenkitút tạt ngang cánh trái cho Mohamet Jali. Jali dẫn banh xuống nhưng bất ngờ, từ phía sau Tam Lang đã bắn ra như một mũi tên… Ô… số 8 của đội Do Thái là Baroak đã kịp thời lao đến cản đường banh của Tam Lang”.
Không cần đến sân, dân mê túc cầu chỉ nghe qua lời ông Huyền Vũ để tưởng tượng ra cảnh người ta ngồi đông nghịt, nhìn cầu thủ chạy đi chạy lại giữa hai cái gôn rồi la hét, phấn khích theo từng đường đi lắt léo hay huê dạng - như lời của ông Huyền Vũ. Người ta đồn rằng trước khi tường thuật một trận đá banh ông Huyền Vũ phải học thuộc lòng từng tên cầu thủ và khi tường thuật ông để trước mặt, cạnh cái micro một bản tên các cầu thủ.
Họa sĩ Trịnh Cung, người rất mê Huyền Vũ, từng nói: “Tôi nghe ông từ khi còn bé, đến bây giờ vẫn không thể nào quên. Đúng là cho đến bây giờ vẫn chưa ai có thể “bén gót” được ông chứ đừng nói đến thay thế. Hồi đó còn là cậu học sinh trung học, không phải chỉ mình tôi mà cả một “thế hệ” những học sinh ở Nha Trang như tôi đều “mê” ông. Vào thời đó chưa có truyền hình, ông Huyền Vũ chỉ có tiếng nói qua làn sóng điện chứ không có hình, vậy mà nghe ông, thính giả cứ tưởng như đang được coi một trận đấu thực thụ đang diễn ra từng pha bóng trước mặt mình: “Tới trước khung thành rồi, Ngầu đang lừa banh, qua rồi, Há đứng đợi bên trong, đưa banh, Há bỏ cho Ngầu, Liêm ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá… nhưng quả da đụng khung thành bật ra. Tam Lang lại được banh từ giữa sân, đưa dài lên, cú sút của Tư chéo góc… Dzô! Dzô! Dzô, tuyệt tác. Sân cỏ nổ tung! Rồi Đực, rồi Rạng với đường banh huê mỹ vặn chéo người cứu một bàn thua trông thấy khiến khán giả choáng váng…”. Ông ấy làm tôi ở nhà cũng choáng váng theo”.
Nhiều chuyên gia bóng đá nhận định, ông Huyền Vũ đã cho khán giả “thấy” những gì cần, đang diễn ra. Ông Huyền Vũ nói năng lưu loát, tuôn trào như suối chảy trong khi bây giờ một vài người bình luận “ngắc ngứ, giật cục”, thường phải dừng lại để tìm chữ, tìm tên cầu thủ cho đúng, làm mất cái hứng thú của một trận đấu, không truyền được cho thính giả ngồi nhà cái “máu me” của các cầu thủ đang đi banh, lừa banh, bị thương hoặc chiến thắng và ngay cả khi thua trận… Dù không phải là một cầu thủ nhưng tên tuổi của ông chẳng kém gì một Ngôi sao Gia Định hay AJS (tên các đội bóng nổi tiếng thập niên 1930 - 1950 tại Sài Gòn). Các tín đồ “túc cầu giáo” có thể quên tên một cầu thủ khi họ xuống chân nhưng không thể nào quên tên Huyền Vũ.
Bây giờ, dù có xem đá banh qua màn ảnh truyền hình, nghe vài bình luận viên tường thuật mà đôi lúc mong họ đừng nói thì hay hơn, tôi ước muốn được nghe lại giọng nói của ông Huyền Vũ, để ông truyền cảm hứng của một thời “coi” đá banh qua trực tiếp truyền thanh với giọng nói không quên của một bình luận viên huyền thoại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.