Nhạc sĩ Quốc Trung, dù đã dự nhiều liên hoan âm nhạc lớn trên thế giới, cũng choáng váng trước dàn thiết bị âm thanh mà “ban nhạc rock hay nhất mọi thời đại” Scorpions mang tới VN. Còn trên trang cá nhân, anh viết gọn ghẽ: “Siêu chính xác. Siêu kỷ luật. Siêu chất lượng. Made in Germany”.
Nhưng khán giả thì mê thêm cả điều khác. Đó là giá vé rất vừa vặn để nhiều người có thể đến, kể cả những người trẻ. “Tôi cũng mua vé nhiều chương trình mang các ban nhạc nổi tiếng thế giới khác đến VN. Có chương trình một cặp vé VIP là 12 triệu đồng nhưng đã muộn giờ tới cả tiếng, chưa kể vụ dàn mixer hỏng làm cả khán giả và nghệ sĩ biểu diễn thất vọng. Vậy nên, giá vé 600.000 đồng cho buổi diễn có Scorpions chắc chắn đại chúng hơn”, bà Ngọc Quyên, một khán giả xem đủ các mùa Monsoon (Gió mùa), chia sẻ. Trên thực tế, vé đã bán hết đến 80% ngay trước khi Monsoon khai cuộc 2 ngày, và trong số khán giả đi xem có rất nhiều người trẻ.
Đêm thứ hai của Monsoon cũng là đêm cuối của đợt công diễn vở nhạc kịch kiểu Broadway Đêm hè sau cuối của “người trở về từ Walt Disney” Nguyễn Phi Phi Anh. Vở nhạc kịch này lúc đầu dự kiến diễn 6 đêm, sau phải mở bán thêm 4 đêm nữa mà vẫn còn khách mua. Rốt cuộc, ê kíp đã mở bán thêm đêm thứ 11 trước khi tạm ngưng diễn để chuẩn bị cho một vở nhạc kịch khác.
Nhạc sĩ Quốc Trung từng nổi đình đám với chiến dịch Nghe có ý thức do anh và nhiều nhạc sĩ khác khởi xướng, vận động cách nghe nhạc sòng phẳng, nói không với nhạc không có bản quyền. Tuy nhiên, chính anh cũng phải công nhận chiến dịch này không mang lại nhiều hiệu quả. Có lẽ vì vậy, anh hướng nhiều hơn tới việc giúp khán giả, nhất là khán giả trẻ, được nghe nhạc hay, nghe một cách có văn hóa cũng như nghe với giá rẻ. Phi Anh, theo cách của mình, cũng giúp khán giả trẻ đến gần với âm nhạc thế giới hơn. Các bài hát được anh mua và trả tiền bản quyền đầy đủ, đặt lời mới phù hợp nội dung vở diễn. Khái niệm nhạc kịch trong đầu nhiều khán giả trước kia chỉ là các vở opera thì giờ đây đã rõ mồn một là musical, ở đó có thể có cả pop, rock và jazz. Vì thế, thế hệ lớn lên cùng truyện tranh Conan đã thấy những vở diễn này vô cùng gần gũi.
Điểm chung giữa Phi Anh và Quốc Trung nữa có lẽ chính là sự tham gia đông đảo của người trẻ cả với tư cách công chúng lẫn tình nguyện viên và nghệ sĩ. Đúng hơn, đó là sân chơi với tinh thần để người trẻ tham gia vào mọi vị trí. “Mỗi năm tôi lại có một ê kíp mới”, Phi Anh chia sẻ. Còn với Quốc Trung, các nghệ sĩ mới, các dự án mới luôn là điều anh tìm kiếm. Năm nay, Anna Trương, con gái nhạc sĩ Anh Quân, cũng là một nghệ sĩ mới như vậy.
Trẻ hóa nhạc hàn lâm
Những năm gần đây, giới học sinh, sinh viên ở TP.HCM đã không còn lạ với chương trình Giai điệu trẻ của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) phối hợp với Thành đoàn TP.HCM. Diễn ra ngày 29 hằng tháng, chương trình được thiết kế với hình thức trẻ trung, dễ thưởng thức, nhằm trẻ hóa nhạc hàn lâm, góp phần mang âm nhạc hàn lâm đến công chúng, với mục tiêu xây dựng dần lớp khán giả có kiến thức, và yêu thích loại hình nghệ thuật này. Trong những buổi diễn, xen kẽ với những tiết mục biểu diễn theo chủ đề là phần diễn giải của các nghệ sĩ có chuyên môn, giúp khán giả hiểu hơn về giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch hay sự kết hợp giữa các thể loại: giao hưởng với rock, giao hưởng với dân ca…
Theo anh Nguyễn Tân, đại diện truyền thông của HBSO, hiệu quả rõ nhất sau thời gian tổ chức Giai điệu trẻ chính là trong các chương trình định kỳ còn lại của nhà hát, 10% vé dành cho sinh viên luôn được bán hết trước. Từ tháng 4.2016, bên cạnh Giai điệu trẻ, nhà hát dành tặng sinh viên các trường ĐH ở TP.HCM toàn bộ ghế của lầu 2. Bởi thế, sinh viên ĐH Bách khoa có dịp xem vở ba lê Cô bé lọ lem; sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đến với hòa nhạc thính phòng với các nghệ sĩ VN và Hàn, Nhật; sinh viên ĐH Luật có dịp thưởng thức đêm nhạc Mỹ, sinh viên ĐH Văn hóa xem nhạc kịch Cây sáo thần hay sinh viên Trung tâm ĐH Pháp - ĐH Quốc gia TP.HCM được nghe Đêm nhạc Pháp…
Hơn một năm nay, khán giả trẻ TP.HCM cũng đã có thêm không gian thưởng thức nghệ thuật mới: sân khấu Soul Live Project. Với không gian đa năng và linh hoạt, khán giả đến đây có thể tìm hiểu các loại hình nghệ thuật yêu thích, từ truyền thống đến hiện đại, theo từng chủ đề (qua các buổi nói chuyện chuyên đề) và xem biểu diễn của các nghệ sĩ VN và quốc tế. Ca/nhạc sĩ Thanh Bùi, người thành lập Soul Live Project, còn mong muốn ươm mầm thế hệ các nghệ sĩ mới, khi xây dựng những chương trình nhằm đem đến cơ hội biểu diễn cho các nghệ sĩ trẻ, tạo điều kiện cho các bạn thể hiện tài năng và học hỏi bằng những trải nghiệm thực tế. Nhạc kịch cộng đồng The secret garden sắp công diễn vào tháng 11 là một ví dụ, khi các diễn viên được tuyển chọn là người VN và nước ngoài sinh sống ở VN.
Trong bối cảnh sân khấu Việt không còn sáng đèn thường xuyên, thậm chí nói như PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái là “đứt mạch”, thì hiện tượng nhạc giao hưởng, nhạc kịch có đông người trẻ đi xem quả là đáng được cổ vũ. Đây cũng là nhóm đối tượng mà Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSND Lê Khanh mơ ước: “Họ chính là khán giả của tương lai”.
Bình luận (0)