Trong ngôi nhà hai ông thừa tự từ các cụ tổ, không chỉ là một bảo tàng về hình ảnh, mà còn hơn thế nữa, như một kho báu chưa được khám phá trong phố cổ!
Những bức ảnh quý
Ngày nay, các cơ quan nghiên cứu và nhiều nhà sưu tập còn giữ được hàng ngàn bức ảnh cũ, kể cả phim âm bản thực hiện từ những năm đầu thế kỷ 20 ở Hội An. Đó là tác phẩm của các hiệu ảnh Thiên Chơn Các (thành lập từ năm 1912), Tiêu Nhiên (1920), rồi sau đó là Lệ Ảnh, Huỳnh Sau, Huỳnh Sỏ, Hứa Văn Bân, Trương Trừng... được lưu giữ khá tốt.
Những bức ảnh về các cuộc đấu xảo trong thời kỳ Pháp thuộc, cảnh những công chức Việt - Pháp trước cổng tòa công sứ, nay là khách sạn Hội An, về cuộc tuần du của Bảo Đại đến Hội An năm 1933, ảnh chân dung của hàng trăm người Hội An đương thời mặc áo dài, nón lá hay những bộ sườn xám của các thiếu nữ Minh Hương; những cụ ông áo dài khăn đóng hoặc mặc âu phục tân thời; những con đường, bến sông, chùa chiền, cảnh họp chợ, cả những người nông dân cày bừa trên ruộng, những gánh hàng rong; những khu phố chìm trong lũ lụt và nhiều di tích…
Sau gần một thế kỷ cầm máy, cụ Vĩnh Tân và con ông là Thái Tế Thông đã lưu giữ một kho tàng vô giá gồm hàng ngàn bức ảnh quý. Sau này, nhờ kỹ thuật số ông Tế Thông đã ứng dụng và bảo vệ được nhiều ảnh quý từ phim cũ; trong đó có những tấm về cảnh ngập lụt năm 1964 mà ông kể là từng bán cho các báo ở Sài Gòn hồi đó với giá 1 lượng vàng mỗi tấm.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà có tuổi đến hơn 200 năm ở số 80 Nguyễn Thái Học, ông Thái Tế Thông kể: “Năm 1920, cụ Vĩnh Tân, do mê bộ môn nghệ thuật này, đã mở cửa hiệu Tiêu Nhiên. Cũng như cái tên hiệu ảnh, ông chủ của nó đã ngao du khắp nơi săn tìm phong cảnh, ghi lại những sinh hoạt, nhân vật có tiếng tăm hoặc các lễ hội, đình chùa ở Hội An…”.
Ông Tế Thông sinh năm 1933, theo cha đi chụp ảnh từ năm 12 tuổi và 5 năm sau chính thức cầm máy. Ngoài các tác phẩm nghệ thuật in thành carte postale (bưu thiếp) bán cho người Pháp, cha con ông Vĩnh Tân trong nhiều năm đã được tòa công sứ và chính quyền đương thời mời chụp ảnh làm giấy thông hành cho hàng vạn người dân quê vùng Hội An. “Từ năm 1950 đến 1975, có đến hơn 80% nữ sinh ở Hội An đã ngồi trước ống kính của tôi để chụp ảnh thẻ hoặc ảnh nghệ thuật. Một số ít những tấm ảnh chân dung thời đó mà tôi lưu giữ đã được các nhà sưu tầm người Đức đến Hội An xin về trưng bày và in thành sách tại Berlin năm 1999, cũng góp phần quảng bá cho đô thị cổ”, ông Thái Tế Thông kể.
Ngôi nhà 80 Nguyễn Thái Học hiện là một kho tàng quý. Có nhiều ảnh là chân dung các bang trưởng, các cụ tổ người Hoa chụp từ thế kỷ 19. Nhiều bức ảnh gắn với lịch sử Hội An và cả nước như ảnh Bảo Đại kinh lý Hội An, Điện Bàn, Cách mạng Tháng 8 và nhân dân Hội An cướp chính quyền năm 1945, hàng trăm bức ảnh về Cửa Đại, sông Hoài những năm 1940 thời Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ đến diễn kịch và sáng tác...
Ông Thái Tế Thông còn giữ lại những bức ảnh Bảo Đại đến thăm Vĩnh Điện, La Qua, ngồi trên salon gỗ do gia đình ông chở lên cho mượn; một tấm ảnh khác chụp Nam Phương hoàng hậu đang bồng con, ảnh của cụ tổ vốn là nhà thơ Diệp Ngộ Xuân từ cuối thế kỷ 19… Ông Thông cho biết: “Nhiều ảnh chân dung của các nhân vật nổi tiếng khác đã bị hư hại vì lụt lội hằng năm và cách bảo quản lạc hậu, tôi rất đau buồn. Tuy vậy những gì đã qua, đã mất tôi không nhắc lại, chỉ mong giữ được thật tốt những gì còn lại”.
Bộ sưu tập của nhiều thế hệ
Nhà sưu tập đồ cổ Diệp Gia Tùng là anh em cô cậu ở chung nhà với ông Thái Tế Thông. Ông Tùng năm nay đã 75 tuổi nhưng trí nhớ còn minh mẫn. Trong ngôi nhà này không chỉ là hình ảnh, mà còn có những đồ cổ quý giá của mấy đời ông bà, con cháu sưu tập. Sách cổ Hán Văn, sách thuốc gia truyền, đồ thờ cúng, đồ gốm, đồ tre cổ được lưu giữ. Những tủ kính trưng bày đồ gốm sứ Trung Hoa, Đại Việt, Chăm Pa nhiều đời…
Hiệu buôn thuốc bắc Diệp Đồng Xuân do cụ tổ Diệp Ngộ Xuân lập ra sau khi đến Hội An vào năm 1856. Đến đời cháu nội là cụ tổ Diệp Khải Minh đổi tên thành Diệp Đồng Nguyên năm 1900 và buôn bán bách hóa, thuốc bắc, các loại sách tân thư, truyện nhập về từ Đài Loan, Hồng Kông và Thượng Hải… Ông Diệp Gia Tùng kể: “Hội An thời đó, các tiệm thuốc bắc kiêm luôn bán sách báo và nhiều loại tân thư chở về Hội An từ những chiếc thuyền buôn lớn, nên luôn thu hút các nhà trí thức ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung. Chữ Quốc ngữ trên bảng hiệu các cụ tôi cũng đã nhờ nhiều vị tân học hồi đó soạn giúp rồi đi thuê thợ khắc. Còn nhiều bảng nữa, nhưng lũ lụt đã cuốn đi hết”.
Thời gian cứ lặng trôi. Hai vị hậu duệ của gia đình họ Diệp: nhà nhiếp ảnh Thái Tế Thông và nhà sưu tập Diệp Gia Tùng nay đã cao tuổi. Mơ ước của họ thì nhiều mà sức lực đã cạn dần, không biết rồi cái kho báu quý hiếm này sẽ đi về đâu nếu không được sự hỗ trợ và giúp đỡ của ngành bảo tàng, của thành phố di sản Hội An?
|
Bình luận (0)