Kịch lịch sử - sao còn khiêm tốn?

22/07/2011 16:26 GMT+7

Hiện nay, dư luận đang kêu ca về những bộ phim truyền hình đề tài lịch sử tiêu tốn hàng chục tỉ đồng nhưng không hiệu quả, thì có một loại hình khác giáo dục lịch sử cũng không thua kém, đó là sân khấu kịch. Nhưng thực tế mấy ai đã quan tâm đến nó.

Mấy năm nay, sân khấu kịch  IDECAF luôn dẫn đầu trong việc dàn dựng những vở lịch sử. Bí mật vườn Lệ Chi diễn 7, 8 năm trước, nay chuẩn bị tái diễn. Ngàn năm tình sử ra đời cách đây 2 năm, diễn mấy chục suất tại Nhà hát Bến Thành, nay sắp thu nhỏ để diễn tại số 7 Trần Cao Vân, với giá vé trung bình thì khán giả dễ xem hơn. Chưa kể các vở Thánh Gióng, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Trần Quốc Toản ra quân đều đã diễn nhừ tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành, các em thiếu nhi rất thích.

 

Vở "Ngàn năm tình sử" - Ảnh: H.A.T

Hiện nghệ sĩ Hữu Châu đang chuẩn bị vở Quyền lực tình yêu do chính anh đạo diễn. Hoàng đế cờ lau dài 1 giờ 30 phút cũng sẽ dành tặng các em thiếu nhi vào cuối hè này. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn  của sân khấu kịch IDECAF còn hé lộ bí mật là đang đặt hàng 2 tác giả gạo cội viết 2 vở kịch lịch sử nữa để ra mắt tại nhà hát Bến Thành vào tháng 11 năm nay và đầu năm tới. Ông Tuấn nói: “Hai vở này chúng tôi không nghiêng về tình cảm và nhạc kịch như Ngàn năm tình sử, mà nghiêng về chất anh hùng ca, kích thích lòng yêu nước. Anh em làm hài để kiếm sống thôi, nhưng vẫn máu mê với lịch sử. Chúng tôi nhất quyết duy trì, có lỗ cũng chịu”.

Cùng suy nghĩ đó, Giám đốc Hồng Vân (Kịch Phú Nhuận) đã ra mắt Nỏ thần từ năm 2009, được dư luận khen ngợi. Nhưng tới nay chị vẫn chưa dám động tĩnh gì thêm, bởi... còn đuối. Chi phí cho một vở kịch sử lên đến 400-500 triệu đồng, gấp 3-4 lần vở bình thường, mà bán vé cũng không ăn khách và kéo dài như vở hài, nếu không tâm huyết thì “ông bầu” sẽ ngại móc tiền. Nghệ sĩ cũng phải chấp nhận bỏ bớt sô đóng phim để tập hàng tháng trời, khó hơn tập vở hài rất nhiều…

Truyền hình đúng là một kênh rất hấp dẫn để các vở kịch sử được dàn dựng hàng loạt, phục vụ đông đảo khán giả. Nhưng các công ty không thèm chen nhau mua sóng như phim dài tập, mà kinh phí nhà nước dành cho mảng sân khấu truyền hình cũng rất khiêm tốn. Thế nên, thỉnh thoảng có vở kịch sử cũng lọt thỏm trong vô vàn thông tin giải trí. Một nghệ sĩ nổi tiếng còn than: “Truyền hình có mời tôi đóng, nhưng tôi từ chối. Bởi vở sử mà tập tuồng có mấy ngày làm sao diễn được. Đã làm sử thì phải công phu, nghiêm túc, còn không thà tôi đi diễn hài mà đỡ áy náy”. 

Lẽ ra, Nhà nước nên có hẳn nguồn kinh phí hỗ trợ để các sân khấu phục vụ kịch sử miễn phí cho thanh thiếu niên. Và truyền hình phải làm một dự án đầu tư cho kịch sử, kéo dài và xuyên suốt vào giờ vàng nào đó, tính ra vẫn không tốn kém bằng làm phim, mà nhanh gọn hơn, dễ thẩm định hơn. Trong lúc chúng ta chưa đủ lực lượng tác giả, đạo diễn có tay nghề để làm phim sử dài hơi, thì chính những vở kịch đó sẽ tiếp cận nhanh nhất với người xem, “xóa mù” lịch sử cho biết bao nhiêu bạn trẻ. 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.