Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Tính cách vua Gia Long và Minh Mạng

09/01/2017 07:00 GMT+7

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2016) là một góc nhìn độc đáo, khác lạ về Huế, về triều Nguyễn và đất nước Đại Nam thời Gia Long, Minh Mạng trong cuộc tiếp xúc với người Pháp và văn minh phương Tây.

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Tính cách vua Gia Long và Minh Mạng
Vua Gia Long (1762 - 1820) Ảnh: Tư liệu
Sự khác biệt giữa hai cha con
Ngày nay, hiếm có người Pháp nào không biết đến sự kiện là vào cuối thế kỷ XVIII, theo sự khẩn khoản của Đức Ông Pigneau de Béhaine, giám mục Adran (giám mục Bá Đa Lộc - PV), nhiều người Pháp đã đến xứ Cochinchine (Nam kỳ - PV) để hỗ trợ cho vua Gia Long, vốn đã bị mất quyền kiểm soát vương quốc tiếp theo sau những cuộc chiến chống lại những kẻ nổi dậy (chỉ nhà Tây Sơn - PV).
Khi lên ngôi, vua Gia Long đã không muốn nhìn nhận uy thế vương quyền của Thiên triều và ngài tự xưng vương một cách độc lập, mặc cho những yêu sách và đe dọa từ triều đình Trung Hoa. Vua Minh Mạng đã không có lòng can đảm để noi gương cha: ngài đã chấp nhận là chư hầu của hoàng đế Trung Hoa và xin được phong vương. Ngay từ khởi đầu, vị vua mới lên ngôi đã bỏ rơi chính sách của vua Gia Long để áp dụng chính sách của Trung Hoa, như chúng ta đã biết, đó là bài ngoại và căm thù đạo Công giáo.
Vua Minh Mạng rất am tường và thích trau dồi văn thơ thi phú Trung Hoa, thậm chí còn được xem như là một bậc túc Nho, có vẻ uyên thâm về chữ nghĩa hơn cả vua cha. Nhưng ngài thiếu hẳn những đức tính vốn có của vua Gia Long: vị vua đầu tiên của triều đại nhà Nguyễn có tính cách nhanh nhạy và đôi khi cũng đưa ra những quyết định không công bằng, thế nhưng ngài biết phục thiện và sửa chữa sai lầm. Vua Minh Mạng lại có tính trầm ngâm và tự cao, đầu óc lo lắng và đa nghi làm cho nhà vua trở nên nghi hoặc, tính tình cứng cỏi của nhà vua cũng thường đẩy ngài đến chỗ đưa ra những quyết định bất công một cách lạnh lùng.
Michel Đức Chaigneau là một người con lai mang hai dòng máu Pháp - Việt. Cha ông là Jean-Baptiste Chaigneau, người Pháp, có công giúp vua Gia Long đánh bại Tây Sơn nên được phong Chưởng cơ, tước Thắng Toán Hầu và đặt tên VN là Nguyễn Văn Thắng. Từng sống ở Huế gần một phần tư thế kỷ, lại có điều kiện gần gũi triều đình cho nên những trang hồi ức của Michel Đức Chaigneau trong cuốn Souvenirs de Hué (Cochinchine) ấn hành tại Paris năm 1867 đã thể hiện một cách sinh động về cuộc sống, những cuộc tiếp xúc, những biến động ở Huế - VN đầu thế kỷ XIX. 
Vua Minh Mạng không có được sự yêu mến của quần thần, mọi người đều e ngại sợ sệt. Trước khi lên làm vua, chung quanh ngài là một nhóm nhà Nho như ngài, và ngài đã tỏ lộ với họ sự hào hứng của ngài trước những định chế thành tựu của Trung Hoa. Khi nhà vua lên ngôi, những nhà Nho trở thành những người quân sư và hùa theo với họ là những quan lại vốn không được hậu đãi dưới triều vua tiền nhiệm.
Trong số những quan lại này có cả những người đã ganh tỵ với tình cảm vua Gia Long dành cho các quan người Pháp, nay với vị vua mới, những con người như thế bắt được cơ hội để thực hiện việc rắp tâm sàm tấu hãm hại mà họ đã không thành công dưới thời vua Gia Long. Không cần thiết phải nói ra là những ai khác đã ủng hộ quan lại người Pháp rồi cũng sẽ lần lượt bị thất sủng.
Ngài Tả Quân, Tổng trấn Sài Gòn
Trong số những quan lại là bạn của các quan người Pháp, chỉ có ngài Tả Quân, Tổng trấn Sài Gòn (Lê Văn Duyệt - người dịch), là còn dám đối đầu với nhà vua mới lên ngôi và đám cận thần. Quan Tả Quân công khai trách cứ nhà vua đã giẫm đạp lên chính sách khôn ngoan và đáng trân trọng của vua cha, đã thiếu bổn phận biết ơn đối với những công thần tận tụy tận trung, nhờ vào những vị này mà ngày nay ngài mới có được ngôi báu.
Quan Tả Quân có một ý chí hơn người với những tài năng ngoại hạng về chiến đấu và cai trị. Khắp chốn đều e sợ ngài, tuy vậy ngài lại được dân chúng yêu mến do tính tình cương trực. Ngài Tả Quân là một trong năm vị đại công thần của vương triều và được sự tin cậy hoàn toàn của vua Gia Long. Vua Gia Long trước khi mất đã khuyến cáo ngài Tả Quân là phải theo dõi tính cách thiếu kinh nghiệm của vị vua nối ngôi trong những năm đầu trị vì và bảo vệ vị vua trẻ chống lại những kẻ thù có thể làm hại.
Vua Gia Long cũng yêu cầu con trai mình nghe theo những lời khuyên bảo của bậc tôi trung này. Nhưng vua Minh Mạng, thay vì nghe những góp ý của ngài Tả Quân, lại làm ngược lại hết; và thay vì nhìn nhận sự trung tín và lòng tận tụy của vị Tả Quân, lại căm thù ngài tột cùng. Tuy vậy, vua Minh Mạng đã không dám truất đi chức Tổng trấn đất Sài Gòn của Tả Quân, cũng không dám bức hại trù dập vì uy tín của ngài với dân chúng. Không thể thỏa mãn được lòng căm thù, vua Minh Mạng chỉ còn biết chờ cái chết của ngài Tả Quân.
Tôi được biết là ngài Tả Quân qua đời vài năm sau khi gia đình chúng tôi vĩnh viễn rời khỏi xứ Cochinchine. Và rằng để bôi nhọ ký ức về ngài, vua Minh Mạng đã cho tổ chức một phiên xử để kết án thi thể còn lại của ngài.
Chính trong tình thế như vậy mà cha tôi, theo như những mong đợi của chính phủ Pháp, sẽ trình lên vua Minh Mạng đề án một hiệp ước hữu nghị và thương mại giữa hai đất nước, Pháp với An Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.