Kỳ bí giếng cổ - Kỳ 4: Giếng nước của nhà Tây Sơn

12/11/2015 06:27 GMT+7

Giếng nước tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn, Bình Định) được tương truyền là đã có từ thời Tây Sơn, nay đã hơn 200 năm.

Giếng nước tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn, Bình Định) được tương truyền là đã có từ thời Tây Sơn, nay đã hơn 200 năm.

Giếng cổ trong Bảo tàng Quang Trung - Ảnh: Hoàng TrọngGiếng cổ trong Bảo tàng Quang Trung - Ảnh: Hoàng Trọng
Uống nước giếng chữa bệnh
Không chỉ người dân địa phương, nhiều du khách đến Bảo tàng Quang Trung đều thành kính dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt rồi ra giếng uống nước, rửa mặt với niềm tin tâm linh sẽ trị được bệnh tật. Thậm chí, có người còn mang theo chai lọ “xin” nước đem về cho người thân cùng uống để chữa bệnh. Trong những ngày diễn ra lễ hội mừng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (mùng 4 và 5 Tết Nguyên đán), khách thập phương đến dâng hương, uống nước để chữa bệnh, cầu tài lộc càng đông.
Theo ông Tô Đình Minh (60 tuổi, ở thị trấn Phú Phong), ngày xưa, cả làng Kiên Mỹ chỉ có mỗi giếng nước trong Đền thờ Tây Sơn (nay là Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt) nên người dân gọi đó là giếng làng. Nước giếng rất trong và mát. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng nhiều người vẫn thích dùng nước giếng làng. Có những năm nắng hạn, các giếng trong làng Kiên Mỹ đều khô cạn thì giếng trong đền thờ vẫn còn nước.
Thời còn nhỏ, gia đình ông Minh sống ở gần Đền thờ Tây Sơn. Nơi đây được truyền tụng là rất linh thiêng, những người bất kính đều bị trừng phạt thích đáng. Tuy nhiên, ông Minh và các bạn cùng trang lứa vẫn thường vào đây nghịch ngợm, chơi đùa. Năm học lớp 11, trong một lần vào đền thờ chơi, bị bạn bè thách đố nên ông Minh liều mạng vuốt râu pho tượng bán thân của hoàng đế Quang Trung, đặt thuốc lá vào miệng tượng... Những tưởng trò đùa nghịch trẻ con qua rồi thì thôi nhưng về nhà ông Minh lên cơn sốt, co giật. Gia đình mời thầy thuốc đến chữa trị không khỏi. Khi nghe bạn bè đến thăm kể lại chuyện ông Minh mạo phạm tượng hoàng đế Quang Trung, cả gia đình đều hoảng sợ.
“Mẹ tôi liền mua lễ vật đến đền thờ, lấy 3 ly nước giếng đặt trước tượng hoàng đế Quang Trung khấn vái, xin tạ tội. Để 2 ly nước lại điện thờ, ly còn lại mẹ đem về nhà bảo tôi uống. Bệnh tôi khỏi ngay. Từ đó, gia đình tôi còn tin rằng các vị anh hùng nhà Tây Sơn rất linh thiêng. Những năm chiến tranh, Đền thờ Tây Sơn là nơi mà nhiều người làng đến tránh bom đạn, cầu mong anh linh các vị nhà Tây Sơn che chở. Không một tên lính nào dám chĩa súng bắn vào đền thờ, chỉ có vài viên đạn lạc nhưng cũng chỉ dính ở vách tường mà thôi”, ông Minh kể.
Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi
Theo anh Trần Trung Thông, cán bộ Bảo tàng Quang Trung, giếng nước cùng với cây me trong bảo tàng là hai di vật trong vườn nhà của ông Hồ Phi Phúc (cha của ba anh em nhà Tây Sơn) ngày xưa còn lại. Giếng nước ngày xưa được ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, không có thành giếng, sâu khoảng 8 m, đường kính gần 1 m. Sau này, để bảo vệ giếng nên Bảo tàng Quang Trung mới xây thêm thành giếng và hàng rào bảo vệ như ngày nay.
Sau khi ông Hồ Phi Phúc từ làng Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, H.Tây Sơn) quê vợ sang định cư tại làng Kiên Mỹ gần bến Trường Trầu để thuận lợi cho việc buôn bán, thì có trồng cây me và đào một giếng nước ở hai bên ngôi nhà. Sau khi nhà Tây Sơn mất, vua Gia Long triều Nguyễn lên cầm quyền đã thẳng tay đàn áp, tận diệt tất cả những gì liên quan đến dòng họ và vương triều Tây Sơn. Tuy nhiên, cây me và giếng nước trong vườn nhà ông Hồ Phi Phúc vẫn tồn tại.
Để thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với nhà Tây Sơn, năm Minh Mạng thứ 3 (1823), người dân làng Kiên Mỹ đã góp công, góp của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn nhưng lấy tên là đình Kiên Mỹ và gọi là thờ thành hoàng nhằm che mắt chính quyền. Năm 1958, người dân địa phương xây dựng lại ngôi đình ngay trên nền cũ, chính thức lấy tên là Đền thờ Tây Sơn. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Nghĩa Bình (nay tách thành Bình Định và Quảng Ngãi) đã xây dựng Bảo tàng Quang Trung bên cạnh khu di tích đền thờ.
Từ thời Tây Sơn đến nay đã hơn 200 năm trôi qua nhưng người dân làng Kiên Mỹ vẫn gìn giữ những di tích và tôn thờ nhà Tây Sơn trong đời sống tín ngưỡng của mình. Trên mảnh đất xưa, cây me, giếng nước vẫn chan chứa biết bao hoài niệm. Đến nay, người dân vẫn còn lưu truyền các câu ca dao: Cây me, giếng nước, sân đình/Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi; hay câu: Cây me cũ, bến Trầu xưa/Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.