Đã rất nhiều lần kể cho người dân và du khách nghe câu chuyện về Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Dành (sinh năm 1916, tại làng Tân Phú, tổng Phước Vĩnh Hạ, Q.Châu Thành, Biên Hòa, nay là xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nhưng lần nào cô hướng dẫn viên 25 tuổi tại quần thể tượng đài Mẹ VN anh hùng ở TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) Nguyễn Thị Bích Thu cũng rưng rưng nước mắt. “Thế hệ trẻ như bọn em khó có thể hình dung được chiến tranh khốc liệt đến thế nào. Sự hy sinh của những người mẹ, người vợ được nhắc đến nhiều, nhưng chỉ đến khi đứng trước hiện vật như đơn xin lãnh xác chồng của con dâu mẹ Dành, em mới thật sự thấm thía nỗi mất mát đó”, Thu xúc động.
Mẹ Dành tham gia cách mạng từ rất sớm. Mẹ và chồng có người con trai duy nhất Nguyễn Văn Công (bí danh Nguyễn Văn Nhẳm). Khi Pháp trở lại xâm lược nước ta, chồng mẹ tham gia phong trào thanh niên tiền phong ở địa phương, mẹ một mình ở nhà nuôi con, chạy giặc càn… Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, năm 1960 phong trào Đồng Khởi lên cao ở H.Vĩnh Cửu, để trang bị cho lực lượng vũ trang, mẹ đã mua một số quần áo. Trên đường về, mẹ Dành bị lính xét thấy và đưa về Q.Tân Uyên tra xét, sau đó chúng chuyển mẹ về giam ở tỉnh Phước Thành. Ngày 19.8.1961, bộ đội chủ lực khu miền Đông tiêu diệt tiểu khu Phước Thành, mẹ được giải thoát. Trong kháng chiến, nhà mẹ Dành trở thành cơ sở mật. Mẹ còn tham gia đào hầm bí mật cho cán bộ bám trụ. Ngày ngày mẹ đi chăn bò rồi lén mang cơm cho anh em.
Đêm mùng 2 Tết Mậu Thân, bộ đội và lực lượng vũ trang tấn công vào tỉnh lỵ Biên Hòa, chi khu Công Thanh và nhiều vị trí khác của địch. Ngày 2.2.1968 (mùng 4 tết), 10 xe tăng địch cùng đại liên xả đạn, pháo phản công vào nhà dân. Ngồi dưới hầm, thấy cháu nhỏ con cán bộ gửi nuôi khóc, mẹ Dành lên lấy nước sôi để pha sữa thì trúng đạn pháo gục ngay tại miệng hầm. Hai năm sau, ông Nhẳm (con trai mẹ, lúc này là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Cửu) cũng hy sinh khi đang trên đường công tác. Đó là một ngày cuối tháng 11.1970 khi ông vào Tân Triều chuẩn bị cho việc đánh đồn.
|
Nén thương đau, viết đơn “lãnh xác”
Trước khi hy sinh, ông Nhẳm đã lấy vợ là Huỳnh Thị Cục (Ba Cục) vào năm 1956. Trong kháng chiến, bà Ba Cục đi bán hàng rong. Nhiều lần bà đặt gánh gần hầm để cán bộ ở cơ sở bí mật ra lấy. Vì tiếp tế cho cán bộ cách mạng, bà nhiều lần bị bắt, tra xét. Theo lời kể của bà, ông Nhẳm bị một đồng đội ra hàng địch dẫn lính đến bắt. Chúng bao vây cả khu vực suốt một ngày mà không có kết quả, ông Nhẳm ở trong nhà cơ sở dặn nếu có lính đến thì mở radio lên làm hiệu, thế nhưng khi quân địch đến lục soát, người phụ nữ ở nhà vì quá sợ đã chui xuống hầm. Biết khó thoát, ông rút súng bắn bị thương một tên lính. Phía địch bố ráp mạnh, điên cuồng xả súng, ông hy sinh tại chỗ...
“Sau khi ông ngã xuống, lính Mỹ dã man xẻo lấy tai ông mang về báo công, lĩnh thưởng. Chúng cột xác ông vào ô tô rồi kéo lê trên đường khiến thi hài, thịt da ông tả tơi. Bà Ba Cục chết điếng khi hay tin. Và lá đơn xin lãnh xác chồng ra đời từ đó”, Bích Thu nghẹn giọng kể.
Lá đơn được bà Cục viết (trong đơn ghi bà Huỳnh Thị Cụt) trên giấy có nhiều ô ngang dọc nhỏ, đều nhau, bên ngoài được bọc một lớp ni lông. Trên cùng góc trái của đơn ghi địa điểm thảo đơn. Bên dưới ghi “Kính gửi thiếu tá Quận trưởng Công Thanh, tỉnh Biên Hòa” cùng nội dung: “Nay tôi làm đơn này xin quý ông cho tôi lãnh xác chồng tôi tên Nguyễn Văn Công...”. Bên trái lá đơn là vi chứng, chứng nhận cho phép đem xác từ xã Tân Triều đến xã Tân Phú an táng, cuối cùng là chữ ký và đóng dấu của xã trưởng Lê Văn Cùi.
Lá đơn được bà Cục gìn giữ cẩn thận tại nhà suốt 54 năm, cho đến tháng 5.2014 bà quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Đồng Nai.
Bảo tàng trong lòng mẹ
Ông Mai Hồng Lâm, Phó giám đốc Ban Quản lý quần thể tượng đài Mẹ VN anh hùng, cho biết hiện Quảng Nam đã tiếp nhận gần 220 hiện vật cùng nhiều ảnh tư liệu liên quan đến mẹ VN anh hùng từ 24 tỉnh, thành. Số hiện vật này đang được trưng bày tại bảo tàng trong lòng tượng đài Mẹ VN anh hùng trên diện tích 1.800 m2. Đây là nơi ghi danh hơn 100.000 bà mẹ VN anh hùng cả nước và lưu giữ thông tin của tất cả các mẹ, lưu giữ các bài thơ, bài hát, những câu chuyện hay về mẹ. Lá đơn xin lãnh xác chồng là một trong những hiện vật được tỉnh Đồng Nai hiến tặng Quảng Nam.
|
Bình luận (0)