Làm album không để bán

17/05/2011 23:22 GMT+7

Khi nạn đĩa lậu vẫn tràn lan, thêm sự truyền tải nhanh đến chóng mặt của thế giới mạng, việc làm album đối với ca sĩ từ lâu đã không còn vì doanh thu.

Một  nữ ca sĩ từng phát biểu: “Thu một CD là bao nhiêu công sức, làm đĩa đến phát ốm lên nhưng cái thu về thì gần như chẳng được gì. Mình đầu tư công sức nhiều ngày tháng để làm ra một sản phẩm âm nhạc, thì chỉ ngay sau ngày ra mắt nó đã bị ăn cắp không thương tiếc... Sự không công bằng đó làm mất đi hưng phấn làm việc”.

Đã lâu không làm CD nào

Mỹ Linh kể từ sau Để tình yêu hát (2006), Nguyên Thảo từ Suối cỏ (2006), Siu Black từ Mặt trời trong Siu (2007), Hồng Nhung từ Có đâu bao giờ (album chung với Quang Dũng), Thanh Lam từ Nơi bình yên, Mỹ Lệ từ Nhan sắc (2009)... và nhiều ca sĩ khác lâu lắm rồi chưa giới thiệu thêm album nào.

 
Sau 5 năm, Mỹ Linh sắp sửa ra album mới - Acoustic “hiện đại”

Trong số ấy, nhiều ca sĩ cho rằng lý do không còn mặn mà với việc thực hiện album chính vì nạn đĩa lậu “nói hoài còn mãi”. Một vấn đề “đau đầu” khác của ca sĩ là quá khó để làm một album với những ca khúc mới, được viết riêng cho ý tưởng của mình mà đạt cả về yếu tố nghệ thuật lẫn dấu ấn cá nhân. Ca sĩ Mỹ Lệ chia sẻ: “Mình chỉ ra album khi thật sự có ý tưởng tốt, ca khúc hay và nhất là phải tạo cho mình cảm xúc nữa; nói cách khác, mình ra album là vì chính mình, vì khán giả trung thành với mình nhiều hơn”. 

Chuyện đĩa lậu, bản quyền cũng là lý do, nhưng có khi chỉ là cái cớ thôi, vì ca sĩ khi đạt đến ngưỡng nào đó, khi khó có thể vượt qua cái bóng của mình thì đúng là khó làm tiếp đĩa mới

Ca sĩ  Đức Tuấn

Đồng quan điểm này, ca sĩ Tùng Dương cho rằng “không sợ ra đĩa không ai mua, mà nguy hiểm nhất là ra đĩa mà không có gì mới mẻ. Đã không có gì mới thì khán giả rất dễ quay lưng với mình”. Vậy nên, anh cũng không mấy áp lực về vấn đề thời gian (bằng chứng là anh đã ra album rất... thưa: Những ô màu khối lập phương - năm 2004, Chạy trốn -năm 2007, Li ti - năm 2010).

Kiếm tiền từ... hậu album

Vì yếu tố lợi nhuận khá... mờ mịt, thậm chí chỉ cần lấy lại vốn, trước tình hình bản quyền bị xâm phạm như hiện nay, các ca sĩ nhắm vào việc đầu tư album để thu “lợi” ở những mặt khác. Những “cái lợi” này sau đó sẽ giúp họ kiếm tiền.

Phương Thanh chia sẻ: “Làm đĩa không chỉ để khán giả không quên mình, mà quan trọng là có bài mới để… kiếm show”. Như chị, dù có “phăng” một chút với bolero, với nhạc nhẹ “để quậy cho vui”, nhưng rồi cũng sẽ trở lại với rock, với cái chất của mình. Tuy nhiên, dù “phăng cho vui” nhưng phải có “cái tôi” riêng mình, bởi “nghe tưởng dễ, nhưng muốn làm thì phải có cái gì đó độc đáo, để còn khoe ý tưởng, thể hiện cái tôi giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ”. Ca sĩ Đức Tuấn cũng thừa nhận, việc ra album là cần thiết đối với ca sĩ, vì khi đầu tư CD thì mới có vốn bài hát, có nhiều màu sắc khác nhau để biểu diễn, tạo ra sự đa dạng cho mình và cho các chương trình ca nhạc.


Phương Thanh làm đĩa bolero là một cách tự làm mới mình - Ảnh: N.V 

Không chỉ vậy, khi ra đĩa, đó là dịp để ca sĩ “Chia sẻ cảm xúc, cảm nhận của mình về dòng nhạc nào đó với khán giả”, và nhất là để người hâm mộ biết “mình đang làm gì, theo đuổi gì”, Lê Hiếu cho biết. Vì thế, dù có bị cho là chậm, là lâu nhưng vì “trân trọng sự chờ đời, đón nhận của fan nên Hiếu cũng như ê-kíp của mình chăm chút rất kỹ, từ hình thức đến nội dung”. Một khi sản phẩm mình thực sự hiệu quả, ca khúc thật sự “ăn” thì nếu khán giả dù chưa nồng nhiệt với đĩa gốc, “Mình cũng thu về được ít nhiều từ việc bán nhạc chuông, nhạc chờ”, Phương Thanh nói.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.