Lời giảng này hiển nhiên mặc nhận rằng bối là một yếu tố láy (còn nghĩa của rối thì đã rõ). Thực ra đây là một yếu tố Hán Việt, mà chữ Hán là [哱]. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) cho biết đây là một chữ thuộc vận mục đội [隊] và thanh mẫu bang [幫] và cho thiết âm của nó là “bổ môi/muội thiết” [補妹切]. B[ổ] + [m]ội = bối (Bổ dấu hỏi thì bối phải theo dấu sắc chứ không phải dấu nặng). Quyển từ điển này cho nghĩa của nó là “loạn dã”, nghĩa là “rối vậy”. Đây chính là hình vị bối trong bối rối, chứ không phải là một âm tiết láy. Chúng tôi đã có lần nói bối có nghĩa là “búi”, là “nùi” và bối rối là “cái búi, cái nùi bị rối” (!). Nay xin cải chính.
7. Cáp trong cứng cáp - Cứng cáp cũng được TĐTLTV thu thập vì mặc nhận rằng cáp chỉ là một yếu tố láy, nghĩa là một âm tiết vô nghĩa. Cáp là một yếu tố có nghĩa đấy. Đây là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [砝]. Chữ này có hai âm: kiếp và cáp. Với âm kiếp, nó có nghĩa là “cứng, rắn” còn với âm cáp thì nó chỉ tiếng đá (vang, kêu). Tiếng Việt đã dùng âm cáp để chỉ nghĩa “cứng, rắn”. Chú ý: Chữ [砝] còn có một âm nữa là pháp.
8. Chạ trong chung chạ - Đây không phải là chữ chạ trong làng trên chạ dưới. Với chữ chạ này thì chung chạ (nếu có người dùng) chỉ có nghĩa là “cùng làng cùng xóm, cùng quê hương với nhau”. Còn chung chạ ở đây thực chất là một tổ hợp có tính chất xấu nghĩa (pejorative), dùng để chê bai sự ăn chung ở lộn. Ở đây, chạ bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ tạ [藉] trong lang tạ [狼藉]. Lang tạ có nghĩa là “(ăn ở, sinh hoạt) bừa bãi”, thường được dịch sang tiếng Anh là “in complete disorder”. Về tương quan T ↔ CH, ta còn có: - chạc, thừng bện bằng lạt tre, nứa ↔ tạc [笮], thừng bện bằng tre; - chép trong chép miệng ↔ táp [咂], đớp; chỉ dáng miệng cử động...
9. Chang trong chói chang - Đây cũng chính là chữ chang trong nắng chang chang. Vậy nó không phải là một yếu tố láy (vì hiện diện trong hai cấu trúc khác nhau với cùng một nội dung ngữ nghĩa). Chang chang chỉ “(ánh nắng) gay gắt tỏa đều ra chung quanh”.
10. Chỉ trong chăm chỉ - Chỉ là điệp thức của hình vị Hán Việt chí [覟], có nghĩa là “nhìn kỹ”.
11. Chút trong chăm chút - Chút là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [𧠫,眰] mà âm Hán Việt là chất, có nghĩa là “nhìn”. Chút là âm xưa của chất, cũng như bụt là âm xưa của phật. Chữ [筆] mà đọc bút là đọc theo một âm rất xưa còn tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay vì âm Hán Việt hiện đại của nó phải là bất. Lụt trong lụt lội là âm rất xưa của chữ lật [塛], có nghĩa là “tắc, nghẽn” (vì tắc, nghẽn làm cho nước không thoát được nên mới sinh ra lụt).
12. Cọ trong cãi cọ - Cãi thì khỏi nói. Còn cọ ở đây cũng chính là cọ trong cọ xát mà nguyên từ (etymon) là cự [拒], có nghĩa gốc là “chống lại”, rồi một vài nghĩa phái sinh “nhẹ” hơn như “từ chối”, “phản đối”... Về quan hệ Ư ↔ O giữa cự và cọ, tuy ít nhưng ta vẫn có: - hư [噓, 歔] là “thổi; thở hắt ra” ↔ ho trong ho hen (khái [咳] chỉ có nghĩa là “ho” chứ không liên quan gì đến ho về từ nguyên); - lự trong tư lự ↔ lo trong lo lắng; -ngữ là nói ↔ ngỏ trong ngỏ lời.
13. Cỏi trong kém cỏi - Cỏi là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [寡], mà âm Hán Việt hiện hành là quả, có nghĩa là “ít ỏi, không đáng kể”. Về mối quan hệ giữa WA (trong quả, loa, tọa,...) với OI, ta còn có: - ngõa [瓦], là ngói ↔ ngói trong gạch ngói; - quá [過] ↔ khỏi trong khỏi bệnh; - thoa [梭] ↔ thoi trong con thoi; - thỏa [椭] vật có hình tròn (hình trụ) mà hơi dài ↔ thỏi trong thỏi sắt.
-------
(*) (Tiếp theo bài Nghĩa của một số “yếu tố láy” trên Thanh Niên chủ nhật số ra ngày 7.6.2020)
Bình luận (0)