Còn lờ đờ thì lại là điệp thức của lừ đừ, trong đó lừ là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [儢] mà âm Hán Việt hiện hành là lữ, có nghĩa là “nhu nhược, không cố gắng”. Lữ còn có một điệp thức là lử trong mệt lử, và cả lả trong mệt lả, biết rằng Ư và A có thể chuyển đổi với nhau, như chữ [呂], là họ của Lã Bất Vi, cũng có thể đọc thành lữ.
36. Man trong mê man: Tiếng Hán có từ tổ mê man [迷漫], có nghĩa là “[cát bụi, sương tuyết] lan tràn, bao phủ”. Trong tiếng Việt, do hiện tượng mà chúng tôi thường gọi là sự cố ngôn ngữ (accident linguistique) nên chữ man [漫] là “đầy, nhiều” đã bị thay thế bằng chữ man [悗], có nghĩa là “mê hoặc, lầm lẫn” nên mê man mới có nghĩa là “mê kéo dài”, như đã giảng trong Từ điển tiếng Việt 2008. Nhưng đằng nào thì man vẫn không phải là một âm tiết láy.
37. Màng trong mùa màng: Màng là âm xưa của chữ mang [忙], có nghĩa là “bận rộn” trong mang nguyệt [忙月], “tháng bận rộn của nhà nông”.
38. Mẹo trong mộng mẹo: Mẹo là âm xưa của chữ [卯], mà âm Hán Việt hiện hành là mão. Hán điển giảng là “mộc khí thượng an tuẩn đầu đích khổng nhãn”, nghĩa là “lỗ để đút mộng vào trong đồ gỗ”. Vậy mộng là... “mộng” còn mẹo là cái “lỗ mộng”. Cho đến giữa thế kỷ 17, từ mẹo vẫn còn “sống” nên đã được Alexandre de Rhodes ghi nhận thành một mục trong Từ điển Việt Bồ La (1651) mà nhóm Thanh Lãng đã dịch là “nhét vào, tra vào, mộng mẹo”. Chữ [卯] này thường dùng để ghi tên của chi thứ tư trong thập nhi chi, mà tiếng Việt miền Bắc, rồi tiếng Việt toàn dân hiện nay, đọc là mão nhưng trong Nam trước đây chỉ đọc là mẹo. Ngay cả hiện nay, rất nhiều người “bình dân” trong Nam cũng thường nói tuổi Mẹo chứ không nói “tuổi Mão”.
39. Miều trong mỹ miều: Từ điển từ láy tiếng Việt ghi mĩ miều. Miều là âm rất xưa của chữ diệu [妙] trong mỹ diệu
[美妙]. Đây là một chữ thuộc vận mục tiếu [笑], thanh mẫu minh [明] nên đúng theo phiên thiết thì nó phải đọc là miệu. Còn miều là một âm xưa hơn nữa, có thể ngược lên tới đời Hán. Trái ngược với miều, diệu là một âm “trẻ” hơn rất nhiều, “xuất thân” (xth) từ miệu [妙], cũng như: danh [名] xuất thân từ manh; dân [民] xuất thân từ mân; dánh/dính [茗] xuất thân từ mính (chữ “mín” trong Nông cổ mín đàm chính là chữ mính [茗] này); di [彌] xuất thân từ mi (A-di-dà, xuất thân từ A-mi-đà, dùng để phiên âm tiếng Sanskrit Amitā [bha]); diện [面] xuất thân từ miện;...
40. Mon trong mon men: Men hiển nhiên là một từ độc lập nhưng mon cũng chẳng phải là một âm tiết láy. Đây là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [捫], mà âm Hán Việt hiện hành là môn, có nghĩa là “sờ mó; mò mẫm”. Từ ÔN sang ON, ta còn có: bôn [奔] trong bôn ba « bon trong bon chen; đôn [惇] trong đôn hậu « đon trong đon đả; môn [門], loại, ngành « món trong món ngon vật lạ. Mon « môn còn có một điệp thức nữa là mơn trong mơn man, mơn trớn. An Chi
(*) Tiếp theo bài Nghĩa của một số “yếu tố láy” trên Thanh Niên chủ nhật số ra ngày 5.7.2020.
Bình luận (0)