Tai nạn kinh hoàng hôm 8.7 vẫn còn làm xôn xao dư luận Q. Đồ Sơn và TP Hải Phòng. Anh Lưu Đình Thắng, ở P. Ngọc Hải, Q. Đồ Sơn, người đi cùng nạn nhân Bùi Văn Đông bị trâu húc xuyên đùi, nhớ lại: “Tôi và anh Đông đang định đi vào sân thì trâu 24 lao tới, anh Đông bị dồn vào góc tường, không còn chỗ chạy, bị sừng trâu đâm xuyên qua đùi. Sau khi húc anh Đông, trâu 24 lao ra húc một người khác. Tôi thấy có 5 người bị thương, trong đó có 2 người bị nặng là anh Đông và một người nữa”.
|
Trong Bệnh viện Việt Tiệp, chị Nguyễn Thị Nhi, vợ anh Đông dùng khăn lau những vết xước ngang dọc trên bàn chân, lưng, cổ của chồng, rơm rớm nước mắt: “Nghe thấy tiếng nhốn nháo, tôi chạy ra thì thấy anh đã bê bết máu. Bác sĩ bảo sức khỏe của anh ấy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài”. Theo anh Thắng, chị Nhi, khu vực anh Đông bị nạn không phải là khu vực cấm, lúc vào sân, anh chị cũng đã mua vé đúng quy định.
Được biết, sự việc xảy ra khi ban tổ chức cho hai trâu 23 và 24 vào sới thi đấu, trong đó, trâu 23 vào cửa Bắc, trâu 24 vào cửa Nam. Trên đường vào, trâu 24 đã dứt thừng và gây ra sự cố nói trên. Một lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn cho rằng trách nhiệm thuộc chủ trâu số 24, ông Đinh Đình Xuân. “Chủ trâu đã để trâu dứt đứt dây buộc. Khi trâu sổng cũng không bắt được trâu ngay lập tức”, lãnh đạo này nói. Còn ông Hoàng Trung Hiếu - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, trưởng ban tổ chức lễ hội chọi trâu 2011 cho biết: “Ban tổ chức, chủ trâu và công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm lo cho các nạn nhân bị trâu húc. Chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách trong những lần tổ chức sau”.
Có thể thấy sự mất an toàn ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được báo trước. Trong nhiều mùa hội, hàng rào sắt quây quanh sân đấu đã lần lượt bị trâu húc đổ và chạy vào khu vực dành cho ban tổ chức và khán giả nhưng không được nâng cấp hợp lý. Mùa hội năm 2006, nhiều cặp trâu chọi đã phá tung hàng rào và gây nên cảnh náo loạn ở khu vực cửa Bắc, một khán giả là ông Vũ Đức Tùy ở P. Ngọc Hải, Q. Đồ Sơn năm ấy bị trâu dẫm trọng thương.
Đáng nói là dù đã được tổ chức hơn 20 năm nhưng sân vận động Đồ Sơn vẫn chưa được thiết kế phù hợp với một lễ hội đặc biệt, tiềm ẩn nguy hiểm. Ngoài vấn đề hàng rào như nói trên, chuồng nhốt trâu chuẩn bị thi đấu luôn chỉ là những lều bạt sơ sài. Đặc biệt, số khán giả được vào trong sân luôn nhiều hơn số chỗ ngồi và năm nào cũng vậy, chỉ sau tiếng loa khai mạc, hàng nghìn người trên khán đài lại ùa vào sát hàng rào trong sự bất lực của bảo vệ.
Quy định và điều lệ thi đấu cũng có những bất cập khiến cho lễ hội mất an toàn. Chẳng hạn, với hiệu lệnh “bắt trâu” trên loa mỗi khi có thắng thua, hàng chục quản trâu lại hò nhau đuổi bắt khiến trâu hoảng loạn và lao tứ tung, thậm chí húc cả chủ trâu cũng như lực lượng bảo vệ. Ở mùa hội 2007, một trọng tài đã bị trâu húc trọng thương. Tại vòng đấu loại diễn ra sáng 8.7, trâu chọi cũng húc tung rào chắn khiến cả ban tổ chức, bộ phận nghi thức… hoảng hồn.
“Tôi đã từng kiến nghị các anh trong ban tổ chức là nên làm rào quây hình tròn hoặc hình bầu dục để trâu chạy vòng quanh, có cửa thoát ra một hồ nước, trâu chạy ra sẽ lao xuống hồ”, ông Đinh Đình Phú ở P. Ngọc Xuyên, Q. Đồ Sơn, một trong những người có công khôi phục lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cho hay. Đây là kinh nghiệm của xã Hải Lựu, H. Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi từ năm 2002 cũng mở hội chọi trâu. Chỉ là lễ hội cấp xã, nhưng Hải Lựu đã có một sân vận động tương đối khang trang và những quy định khá khoa học trong việc tổ chức thi đấu đáng để tham khảo.
Káp Thành Long - Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)