Với sự hình thành và phát triển hơn một thế kỷ qua, nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2016. Cũng từ năm này, tỉnh Tây Ninh tổ chức Festival Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng để nhiều thực khách gần xa có cơ hội được tiếp cận và hiểu hơn về quy trình sản xuất thủ công, cũng như làng nghề có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, lễ hội không đạt được thành công như kỳ vọng.
Nghệ nhân tráng bánh Phạm Thị Đương (57 tuổi, ngụ KP.Lộc Du, TT.Trảng Bàng, Tây Ninh) cho biết gia đình bà đã 4 đời theo nghề nhưng hiện tại thu nhập từ nghề không cao. Công đoạn tráng bánh công phu, thủ công hoàn toàn nên khá mất thời gian nhưng tiền thu về từ việc bán bánh mỗi ngày chỉ hơn một trăm ngàn đồng. Vì quá khó khăn nên các con bà phải đi làm công nhân kiếm thêm, không thể làm nghề truyền thống của gia đình. Khi thời tiết xấu, không phơi được bánh, sản xuất quy mô nhỏ không có máy móc hỗ trợ, gia đình bà Đương phải tạm dừng tráng bánh, không có thu nhập. Mặc dù mặt hàng bánh tráng phơi sương khá "hút" và được nhiều thực khách ưa chuộng, bánh bà làm ra đôi khi không đủ bán. Từ đó có thể thấy tuy làm ra được loại đặc sản ngon, đặc sắc nhưng người thợ không có thu nhập ổn định, vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
|
|
Trong buổi tọa đàm bàn về vấn đề phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh mới đây, lãnh đạo tỉnh cũng như nhiều doanh nghiệp địa phương mong muốn đưa nghề làm bánh tráng phơi sương đến gần hơn với du khách bằng cách thành lập làng nghề tráng bánh thủ công truyền thống tập trung và đưa nghề tráng bánh vào kết hợp với du lịch sản phẩm.
Bà Lâm Kiều Trinh, chủ nhà hàng Bánh canh Trảng Bàng Hoàng Minh 3 (Gia Lộc, Trảng Bàng, Tây Ninh), cho biết: “Là người làm dịch vụ đưa món ăn đến với người tiêu thụ là thực khách, tôi cũng có mong muốn đưa được làng nghề tráng bánh phơi sương vào du lịch để người thưởng thức có thể hiểu hơn về quy trình cũng như những vất vả của người làm ra những chiếc bánh phơi sương đặc sắc. Tuy nhiên, doanh nghiệp chúng tôi cũng rất cần sự ủng hộ, quan tâm của các ban ngành, đoàn thể để có động lực thực hiện giấc mơ này”.
|
|
“Thứ nhất, nghề tráng bánh phơi sương thủ công tại địa phương chủ yếu là cha truyền con nối, quy mô nhỏ lẻ. Nghệ nhân, thợ theo nghề hiện tại tuy vẫn còn nhiều nhưng lại không tập trung một chỗ mà phân bố rải rác khắp nơi trên địa bàn. Cơ sở sản xuất đồng thời cũng là nhà dân nên rất khó để dời các điểm sản xuất vào tập trung cùng một chỗ. Thứ hai vì đây là nghề cha truyền con nối nên mỗi hộ cũng có những bí quyết, kinh nghiệm riêng, người làm bánh cũng ngại việc chia sẻ. Kinh phí cũng như việc thuyết phục được bà con đồng ý thành lập làng nghề thủ công tập trung tiêu biểu đưa vào du lịch là khá khó khăn. Trước đây, địa phương cũng từng đưa ra mô hình hợp tác xã nhưng không thành công. Hiện tại, chúng ta cần những doanh nghiệp tiên phong góp sức. Ngoài ra, để du lịch sản phẩm kết hợp trải nghiệm chúng ta cũng phải xây được nhiều điểm dừng chất lượng, homestay cho du khách ở lại”, ông Nguyễn Hoàng Nam nói.
Cùng với nghề tráng bánh phơi sương, làng trồng rau sông ăn kèm với bánh tráng Trảng Bàng cũng đã đi vào hoạt động được nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có nhiều du khách biết tới để tham quan. Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Tây Ninh kỳ vọng dự án sẽ có thể phối hợp với doanh nghiệp và các ban ngành đoàn thể giải quyết được những khó khăn nói trên để du khách có cơ hội được trải nghiệm sản phẩm và làng nghề một cách chân thực, hiệu quả hơn.
|
|
Bình luận (0)