Mặc quần cho... tượng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/03/2018 07:16 GMT+7

Những bức tượng ở Hòn Dấu (Hải Phòng) cho thấy thẩm mỹ yếu kém của cả chủ đầu tư và người làm tượng.

“Xấu... một cách hợp pháp”
Đầu là hình 12 con giáp, mình là người khỏa thân, 12 bức tượng ở Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu (Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) gồm 6 tượng mang giới tính nam, 6 tượng mang giới tính nữ. Tượng nam rõ bộ phận sinh dục, tượng nữ rõ ngực, mỗi bức cao khoảng 1,7 m. Cụm tượng này đang đặt tại khu Đà Lạt thu nhỏ trong khuôn viên khu du lịch.
Đến hôm qua, 12 bức tượng đã được mặc váy và quần che phần thân dưới. Điều này khiến cụm tượng trở nên lem nhem, lộn xộn và xấu hơn trước.
“Tôi không nghĩ các tượng này tệ vì hở. Hở chỉ là một khía cạnh rất nhỏ của một bức tượng, và nó không quyết định chất lượng tượng. Tượng David hở có ai thấy xấu đâu. Chúng ta có rất nhiều tác phẩm điêu khắc mang ý nghĩa phồn thực. Tượng phồn thực của các dân tộc ít người ở ta cũng có. Nhưng chúng được tạc rất có duyên và được bố trí ở những nơi hợp lý”, nhà nghiên cứu Phạm Long, người đã dịch cuốn Điêu khắc hiện đại, nói.
Theo ông Long, nói nhóm tượng này phản cảm vì không quần không áo là không đúng. “Tội” của chúng, nếu có, đơn giản chỉ là xấu. “Nhóm tượng 12 con giáp này gây phản cảm vì quá xấu, quá thô thiển và kém thẩm mỹ”, ông Long nói.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, cũng cho rằng: “Nó quá xấu. Ý tưởng cũng như mỹ cảm rất tùy tiện, chả theo một logic nào cả. Họ cũng đang khắc phục bằng cách che đi. Nhưng mặc áo mặc quần thì cũng chả giải quyết vấn đề gì, thậm chí còn gây thêm sự tò mò”.
Mặc dù vậy, ông Thành cũng cho biết không có vi phạm gì khi tượng xấu như thế này. Nghĩa là những bức tượng trên đã xấu… một cách hợp pháp. “Việc cấp phép cho các tượng nhỏ có thể di dời thế này thì luật chưa đưa vào làm đối tượng quy định. Vì thế cũng không thể nói nó vi phạm pháp luật được. Nên phải trông vào ý thức của cơ quan quản lý và tầm văn hóa của người chủ”, ông Thành nói.
Nguy cơ thải “rác văn hóa”
Một nhà nghiên cứu mỹ thuật khác cho biết ông không ngạc nhiên về sự xấu xí của các bức tượng này. Theo ông, đó là hệ quả của việc phần lớn nghệ nhân hiện nay chỉ đục đẽo như thợ. Họ sao chép, thiếu sáng tạo. Chủ đầu tư cũng thường phó mặc cho nghệ nhân muốn làm gì thì làm. Vì vậy các công trình như công viên, khu vui chơi đều có tượng kiểu tự do, tự nhiên chủ nghĩa như thế.
“Tuy xấu nhưng nơi bày đặt lại có tác động rất lớn đến cộng đồng vì đều là nơi công cộng. Từ trước tới nay vấn đề này bị buông lỏng. Nó gây nguy hiểm là hiện nay nhiều nơi công cộng ở VN tràn lan những loại tượng kém thẩm mỹ như ở Hòn Dấu. Tại Ao Vua, hồ Núi Cốc và một số khu nghỉ dưỡng khác đều có cả”, nhà nghiên cứu này cho biết.
Theo dịch giả Phạm Long thì: “Ở nước ngoài, nếu muốn bày tượng ở những nơi công cộng, đông người qua lại phải có người (hay hội đồng) có chuyên môn và trách nhiệm xã hội duyệt. Lý do của họ là nếu không đảm bảo chất lượng thẩm mỹ thì khác nào thải “rác văn hóa” ra nơi công cộng, mà người chịu thiệt là người dân - khi ngắm nhìn các tác phẩm xấu, phản cảm sẽ bị ảnh hưởng tâm sinh lý bất lợi”.
Theo ông Nguyễn Thế Sơn (ĐH Mỹ thuật Hà Nội), nhà quản lý ở địa phương có thể chủ động để xây dựng các dự án điêu khắc công cộng cho thật đẹp. Họ có thể kết nối để doanh nghiệp và nghệ sĩ gặp nhau qua các dự án như vậy. Giá thành cho một dự án như thế không phải quá cao nếu biết huy động các nghệ sĩ của các hội văn học nghệ thuật địa phương. “Khi chúng tôi làm dự án phố bích họa ở Phùng Hưng, anh em nghệ sĩ hoàn toàn làm tặng, không lấy một đồng nào”, ông Sơn nói. Tất nhiên, điều đó không thể lặp đi lặp lại mãi. Song nếu biết cách làm, chi phí không phải vấn đề lớn.
Ông Sơn cũng cho biết sắp tới sẽ kết nối các nghệ sĩ điêu khắc để làm dự án cho 13 vườn hoa nhỏ ở phố cổ Hà Nội. Các vườn hoa này hiện đều đang bỏ không, không có mỹ thuật, như vườn hoa phố Thợ Nhuộm, phố Quang Trung. “Đó là những nơi người Pháp thiết kế là không gian kết nối cộng đồng nhưng hiện giờ đang bị bỏ phí”, ông Sơn bật mí.
“Xem ý kiến các bên thế nào mới tính tiếp”
Trả lời Thanh Niên, tác giả các bức tượng là ông Trần Minh Tuấn (ngụ thôn Khúc Giản, xã An Tiến, H.An Lão, Hải Phòng) cho biết việc thực hiện các bức tượng bắt đầu từ năm 2007, sau vài năm mới hoàn thành. Tượng được tạc bằng đá vôi, do chính ông Tuấn sáng tác, thực hiện và tặng cho Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu.
Chia sẻ về ý tưởng, ông Tuấn nói: “Ban đầu tôi định làm một vườn tượng cổ tích mang câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ nhưng khả năng và không gian không cho phép nên tôi hướng tới hình tượng 12 con giáp, với ý nghĩa tâm linh”. Về việc tượng có bộ sinh dục, ông Tuấn cho là việc không mới vì “nhiều bức tượng nổi tiếng thế giới cũng khỏa thân, tôi thể hiện một cách rõ ràng như vậy để thể hiện sự hoàn mỹ của tác phẩm chứ không có ý tính dung tục và nếu bỏ đi thì mới là phi nghệ thuật”.
Ông Hoàng Văn Thiềng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP quốc tế Hòn Dấu, cho biết đơn vị này trước mắt đã mặc quần áo cho tượng “rồi xem ý kiến các bên thế nào mới tính tiếp”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, cho biết: “Thanh tra Sở đã đi kiểm tra việc này, đơn vị chủ quản trước mắt đã che bộ phận nhạy cảm của tượng. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra xuất xứ, ý tưởng của cụm tượng để có đánh giá chung, chứ không thể nói ngay là phản cảm hay không phản cảm được”.
Trước đây, cũng tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, một số tượng linh trưởng với bộ phận sinh dục được tô rõ nét đã gây phản ứng và được đơn vị này cho đắp lại thành các tảng đá.
Lê Tân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.