#Metoo trong showbiz Việt: Chưa có chế tài hữu hiệu cho hành vi quấy rối tình dục

11/05/2018 07:54 GMT+7

Liên quan đến chuyện quấy rối tình dục thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn luật sư tỉnh Long An) về góc độ pháp lý của vấn đề này.

* Thưa luật sư, như thế nào được gọi là hành vi quấy rối tình dục, gạ tình?
- Hiện nay chưa có định nghĩa nào về hành vi quấy rối tình dục (QRTD) được chấp nhận rộng rãi. Theo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động Thương binh Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động soạn thảo, công bố vào năm 2015 thì "QRTD là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu…". Tuy nhiên, khái niệm này chỉ là tham khảo, không có tính bắt buộc.
Về mặt pháp luật, cho đến nay chỉ có Bộ luật Lao động là văn bản pháp lý cao nhất quy định hành vi QRTD nơi làm việc là hành vi bị cấm và là lý do để người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Khoản 2, điều 8 Bộ luật Lao động) mà không định nghĩa thế nào là hành vi được xem là QRTD.
Như vậy, mặc dù hiện nay thực trạng QRTD xảy ra rất nghiêm trọng nhưng chưa có định nghĩa mang tính pháp lý, khiến cho việc nhận diện, xử lý rất khó khăn.
Nếu người bị hại vì hành vi QRTD mà dẫn đến trầm uất, xấu hổ, bỏ việc làm hay phải điều trị tâm lý thì chỉ có cách khởi kiện yêu cầu người có hành vi QRTD đòi bồi thường thiệt hại cho bị hại về các chi phí điều trị, thu nhập bị mất và tổn hại tình thần không quá 10 tháng lương theo qui định tại điều 592 Bộ luật Dân sự.
* Trong cuộc sống, làm sao phân định được ranh giới giữa việc chọc ghẹo, đùa giỡn với những biểu hiện QRTD? Nếu chỉ là lời nói, tin nhắn thì có được cho là quấy rối không thưa ông?
- Để phân định một hành vi nào là đùa giỡn, hành vi nào là QRTD là không dễ dàng. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào mối quan hệ, tần suất của hành vi và mức độ trên mức bình thường như nhắn tin gạ tình, gợi ý chuyện chăn gối hay thậm chí có hành vi sờ mó chỗ nhạy cảm… và không loại trừ QRTD đồng giới.
* Như vậy, QRTD có khởi kiện được hay không và mức xử phạt như thế nào?
- Hiện nay, pháp luật hình sự không coi hành vi QRTD với người trưởng thành là một tội phạm nên không có chế tài hữu hiệu để ngăn chặn hành vi này. Do vậy, nếu người bị hại vì hành vi QRTD mà dẫn đến trầm uất, xấu hổ, bỏ việc làm hay phải điều trị tâm lý thì chỉ có cách khởi kiện yêu cầu người có hành vi QRTD đòi bồi thường thiệt hại cho bị hại về các chi phí điều trị, thu nhập bị mất và tổn hại tinh thần không quá 10 tháng lương theo qui định tại điều 592 Bộ luật Dân sự. Người khởi kiện phải chứng minh có tồn tại hành vi QRTD bằng các tin nhắn rủ rê, mời chào tình dục, hình ảnh mà đối tượng gửi tới cho bị hại.
* Vậy theo ông, người bị hại nên làm gì để tự bảo vệ mình trước những hành vi QRTD?
- Lời khuyên cho các nạn nhân bị QRTD là hãy tránh xa các đối tượng này, không nên trả lời tin nhắn qua lại, giữ khoảng cách trong giao tiếp và không nên tỏ ra quá dễ dãi với các đối tượng này. Nếu có quan hệ lao động cùng cơ quan thì nên phản ánh việc này lên ban giám đốc để xử lý theo đúng quy định của luật Lao động nhằm mục đích phòng ngừa.
* Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.