Mộc bản 'Chiếu dời đô' được thực hiện vào thời Lê hay thời Nguyễn?

01/09/2010 23:08 GMT+7

Hiện tại, các nhà sử học và nghiên cứu Hán Nôm vẫn đang chia thành 2 luồng ý kiến, cho rằng: tấm mộc bản Chiếu dời đô được thực hiện vào thời Lê (1697, cũng đồng thời là bản khắc được sử dụng để in các bản Chiếu dời đô bằng giấy trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư); ý kiến khác cho rằng bản khắc này có từ thời Nguyễn (giai đoạn 1802-1807).

Bà Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, là người trực tiếp tìm ra mộc bản Chiếu dời đô, cho biết các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa xác định được chất gỗ tạo nên bản khắc có khổ khuôn in 20x 29,5 cm, kích thước 41x 21,2 cm, dày 3 cm, gồm 214 chữ (không kể phần chú thích). Thông thường, các mộc bản triều Nguyễn được tạo thành từ gỗ thị, lê, táo và nha đồng. Mộc bản Chiếu dời đô có thớ gỗ trắng sáng như ngà voi.

Theo bà Huệ, trong số 34.618 mộc bản còn đang lưu trữ tại trung tâm, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện được mộc bản khắc bài thơ Nam Quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo... có niên đại lâu năm. Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 30.7.2009. Mộc bản là những tài liệu gốc độc bản. 

 Hiện tại, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng) và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đang khẩn trương biên tập, chỉnh sửa tư liệu để giới thiệu tới công chúng hai cuốn sách có giá trị lịch sử và nghiên cứu khoa học cao: Mộc bản triều Nguyễn - Chiếu dời đô và một số kiệt tác; Khoa bảng Thăng Long - Hà Nội qua mộc bản triều Nguyễn. Dự kiến, hai cuốn sách sẽ được công bố vào ngày 15.9, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Mộc bản Chiếu dời đô, tư liệu quý giá được tìm thấy ngày 24.5.2010 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, sẽ được Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước tặng thủ đô Hà Nội nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức riêng một buổi lễ dâng hương và giới thiệu mộc bản cổ nhất khắc Chiếu dời đô trước tượng đài Lý Công Uẩn, tại Hà Nội.

Thành Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.