Tới lúc An dắt được con bé lên lầu để chụp, sau đó xoay tua bằng cách kêu nó xuống xe ngồi chờ, thay cho thằng anh vào, thì đã hơn nửa tiếng đồng hồ. Hỏi giá bao nhiêu, tay thợ có vẻ kiêm luôn chủ tiệm xuề xòa bảo, yên tâm chút nữa xong tính luôn. Dặn chụp sao cho bọn nhóc trông trẻ con ấy, đừng có nhìn già như trái cà, ông thợ phân bua: khó lắm, con nít bây giờ nó khôn sớm, chẳng thấy nét ngây thơ nào đâu! An khó chịu nhớ tới mấy tấm hình thẻ đợt trước, con gái mình không khác gì gái bốn mươi trừng trừng mắt ngó.
Tạch tạch tạch vài cái không cần phim, rồi cũng xong. Công đoạn kế tiếp là chầu chực. Hết người này tới người kia được chỉnh sửa độ sáng làn da, cà mụn lẫn sẹo, tốn thời gian khiếp. Thời buổi gì mà ảo tung chảo, ai nấy đều muốn mình mặt hoa da phấn, đẹp theo một chuẩn mực “ba trăm sáu mươi” của điện thoại thông minh thì phải. An bắt đầu nóng ruột, đi qua đi lại, miệng lầm bầm “Gần trưa rồi mà vẫn chưa làm được cái gì hết ráo. Oải chè đậu ghê”. Đại khái thế.
Có người đến gom tiền rác, ông thợ thản nhiên kêu chút quay lại đi, đang bận lắm. Không thấy khách khứa tùm lum đấy sao, buông ra là quên trước quên sau liền. Chị thu tiền nổi cáu, buông vô số lời khó nghe trước khi bỏ đi. Rằng ông tưởng mấy chục ngàn của ông là lớn lắm đấy hả? Lần nào cũng kiếm cớ khất lần khất lượt. Làm như giữ lại được lâu thêm chút nào thì tiền nó đẻ ra không bằng. Thiên hạ ở không để quay lại thu tiền cho ông à? Làm cái nghề rác rến bẩn thỉu này đã cực muốn chết, gặp phải ai cũng chây lì như nhà này thì cạp đất mà ăn sao?
Câu so sánh nổi tiếng nhưng chả liên quan gì, được áp vào gọn bâng, khiến An dưng không thấy mình bớt thiện cảm với cái tiệm này. Vài chục ngàn chứ mấy, đâu đáng để hành người khác tới lui như vậy nhỉ? Lão chủ tiệm vẫn tỏ ra thản nhiên như không, chăm chú vào việc cà mụn và dưỡng trắng cho mấy tấm ảnh. Giờ thì vợ của chủ tiệm vừa đón con về tới, vẻ mặt ngoài nắng vô trông buồn buồn đến khó hiểu. Ăn mặc cũng ra dáng chân dài lắm chứ: quần cộc bằng jean ngắn cũn và áo thun ôm sát. Chị này luồn lách giữa mấy cái bàn ghế và hình mẫu uyên ương to nhỏ diễn sâu trưng đầy trước tiệm để đẩy xe vào tuốt bên trong. Nhìn cảnh ấy, An bỗng thầm nghĩ, đúng là tấc đất tấc vàng có khác. Thuê cái mặt tiền be bé như này thôi, mỗi sáng mở mắt ra đã thấy áp lực phải kiếm đủ doanh số thì mới trang trải nổi. Thời buổi cạnh tranh, người đông của khó, thật là…
Chị vợ vừa quay ra đã được chồng kêu làm thay cho ông ta nghỉ chút. Sáng giờ mỏi lưng muốn chết. Chỉ còn lại một người khách nữa, trước khi tới lượt An, thì có một chị đàn bà bước vào phá đám. Rằng chụp ảnh cưới, một bức lơn lớn cỡ này này, để treo ở phòng khách hay phòng ngủ cũng được thì tính thế nào? Không, ngoại cảnh gì nữa, đến tận nhà, chỗ chiều nay đãi tiệc để chụp luôn được không? Hấp hôn ấy mà… Chị ta có vẻ hơi ngại ngùng khi sử dụng cái từ ngữ có phần đẹp đẽ và sang chảnh ấy. Coi, vẻ ngoài sồ sề cộng với ăn mặc xuềnh xoàng, An không sao hình dung ra bộ dạng ấy trong chiếc váy đầm trắng muốt hoặc hồng hồng tuyết tuyết điểm thêm hột bẹt kim sa gì đấy, xúng xính bên lão chồng bụng phệ hoặc bủng beo lép kẹp cùng với bầy con lau nhau hai ba đứa. Một cái rạp dã chiến được dựng ngay trong hẻm, nhạc nô nức xập xình điếc tai cả xóm, mọi xe cộ đi ngang qua đều được coi như muỗi, liệu mà tránh đi lối khác cho nó lành, nhé. Mà thời buổi này, cũng còn có người bỏ tiền ra để làm mấy chuyện ruồi bu cám lợn, diễn tuồng hạnh phúc lung linh kiểu ấy nữa ư? An cười thầm trong bụng, chán đến độ chả buồn quan sát thêm “tân giai nhân” đang thẹn thùa cò kè trả giá bên cạnh nữa.
Giờ thì hai đứa con An cứ thi thoảng lại chạy ra chạy vào đánh đu ở cửa để hỏi mẹ sao lâu thế. An mắng con “quay ra xe, ở yên trong đó nghe chưa” rồi nhìn đồng hồ, giật mình nhận ra đã gần trưa. Thế là sắp hết nửa ngày cuối tuần, mà chỉ mới đưa con đi ăn sáng rồi ghé chụp hình thẻ, chứ đã dọn dẹp hay làm gì được đâu. Bao nhiêu thứ đều mong đến cuối tuần để thu xếp. Cuộc sống của một người quanh năm đối mặt với giờ hành chính, lúc nào cũng đăng đê công việc sao mà nhọc nhằn thế không biết nữa.
Những suy nghĩ mỏi mệt ấy biến thành lời cằn nhằn. Là bên anh chị làm việc không chuyên nghiệp gì hết. Như này làm sao khá lên, phát triển được? Chẳng có trước có sau, cứ khách vào là ngưng ngang để quay ra tiếp, hỏi sao không bề bộn. Lẽ ra từ đầu cứ báo giá, rồi ghi biên nhận, người ta đến lấy sau. Đâu nhất thiết phải mất nhiều thời gian với mấy tấm hình thẻ như này cơ chứ! À, mà tính giá bao nhiêu vậy?
- Có nhầm không đó? Mười ngàn đồng cho mỗi tấm hình thẻ bé tí á? - An nói to, tỏ ý muốn dợm bỏ đi. Thừa biết phần chuôi đang thuộc về mình nắm giữ.
Lập tức ông chủ tiệm… tính lại, còn một trăm ba mươi ngàn cho mười sáu tấm. Chịu chưa? Ở đây chúng tôi in giấy tốt, máy xịn, hình ảnh rõ nét. Chứ cái bọn bên ngoài làm ăn cẩu thả dối trá lắm… An cắt ngang những lời phân bua lẫn tự sướng ấy bằng câu thẳng thừng: Thôi thôi anh nói nhiều quá. Mấy cái đó là chuyên môn của anh chứ không phải của tôi. Hằng ngày đi làm tôi đã phải nghe người ta lên lớp suốt, ong cả óc rồi. Làm ơn bơn bớt cái miệng giùm đi.
Tỏ vẻ như đang cố chịu đựng, chủ tiệm thi thoảng vẫn tiếp tục càm ràm lẩm bẩm kiểu thanh minh giải thích. Tới đây thì có biến. Chị vợ khi làm thao tác cuối cùng, chuẩn bị lưu và in, thì ông chồng đứng ngay đấy thò tay vào, nhấn một phím gì đó. Thế là mất trắng. Một cách kiên nhẫn nhất có thể, chị vợ lẳng lặng làm lại từ đầu.
An lại cử rử than trưa trờ trưa trật rồi. Chán quá. Mất thời gian một cách quái gở thật. Thằng nhóc vừa lại xuống xe, thập thò ở cửa, liền bị mẹ quát: Lên xe ngồi đi!
Rồi thì chị vợ cũng lại đến công đoạn cuối cùng, lần nữa. Ngập ngừng như thể sợ nó lại biến mất, lần nữa. Ông chồng hét lên: Đồ ngu. Đứng dậy ngay. Có mấy tấm hình mà loay hoay mãi!
Tới đây thì lại có biến. Dường như người đàn ông ra vẻ chiều khách ban sáng đã bị thay bằng một kẻ vừa du côn vừa giang hồ, mất dạy. Tiếng chửi bới ào ạt tuôn ra. Ban đầu, có thể hiểu là anh ta chửi vợ chậm chạp vụng về. Sau vài câu, thì nhân vật chính đã thành nữ khách hàng khó tính đang đứng xớ rớ chờ. Là có mấy cái tấm hình mà cũng chảnh chó. Từ nào tới giờ cha mẹ cũng không nói trên đầu trên cổ tao như vậy. Tao đã nhịn mày hết mức có thể rồi. Mày…
Bất kỳ ai trong hoàn cảnh ấy chắc đều phản ứng. An cũng không ngoại lệ:
- Ai nói gì đụng chạm anh? Có mấy tấm hình, mất của người khác gần cả buổi sáng. Lẽ ra anh cứ lấy tiền rồi ghi biên nhận…
- Đ.M, tao đã bảo là việc nhiều, tao không xoay trở được, tao rối tinh rối mù mày không thấy sao?
- Ơ anh này hay nhỉ, đấy là chuyện của anh chứ đâu phải của tôi!
Những lời cuối cùng bị hụt hẫng, vì một bàn tay đàn bà đã chụp lấy tay An. Là vợ của tay chủ tiệm đang lên cơn. Mắt ả như van lơn. Tựa một lời năn nỉ trong câm lặng. Một sự cầu xin. An ngỡ ngàng nhìn vào cái vẻ khổ sở cam chịu nhẫn nhịn ấy. Lời lẽ bất ngờ im bặt.
- Mẹ mày…
Xoảng xoảng xoảng. Tiếng kim loại va vào nhau nghe rợn người. Hình đã được in ra, và cây kéo bén ngọt dùng để cắt hình, to quá mức cần thiết ấy, đã nặng nhọc rớt từ tay chủ tiệm xuống cái bàn bằng inox. Bằng con mắt của một người đi làm nhiều năm, An nhận ra tay chủ tiệm đã mất kiểm soát. Đàn ông nếu hiền thường cộc cằn. Một số kẻ khi đã tới ngưỡng chịu đựng sẽ bộc phát thú tính, giết người cũng dám chứ chẳng đùa đâu!
An đủ khôn ngoan để chớp nhoáng là phán đoán tình huống mình đang vướng phải. Loạng quạng ngu xuẩn khích bác là đổ máu như chơi. Có khi bỏ mạng nữa là đằng khác. An hình dung ra báo chí sẽ hào hứng giật tít “Tranh cãi vì mấy tấm hình thẻ, chủ tiệm đâm khách trọng thương bằng kéo”. Hoặc “Mất mạng vì đi chụp ảnh thẻ gấp” chẳng hạn. Không phải quá vô lý hay sao! An vừa kín đáo trông chừng cây kéo to tướng bén ngót trong tay kẻ côn đồ vẫn đang vừa làm vừa chửi kia, lại vừa bất giác ngó ra đường, đề phòng. Nhanh chóng mở bóp, An đưa tờ tiền cho chị vợ, rồi vơ cái túi giấy nhỏ xíu đựng hình. Quay ngoắt ra cửa, An bước vội về phía chiếc xe nãy giờ vẫn đang nổ máy. Ở đây có trưng bảng cấm đậu, nên An đành phải để con ngồi lại trên xe. Chắc cũng hơn tiếng đồng hồ rồi. Tiền xăng tiền cộ, đủ thứ tốn kém chứ chẳng đùa…
Mà buổi sáng của một ngày cuối tuần nhảm nhít đã vừa âm thầm trôi qua.
Có tiếng người đuổi theo khi An sửa soạn ngồi vào xe. Là gã chủ tiệm bám sát. Tay vẫn khư khư cầm kéo, nhưng nội dung chửi bới đã thay đổi. Mày tưởng mày giàu là ngon à? Mày tưởng đàn bà đi xe hơi là hay lắm hả? Có mấy tấm hình mà cũng bày đặt trả giá!
À, hóa ra đây mới là cội nguồn gốc rễ của vấn đề. Dân mạng gọi là gato, ganh ăn tức ở đó mà. Đàn ông đã giẻ cùi lại còn kém mã, đương nhiên phải thủ sẵn sự căm ghét với một ả đàn bà dám lái ô tô đậu trước cửa tiệm mình. Chân lý sống ấy, từ ngày đi con xe bốn bánh cùi bắp, An hoàn toàn thấu hiểu. Một chân đã đặt lên chân ga, An bấm hạ kiếng phía lề đường xuống, gào to:
- Làm ăn kiểu đó có chó nó trở lại, nhá!
Xe đã lướt tới. An toàn rồi. Bàn tay An để trên vô lăng run lẩy bẩy. Tức giận. Khinh bỉ. An vẫn còn muốn nói thêm vài câu cay nghiệt nữa. Khốn nạn thật. Muốn ăn hiếp ai thì ăn hiếp à! Hai đứa trẻ trên xe liệu hồn nín bặt. An luống cuống cầm lấy điện thoại, mãi mới bấm gọi được tổng đài. An lạc giọng hỏi xin số của công an phường.
Trực ban nhanh chóng nhấc máy. An hít một hơi dài để trấn tĩnh, lừng khừng. À, trên đường đó phố đó có cái cửa hàng áo cưới chụp ảnh thẻ tên đó đó. Trình báo gì tiếp đây nhỉ?
Lão chủ tiệm chụp ảnh giở thói lưu manh, dùng vũ khí đe dọa hành hung khách hàng ư? Lão, như bao kẻ chết bầm khác, cứ như thể người ta mua xe bằng tiền cướp được của lão ấy chứ không phải tom góp bấm bụng vậy.
Rồi An thoáng qua ý nghĩ, hay cứ tình thật mà kể luôn rằng, vì đông đúc bận rộn áp lực nên thiên hạ cư xử lẫn ăn nói xóc óc nhau, nên suýt nữa đã xảy ra án mạng, thật?
Bình luận (0)