Một công trình sử học mới: Phan Thanh Giản với bản án được tuyên sau cái chết

06/09/2006 22:51 GMT+7

Giữa trưa đứng bóng một ngày tháng sáu năm 1867, đoàn tàu chiến của Pháp do Đô đốc De la Grandière chỉ huy từ vùng biển phía Nam áp sát vào bờ. Cập bến Vĩnh Long xong, De la Grandière cho mời Phan Thanh Giản lên tàu hội đàm vào ban đêm, rồi bất ngờ đưa quân lên bờ chiếm lấy thành ngay trong đêm ấy (19/6) tiến tới thôn tính luôn hai thành An Giang và Hà Tiên trong các ngày tiếp đó.

Sự biến này dẫn đến cái chết của vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Bộ, cũng là vị đại thần có trách nhiệm cao nhất ở ba thành miền Tây vừa rơi vào tay giặc; đó là Kinh lược sứ Nam kỳ: Phan Thanh Giản. Ông tuyệt thực 17 ngày, uống thuốc phiện hòa với giấm thanh để tự vẫn ngày 4/8 năm đó, gửi lại ấn tín, áo mão và tờ sớ tâu về triều đình. Vua Tự Đức xuống chiếu kết tội ông rất nặng và tuyên án: "Tuy đã đắc nhất tử, nhưng cái chết vẫn không đủ che được tội. Vậy Phan Thanh Giản (với Lâm Duy Hiệp) đã quá cố phải bị truy đoạt hết tước hàm, đục bỏ tên trên bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm hậu. Giết kẻ đã chết để răn người đời sau vậy".

Việc xảy ra đã 140 năm, nhưng đến nay vẫn đang cần được bổ sung nhiều tư liệu mới để soi sáng và đánh giá công bằng về nhân cách, sự nghiệp và bi kịch cuối đời của Phan Thanh Giản. Trong yêu cầu đó, từ nước Pháp, bà Phan Thị Minh Lễ với sự cho phép của gia đình dòng họ Đô đốc De la Grandière đã may mắn tiếp cận để tra cứu một số hồ sơ cất kỹ chưa hề mở ra xem từ khi đô đốc này qua đời. Nội dung hồ sơ trên với bốn tập thủ bản gồm các thư từ riêng của De la Grandière cho thấy người Pháp rắp tâm chiếm đóng ba tỉnh miền Tây và bí mật sắp đặt như thế nào.

Ý kiến của nguyên Thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt

"Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói như một tuyên ngôn của Phan Thanh Giản khi biết chắc 3 tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc: "Lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống". Với "tuyên ngôn" này và với những gì tôi đã trình bày, tôi khẳng định rằng Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, Cụ đã tự làm án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế... Tôi đã về thăm mộ cụ Phan Thanh Giản và đốt nhang lạy hương hồn cụ. Và tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều".

Đó là nguồn tài liệu mới nhất mà bà Minh Lễ, tiến sĩ sử học Đại học Paris VII, đã công bố và kết hợp sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác từ kho lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp (cũng như từ châu bản triều Tự Đức) để cùng giáo sư Pierre Ph.Chanfreau đồng biên khảo công trình: Những năm cuối đời của Phan Thanh Giản, nhà yêu nước và người mở đường cho một nước Việt Nam hiện đại (Phan Thanh Gian, Patriote et Précurseur du Vietnam moderne, ses dernirères années 1862 - 1867) xuất bản tại Pháp cuối năm 2002, song tới nay vẫn chưa được biết đến rộng rãi tại Việt Nam. Mới đây để giới thiệu công trình này, hai tác giả Nguyễn Nghị và Nguyễn Hạnh có bài viết chung in trong cuốn Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản (nhiều tác giả, dày hơn 300 trang, do Tạp chí Xưa và Nay kết hợp NXB Đồng Nai ấn hành tháng 8.2006) đã nhận định rằng, bằng những tư liệu chưa được công bố, TS Minh Lễ và GS Chanfreau đọc lại lịch sử với ánh sáng mới đi đến "minh chứng một cách hùng hồn và đầy thuyết phục Phan Thanh Giản không phải là một kẻ bán nước, phản quốc và phản dân tộc". Đồng thời, có 30 nhà khoa học, chính khách trong và ngoài nước như các vị: Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Chương Thâu, Văn Tạo, Trương Bá Cần, Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Như Mai, Nguyễn Phan Quang, Võ Xuân Đàn, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Khắc Thuần, Trần Viết Ngạc, Sơn Nam, Cao Tự Thanh, Trần Đại Vinh góp bài trong sách để "ghi nhận một chặng đường nhận thức dài cùng những biến thiên của lịch sử đất nước, chân dung Phan học sĩ đang dần trở lại với cái nhìn đầy lòng vị tha truyền thống của người Việt Nam" như lời giới thiệu của nhà sử học Dương Trung Quốc. 

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.