Nghệ sĩ muôn năm cũ trong ảnh Hà Tường

25/02/2020 06:37 GMT+7

Tại triển lãm Những người muôn năm cũ, công chúng được nhìn thấy các văn nghệ sĩ đi lại, nói cười với nụ cười hồn hậu, cũng như có thể hình dung phần nào cuộc sống của họ.

Nhiếp ảnh gia chuyên chân dung văn nghệ sĩ Nguyễn Đình Toán có mặt sớm ở triển lãm Những người muôn năm cũ, đang diễn ra tại Ngon Garden Nguyễn Du, Hà Nội.
Tác giả của triển lãm - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường - là người mà ông coi như thầy trong nghề. “Tôi tự nguyện theo thầy Hà Tường học ảnh. Thầy chụp những bức ảnh văn nghệ sĩ hoàn toàn tự nhiên”, ông Toán nói và cho biết mê nhất bức ảnh ông Hà Tường chụp nhà viết kịch Tào Mạt. Trong ảnh, ông Tào Mạt nằm trên giường xếp tại Bệnh viện 108, vẫn tiếp tục đọc cuốn Kinh dịch.
Nghệ sĩ muôn năm cũ trong ảnh Hà Tường

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường

Ảnh: Ngữ Thiên

“Tôi vào bệnh viện chụp Tào Mạt, còn sờ vào người ông ấy, có những cái cục ung thư. Ông ấy bảo người mình bây giờ toàn những cái u”, Hà Tường chia sẻ một cách minh mẫn, dù tại buổi khai mạc triển lãm và ra mắt cuốn sách cùng tên, con trai ông Tường phải luôn bên cạnh cha để nhắc ngày tháng khi ký tặng.
Những nghệ sĩ được Hà Tường chụp ảnh cũng là những người thân thiết của ông, như Lưu Công Nhân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… Thời điểm đó, ông Hà Tường có chụp ảnh phong cảnh và được nhiều giải thưởng. Nhưng ông vẫn tiếp tục chụp văn nghệ sĩ một cách tự nguyện.
Có thể thấy trong triển lãm những chân dung và câu chuyện chân dung nghệ sĩ. Chẳng hạn, buổi sinh hoạt ca trù ở nhà ông Văn Cao, thấy người chơi đàn đáy là ông Đinh Khắc Ban. Người hát là bà Quách Thị Hồ đáng lẽ phải gõ phách nhưng hôm đó cho cô học trò ngồi gõ, còn bà Hồ cầm chiếc quạt nan. Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh được chụp khi đang chụp ảnh.
Giám tuyển của triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ, ảnh triển lãm và in sách đã được lọc ra từ 15 kg phim. “Tất nhiên, phim đã được số hóa. Đó thực sự là một di sản”, ông Cương nói.
Nhà văn Ngô Thảo cũng đến xem triển lãm, rồi ngồi trầm ngâm. “Chụp như thế này khó lắm. Thời đấy nếu chụp ảnh là phải có phim, phải có tiền, phải in tráng nữa. Rồi lại phải lưu giữ lại được. Phải say nghề lắm, chịu khó lăn lội với văn nghệ sĩ lắm. Làm được thế trong cảnh nghèo thì chỉ có tình yêu với cuộc đời, với văn nghệ sĩ mới có thể làm được”, ông Thảo nói.
“Giả sử Hà Tường không theo nhiếp ảnh, hoặc không chọn điểm nhìn ảnh tư liệu mà lại chụp kiểu ảnh nghệ thuật thì những “trang sử ảnh” giai đoạn ấy của văn nghệ Hà Nội đã bị khuyết một phần quan trọng. Vì ông là người duy nhất chụp như vậy trong suốt hai chục năm (1975 - 1995) và gần như không chụp đề tài nào khác”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.