Nghệ sĩ sau ánh hào quang: NSND Thanh Hoa - Không chọn cách sống điều độ

16/05/2009 16:21 GMT+7

Sau khi mẹ sinh Thanh Hoa được hơn một ngày, cả đơn vị của bố lần lượt kéo đến nhà để xem tận mắt… sự lạ. Mới lọt lòng mẹ, Thanh Hoa giống như con thú nhỏ, lông tơ vàng ươm dài phủ kín thân thể. Bố buồn rầu nói: “Tiên mà đẻ ra khỉ!”. Nghe đọc bài

Thanh Hoa là kết quả của một tình yêu “sét đánh”. Bố là bộ đội, ở trong trường Thiếu sinh quân, đàn giỏi, hát hay. Một lần, hành quân qua Bến Đục (chùa Hương), trên thuyền, thấy cô lái đò xinh quá, liền khoe tài đàn, hát và “tán tỉnh” bằng bài Cô lái đò. Có vậy mà cô lái đò xiêu lòng tắp lự, bỏ thuyền bỏ lái, bỏ nhà đi theo anh bộ đội, tình nguyện ở lại trường làm... cô nuôi. Sau này, nhạc phẩm Cô lái đò theo nghiệp ca sĩ của Thanh Hoa như duyên nợ, mỗi lần hát lại thấy nhớ bố mẹ da diết. Đến năm 2005 mới ra được CD trong đó có bài này, tiếc thay, bố mẹ không thể chờ để được con gái tặng.

Tuổi thơ của cô bé “nghịch lộ”

Ngay từ khi bước chân vào lớp một, Thanh Hoa đã tỏ rõ sự ngang ngạnh, bướng bỉnh và nghịch ngợm. Năm lớp bốn, vào công viên, thấy một bông hồng nở to, đẹp, thích quá, ngắt trộm giấu ngay vào cặp, thế nhưng vẫn bị bảo vệ phát hiện, phải ngồi trong đồn công an mất mấy tiếng. Lên lớp bảy, theo phân công của nhà trường đi giúp bà con nông dân bón phân, gặt lúa. Lội xuống ruộng bị đỉa bám, sợ hãi, cô ngã lăn cuộn tròn, cố làm sao gạt được con đỉa ra, kết quả là cả một vạt thóc bị nát.

Suốt cả bảy năm học, trong học bạ của Thanh Hoa đều bị thầy cô giáo phê chữ “nghịch ngầm”. Năm cuối cấp hai, Thanh Hoa mang sổ học bạ lên gặp thầy hiệu trưởng, nói: “Sáu năm trước, năm nào em cũng “nghịch ngầm”, nghịch mà ai cũng biết như thế thì là lộ rồi còn gì. Vì thế, xin thầy sửa thành “nghịch lộ” cho em!”. Thầy hiệu trưởng vô cùng ngạc nhiên, không rõ về sau thầy có sửa lại lời phê hay không, chỉ biết thầy vẫn nhớ mãi để rồi sau này có dịp gặp lại cô trò xưa, hai thầy trò cùng nhau ôn lại kỷ niệm.

Gia đình khó khăn lại đông con (bảy chị em), Thanh Hoa là chị cả, phải cùng mẹ cáng đáng việc nhà và đi làm để có thêm thu nhập. Buổi sáng, Thanh Hoa đi lấy bánh bao, sườn để nấu nước phở cho cửa hàng, rồi lên phòng cửa hàng trưởng rửa ấm chén, dọn dẹp. Chiều đi học về lại ghé qua cửa hàng rửa bát thuê. Đêm thì đi nắm than trong khu nhà máy Cao - xà - lá ở Thanh Xuân hoặc gói kẹo. Thấy Thanh Hoa bé quá, ông cửa hàng trưởng không muốn cho làm nữa vì sợ mang tiếng. Hay chuyện, Thanh Hoa ức lắm, tìm cách trả đũa. Biết cửa hàng trưởng vốn mê hút thuốc lào, cô lấy mỡ và nhọ nồi bôi vòng quanh ống điếu cày. Khi ông này xuống cửa hàng, khách nhìn thấy cười phun cả cơm, lên phòng soi gương, biết ngay ai là thủ phạm. Vậy là Thanh Hoa bị đuổi việc.

Đến mười lăm tuổi, Thanh Hoa đi làm ca ở nhà máy thuốc lá Thăng Long, tan ca vào mười giờ đêm, vốn sợ ma, mỗi khi đi qua nghĩa trang, cô nhắm mắt hộc tốc chạy sấp chạy ngửa.

Học hết lớp tám, Thanh Hoa rất thích thi vào trường múa, thầy Long và cô Tường Vi bảo: “Nó uốn dẻo thật đấy, nhưng người nó lùn tịt, chân nó ngắn ngủn thế kia, phát triển lắm cũng chỉ cao đến mét hai thì làm sao múa được”. Không múa thì chuyển sang học nhạc. Thấy Thanh Hoa thi vào nhạc viện, bố cô thắc mắc: “Xấu cả dáng lẫn da mà lại thích đi làm diễn viên”. Thế nhưng, cô vẫn theo học.

Rúc đầu xuống giếng luyện giọng

Sau khi làm phụ bếp ở nhạc viện suốt ba tháng hè (Thanh Hoa được nhận vào sớm), học hết kỳ một năm thứ nhất, tiếng bị vỡ không hát nổi bài nào, cô Thu Huyền (vợ NSND Trần Hiếu) bảo: “Con bé này tiếng như mèo hen”. Thi học kỳ chỉ được điểm ba trừ (trên năm điểm). Rồi mọi người lại chê “da đen, dáng xấu”, Thanh Hoa bi quan lắm, tính chuyện nghỉ học. Ông Đặng Hữu Phát, khi đó đang là bí thư chi bộ trong trường, gọi cô lên nói: “Giọng hát của cháu có hồn, giàu tình cảm. Cháu đâu có xấu, cháu rất có duyên, nên ở lại trường”. Được tiếp thêm nghị lực, Thanh Hoa quyết tâm học hành. Ngày luyện giọng hát, đêm rảnh là rúc đầu xuống giếng hét, cứ thế cho đến khi giọng vang, to. Kết quả cuối học kỳ hai, Thanh Hoa đạt điểm năm trừ.

Năm 1970, Thanh Hoa về công tác tại Đài phát thanh Giải phóng. Năm 1975, cô tham gia biểu diễn ở Trường Sơn. Mỗi lần biểu diễn, lại được bộ đội cho bi-đông nước, rượu ngâm cao hổ cốt, rau và cả chiếc khăn bông bay đỏ của Lào. Để hai đứa con thơ dại (Thư và Lữ) ở nhà, luôn mang trong lòng nỗi nhớ con da diết và thương con đến nghẹn thở vì không biết mình có trở về được hay không. Sau mỗi lần hát, cô lại chui vào một góc mà khóc thầm.

Kỷ niệm nhớ nhất trong những tháng ngày Trường Sơn là hát cho thương bệnh binh nghe. Nhìn những người lính còn rất trẻ, chỉ mới mười tám, mười chín tuổi, còn chưa biết yêu, chưa từng hôn một người con gái... đang nằm hấp hối, Thanh Hoa lại thấy mình may mắn vì đã từng được trải qua tình yêu dù là cay đắng để rồi được làm vợ, làm mẹ. Lần khác, hát cho bộ đội giao liên nghe. Biểu diễn bài Đường tôi đi dài theo đất nước, đến điệp khúc “dẫu”, hát bốn lần rồi mà không làm sao nhớ được đoạn kết của bài. Phía dưới, bộ đội lưng ướt đẫm mồ hôi, muốn cười lắm rồi mà không dám vì sợ bị phạt. Không khí càng yên ắng nghiêm túc bao nhiêu, Thanh Hoa càng luống cuống bấy nhiêu. Bí quá, đến lần thứ năm, vẫn không nhớ, cô hát chậm lại rồi tự kết thúc giữa lưng chừng.

Giờ đây, khi ngồi nhớ lại tháng ngày tuổi trẻ đã qua, thấy NSND Thanh Hoa hồ hởi và vui vẻ hẳn. Giữa những lời kể, cô lại cất cao giọng hát. “Lạ thế chứ, tự dưng lại ngồi véo von hát thế này, chứ nhiều khi người ta trả tiền bảo mình hát, mình lại từ chối”,  Thanh Hoa cười, nói.

Thích đối mặt với những thử thách, kể cả của thiên nhiên. Những ngày trẻ, hạnh phúc là được đạp xe dưới mưa, tận hưởng cảm giác nước mưa chảy xuống mặt, vai và toàn thân ướt đẫm, lạnh tê người. Thích gặm nhấm cảm giác cô đơn. Sau khi buổi diễn tan, đèn sân khấu tắt, khán giả ra về hết, ngồi lại một mình ở dưới sân khấu ngẫm ngợi. Khi đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, Thanh Hoa đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho ngày không còn sắc, còn giọng. Vì thế, trong hoàn cảnh nào, cô cũng giữ được thăng bằng.

Là người luôn sống theo cảm tính, đến giờ, “điều độ” không phải là phương thức lựa chọn của cô. Vẫn những ngày ngủ cả ngày rồi đêm thức, vẫn những bữa quên ăn, đến đêm đói, cho lạc vào lò vi sóng quay ăn, điểm trang cẩn thận, vận đồ bụi bặm, phong cách “teen”, nói cười hồn nhiên... Dường như NSND Thanh Hoa vẫn chưa muốn kết thúc tuổi trẻ của mình.

Có lẽ, chỉ những ai trưởng thành từ đủ đầy nhục nhằn, đủ đầy cay đắng, đủ đầy vất vả... mới có được cách sống vui đến thế. 

 
NSND Thanh Hoa (tên thật là Nguyễn Thị Thanh) sinh năm 1950 tại Thanh Hóa. Năm 9 tuổi đoạt giải nhất giọng hát Họa mi của thị xã Hà Đông. Năm 16 tuổi, bắt đầu học ở Trường m nhạc Việt Nam và tốt nghiệp Trung cấp năm 1970. Sau đó, trở thành ca sĩ của Đài phát thanh Giải phóng (còn có tên bí mật là đài CP-90). Nghệ danh Thanh Hoa được ghép từ tên chị với nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, người chồng đầu tiên. Bài hát đầu tiên được phát sóng trên đài CP-90 là Cánh chim mùa xuân của nhạc sĩ Huỳnh Thơ năm 1970.

Năm 1975, Thanh Hoa đi biểu diễn ở Trường Sơn phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1975, chị về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam và gắn bó với đài cho đến lúc nghỉ hưu năm 2006. Ở đây, chị là một trong những ca sĩ thu âm nhiều nhất với 400 bản thu, trong đó có những ca khúc đã được phát sóng rất nhiều lần và gắn bó với tên tuổi của chị như Tình yêu của đất và nước, Con kênh ta đào, Khúc hát ru của người mẹ trẻ, Em chọn lối này, Tàu anh qua núi, Tình yêu trên dòng sông quan họ, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Bác Hồ một tình yêu bao la, Mùa xuân làng lúa làng hoa, Đường tàu mùa xuân...

Chị đã đoạt nhiều giải thưởng: Giải nhất tại cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế Cóc Phây vàng lần thứ 18 ở Bulgaria, năm 1982; Huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1985; Bằng khen đặc biệt cuộc thi 8 bài hát trên vô tuyến truyền hình ở Cuba; Bằng khen người hát bài hát Tiệp Khắc hay nhất... Năm 2001, Thanh Hoa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Trang Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.