Nghi án 'giả vương nhập cận': Một giả vương khác?

Vẫn còn tồn nghi chưa giải quyết rốt ráo: Nguyễn Quang Bình nhập Thanh là vua Quang Trung thực hay giả?

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện tài liệu cổ, trong đó hé lộ thêm một nhân vật được cho là đã đóng giả vua Quang Trung (giả vương) sang yết kiến vua Càn Long, trong nghi án lịch sử "giả vương nhập cận", khác với những gì mà sử liệu từng ghi nhận.
Sự kiện bang giao độc đáo
Trong bang giao Đại Việt và Đại Thanh thời Tây Sơn có một sự kiện độc đáo xảy ra năm Canh Tuất (1790), sau cuộc chiến tranh cuối năm Mậu Thân, đầu năm Kỷ Dậu (1789) với đại thắng của Đại Việt. Hai phía đã giảng hòa, nhân đại lễ bát tuần đại khánh của vua Càn Long năm Canh Tuất (1790), Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ - vua Quang Trung) cùng các bồi thần trên 150 người được phía Đại Thanh đón tiếp long trọng, chu đáo từ đầu chí cuối gần một năm. Các sử gia đã nghiên cứu và nêu hết ý nghĩa to lớn của nỗ lực ngoại giao gần hai năm của triều Quang Trung, mà đỉnh cao là sự kiện nổi bật nêu trên. Nhờ vậy Đại Việt tránh can qua, hóa giải “lửa hận” hừng hực những người quen chiến thắng hơn là chiến bại của vua quan nhà Thanh.
Tuy nhiên vẫn còn tồn nghi chưa giải quyết rốt ráo: Nguyễn Quang Bình nhập Thanh là vua Quang Trung thực hay giả?
Các tác giả trong Ngô gia văn phái khi soạn Hoàng Lê nhất thống chí đã viết “giả vương nhập cận” là võ quan Nguyễn Quang Trực, người làng Mặc Điền, huyện Nam Đường (Nam Đàn), trấn Nghệ An. Ngô Thì Chí viết chính biên và Ngô Thì Du viết tục biên. Các dữ kiện trong sách do các vị trong họ Ngô cung cấp, trong đó có Ngô Thì Nhậm, người từng tổ chức sứ bộ có giả vương Quang Trung nhập Thanh, có chú ruột là Ngô Tưởng Đạo. Con của Ngô Tưởng Đạo là Ngô Thì Du sống ở Nghệ An, người viết hồi 15 (có sự kiện giả vương) nên dữ liệu do Hoàng Lê nhất thống chí cung cấp có độ tin cậy nhất định, khó bỏ qua.
Trong khi đó, Đại Nam chính biên liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn, quyển 30, lại chép rằng: “Mùa xuân năm Canh Tuất (1790), Phúc Khang An giục Huệ (Nguyễn Huệ) chuẩn bị hành trang (Huệ trả lời lấy cớ mẹ chết xin được cho con là Quang Thùy thay mình nhập cận; Khang An không chịu, bí mật sai người đến cửa quan dặn dò hơn thiệt, bảo rằng nếu cực chẳng đã thì kiếm người bề ngoài giống mình thay mặt mà đi). Huệ mới sai Phạm Công Trị mạo tên mình, sai bầy tôi là Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tuấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công. Ngoài lệ thường còn cống thêm hai voi đực, cung ứng trên đường khổ sở, đi đường rất là khó nhọc”.
Một nhân vật khác
Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đính và Võ Vinh Quang vừa tiếp cận được tài liệu Vân Dương kinh phổ viết bằng chữ Hán của họ Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương (xã Thủy Vân, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). Vân Dương kinh phổ viết năm 1850, trong đó ghi chép Nguyễn Cửu Trị từng là “giả vương nhập cận” (đóng giả vua Quang Trung sang chầu trực tiếp vua Càn Long nhà Thanh).
Từ tư liệu này, các tác giả Nguyễn Đình Đính - Võ Vinh Quang đã giới thiệu trên tạp chí Sông Hương (số ra 1.8.2017) trong bài viết Giả vương nhập cận - một nhân vật khác. Trong bài viết, 2 tác giả dẫn sách Vân Dương kinh phổ ghi rằng, ở mục phái 3, chi 5, gia phả họ Nguyễn Cửu có đoạn (phiên âm chữ Hán): “Hoán Quận công đệ thập nhị tử: Nội đội trưởng Trị An hầu Nguyễn Phúc Hoảng (nhất danh Trị). Sinh thọ thất tường công trạng mạo khôi vi tính vưu quai xảo. Tây tặc Nguyễn Quang Bình thiết cứ sử trang tác giả vương nhập cận vu Thanh Cao Tông, hậu lưu cứ Hà Nội. Gia Long niên gian công lãm vi Tuyên Quang lệ thuế, bất tri sở chung”. Dịch nghĩa: Nội Đội trưởng Trị An hầu Nguyễn Phúc Hoảng (còn có tên là Trị), con thứ 12 của Hoán Quận công (Nguyễn Phúc Pháp, Cửu Pháp). Ông có dung mạo cao lớn đẹp đẽ, tính rất khéo léo. Lúc giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ) chiếm cứ, đã sai ông cải trang làm “giả vương nhập cận” sang yết kiến vua Cao Tông (Càn Long) nhà Thanh. Về sau ông sống tại Hà Nội. Trong niên hiệu Gia Long (1802 - 1820), ông (làm quan) coi thuế khoáng sản ở Tuyên Quang, không biết chết như thế nào...
Kết nối với hậu duệ “giả vương”
Từ nguồn trích dẫn này, chúng tôi tìm về làng Vân Dương (xã Thủy Vân) và được chỉ dẫn gặp tộc trưởng họ Nguyễn Cửu hiện nay, ông Nguyễn Cửu Dãnh (71 tuổi, trú tại 94 kiệt 1/1 Tôn Thất Cảnh, P.An Đông, TP.Huế). Ông tộc trưởng phái 3 sốt sắng mang toàn bộ thư tịch của tộc họ, trong đó có Bắc phổ và Vân Dương kinh phổ.
Đặc biệt, ông tộc trưởng cho biết đã liên lạc được chi Nguyễn Cửu ở Hà Nội, hậu duệ ngài Nguyễn Cửu Trị (giả vương nhập cận). Theo ông tộc trưởng, chi Nguyễn Cửu ở Hà Nội đã có vài trăm hậu duệ. Từ số điện thoại của ông Nguyễn Cửu Thược do ông Dãnh cung cấp, chúng tôi đã kết nối được với ông Thược. Qua điện thoại, ông Thược cho biết ông là hậu duệ đời thứ 9 của nhánh Nguyễn Cửu này. Tổ của ông là vị võ quan Tây Sơn, trong đạo quân do vua Quang Trung chỉ huy đại phá quân Thanh. Sau thắng trận, ngài tổ mới lập gia đình và lập nghiệp ở làng Trường Yên (Hà Đông), nay là xã Ngọc Sơn và TT.Chúc Sơn, H.Chương Mỹ, Hà Nội. Mộ ngài tổ vừa được trùng tu, có bia nhưng không khắc danh tính.

tin liên quan

Tưởng niệm 225 năm ngày mất hoàng đế Quang Trung
Ngày 19.9 (nhằm ngày 29.7 âm lịch), UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ tưởng niệm 225 năm ngày mất hoàng đế Quang Trung (1792 - 2017) tại Bảo tàng Quang Trung ở TT.Phú Phong (H.Tây Sơn, Bình Định).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.