Nghi án Sơn Tùng 'đạo nhạc' bao giờ ngã ngũ?

05/08/2016 13:22 GMT+7

Ngay khi ra mắt Chúng ta không thuộc về nhau , Sơn Tùng M-TP lập tức vướng nghi án 'đạo nhạc'. Các nghệ sĩ Việt bất bình lên tiếng, dân mạng thì thi nhau 'tố cáo' Sơn Tùng. Những tranh cãi này sẽ đi đến đâu?

"Đạo" hay không "đạo"?

Chỉ riêng với Sơn Tùng, câu hỏi này đã xuất hiện không chỉ một lần. Từ Nắng ấm xa dần, Cơn mưa ngang qua cho đến Em của ngày hôm qua, Chắc ai đó sẽ về... những ca khúc do chàng ca sĩ gốc Thái Bình sáng tác và trình bày đều bị dân mạng gắn mác "đạo nhạc". Tuy nhiên, mãi cho đến nay, vẫn chưa có một kết luận chính thức nào về việc Sơn Tùng có đạo nhạc hay không, kể cả khi ca khúc mới nhất của anh - Chúng ta không thuộc về nhau cũng được cho là khá giống với We don't talk anymore của ca sĩ người Mỹ Charlie Puth.
Riêng với ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau, một nhạc sĩ nổi tiếng (đề nghị không nhắc tên) phân tích cùng Thanh Niên: "Có thể thấy, Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng và We don't talk anymore của Charlie Puth có vòng hòa âm giống nhau. Về bản phối, cả hai ca khúc đều được phối theo phong cách Tropical House nhưng phần phối khí khác nhau. Về giai điệu, có một số đoạn giống nhau nhưng điều đó cũng khó kết luận về chuyện đạo nhạc. Cũng như việc sử dụng vòng hòa âm có sẵn, với một số người, đó là "đạo" nhưng một số khác lại bảo rằng không".
Sơn Tùng trong đêm diễn ra mắt ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau vào tối 2.8 Ảnh: BTC
Về vấn đề này, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng từng chia sẻ với Thanh Niên rằng một nhạc sĩ khi hòa âm một bài hát, họ có bản quyền chất xám của mình trên bản hòa âm đó và nếu nghệ sĩ khác muốn dùng bản hòa âm đó để viết nhạc thì phải mua hoặc có sự đồng ý của tác giả, cho dù họ có thay đổi giai điệu hay không.

"Nếu lấy một bản hòa âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên thì vẫn bị gọi là lấy cắp vì hiển nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả. Hơn nữa, khi ca sĩ đã thu lợi nhuận từ việc biểu diễn những ca khúc này, bán nhạc chuông nhạc chờ từ những ca khúc này thì lại càng phạm luật", nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết.

Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Cường lại từng có ý kiến đi ngược với số đông: "Từ những năm 1980, khi học nhạc ở Học viện âm nhạc, tôi đã trải qua một thời gian đào tạo do giáo viên người Nga dạy, tức là làm giai điệu trên bản hòa thanh có sẵn. Đây là một môn học chính thức ở một trường chuyên về âm nhạc. Vậy thì việc sử dụng bản beat có sẵn là hoàn toàn hợp lý, và đây cũng là xu hướng làm bài hát của giới trẻ Việt Nam hiện nay mà trên thế giới đã áp dụng cách đây trăm năm. Vấn đề ở đây là khán giả có chấp nhận xu hướng đó không lại là một câu chuyện khác. Phải khẳng định lại với các bạn là dùng bản hòa thanh có sẵn thì không thể gọi là ăn cắp nhạc".
MV ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng (ảnh trên) cũng bị cho là na ná với MV của DG nhóm Big Bang (ảnh dưới) Ảnh: Chụp màn hình
Theo chia sẻ của các nhạc sĩ, sở dĩ những tranh cãi này không đi đến đâu là bởi nhạc Việt lâu nay vẫn chưa có những quy định cụ thể và chặt chẽ để có thể kết luận một ca khúc giống như thế nào, giống bao nhiêu phần trăm một ca khúc khác thì gọi là "đạo nhạc". Chuyện "đạo nhạc" đã được nhắc đến từ rất lâu nhưng đến nay vẫn là "nghi án", là "tranh cãi" của một bộ phận dân mạng dựa trên cảm tính còn những người làm nghề thì lại đưa ra những ý kiến trái chiều nhau trong khi phía cơ quan quản lý vẫn chưa có động thái gì.
Từng có trường hợp nhạc sĩ Bảo Chấn với Tình thôi xót xa gây ồn ào với nghi án đạo nhạc vào năm 2004. Khi đó, ông thừa nhận ca khúc của mình giống 50% bản Frontier của Nhật Bản và 99% ca khúc I’ve never been to me của Charlene (Mỹ) nhưng không đưa ra được những chứng cứ về bút tích, thời gian sáng tác trong khi Tình thôi xót xa lại được công bố sau những ca khúc này.
Kết quả là nhạc sĩ Bảo Chấn phải xin lỗi công chúng vì "sự cố không mong muốn" và xin thôi phát Tình thôi xót xa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, về một kết luận chính thức thì phía cơ quan quản lý, cụ thể là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lê Tiến Thọ khi đó cho rằng trên nguyên tắc, nếu có đơn kiện, tức là có bên nguyên bên bị thì mới thành lập một Hội đồng thẩm định và để khẳng định có hay không chuyện đạo nhạc cũng còn nhiều vấn đề...
Cũng như gần đây nhất, việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa ra kết luận bài hát Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng không vi phạm pháp luật và đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp phép phổ biến cho ca khúc này lại đi ngược với ý kiến của hội đồng thẩm định gồm các nhạc sĩ uy tín đưa ra trước đó.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo, thành viên hội đồng thẩm định, khi đó đã phát biểu rằng: "Ta không nên hiểu ngắn gọn cậu Sơn Tùng đạo nhạc hay ăn cắp nhạc, nói ngắn như thế là phũ phàng, song cách đạo beat viết nhạc kiểu này có nên được chấp nhận hay không thì sao Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch không trưng cầu ý kiến nhiều nhạc sĩ hơn nữa? Ta sẽ hiểu đâu là nguyện vọng thực, đâu là suy tư thực của nghệ sĩ âm nhạc Việt. Tôi sẵn sàng đánh cược danh dự của tôi vào một cuộc trưng cầu như thế".

Thế nhưng, khi nào cuộc trưng cầu như thế mới diễn ra và khán giả bao giờ mới có được câu trả lời xác đáng?

tin liên quan

'Chắc ai đó sẽ về' có 'đạo nhạc' ?
(TNO) Những ngày qua, ca khúc Chắc ai đó sẽ về do Sơn Tùng M-TP sáng tác và trình bày đang trở thành tâm điểm của dư luận khi không ít ý kiến cho rằng ca khúc này “đạo” từ nhạc Hàn. Điều đáng nói là trong khi chuyện “đạo” hay không vốn dĩ thuộc về vấn đề chuyên môn thì không ít người lại chạy theo tâm lý đám đông để kết luận một

cách vội vàng…

Dân mạng chia rẽ vì... Sơn Tùng

Trở lại với câu chuyện Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng, mấy ngày qua, những tranh cãi về ca khúc này vẫn ầm ĩ trên các diễn đàn, mạng xã hội. Ca sĩ Tùng Dương viết trên mạng xã hội: "Đừng nhầm lẫn về sự ảnh hưởng để sáng tạo, phát triển thành đạo, nhái - vấn đề mà chúng ta vẫn luôn đau đầu lên án bấy lâu và việc nhìn nhận của chính chúng ta - không có giải pháp... Hãy dung dưỡng cho những giá trị đúng đắn, tử tế, thực chất lâu dài để không góp phần làm méo mó, xuống cấp đi các giải thưởng vốn được kỳ vọng, tin tưởng và sự phát triển, thụt lùi chung của nền nghệ thuật nước nhà. Tỉnh đi các vị".
Nhạc sĩ - ca sĩ trẻ Vũ Cát Tường cũng đã có những dòng chia sẻ được cho là hướng đến vụ Sơn Tùng vướng nghi án đạo nhạc: "Hồi xưa mình học đại học viết luận, trước khi nộp bài phải gửi bài lên một trang web phát hiện có sao chép của người khác hay không rồi mới được nộp, chứ nộp lên xong mà bị phát hiện đạo văn là bị đuổi học ngay lập tức. Hồi bắt đầu mới viết nhạc, mình cũng tìm hiểu về luật bản quyền, đến giờ mình nhớ trong đầu có một câu thôi mà làm mình luôn tỉnh táo: Chỉ cần mình viết một bài nào bất kỳ mà bài đó giống một bài khác nhiều hơn hoặc bằng 6 nốt nhạc thì được coi là ăn cắp bản quyền hay còn gọi là đạo nhạc".
Trong khi đó, Dương Triệu Vũ lại lên tiếng bênh vực Sơn Tùng: "Thấy cũng tội nghiệp cho một nhân tài. Sao mọi người thích vùi dập thế nhỉ? Công nghệ Việt Nam mình còn thua xa nước ngoài lắm. Bao lâu nay luôn chịu ảnh hưởng vì đi sau (trước đây Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ...) nên bị so sánh cũng là bình thường. Nhưng làm tốt hay không đó là chuyện khác. Cậu bé này làm rất tốt và thuyết phục. Lâu rồi mới thấy ngôi sao Việt Nam sáng cá tính và chất như thế. Cố lên Sơn Tùng M-TP".
Dân mạng bình luận, gửi tin nhắn cho Charlie Puth "tố" Sơn Tùng đạo nhạc Ảnh: Chụp màn hình
Điều đáng nói là giữa lúc những tranh cãi này vẫn chưa ngã ngũ thì một bộ phận dân mạng Việt thậm chí đã "tố cáo" Sơn Tùng trên kênh YouTube, cũng như Facebook cá nhân của Charlie Puth bằng hàng trăm bình luận trong đó có không ít bình luận hằn học, chửi tục... 
Sự việc này khiến người ta nhớ đến việc dân mạng Việt Nam từng vận động ký tên online gửi đến ca sĩ Lenka với mong muốn ca sĩ xứ sở chuột túi khởi kiện Bảo Thy khi ca khúc Thiên thần trong truyện tranh do "công chúa bong bóng" thể hiện cover từ ca khúc The show của Lenka.
Từ đây, "chiều hướng" tranh cãi trong cộng đồng mạng lại chuyển sang đả kích hành động của một bộ phận dân mạng Việt khi "chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường". Trong khi đó, phía Sơn Tùng vẫn chọn giải pháp im lặng trong sự việc này. Thậm chí, khi xuất hiện trong một sự kiện hôm 3.8 tại TP.HCM, chàng ca sĩ gốc Thái Bình và trợ lý đã thẳng thừng từ chối tiếp xúc với báo chí cũng như trả lời phỏng vấn. 
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, trang Facebook mang tên Heyder, người được cho là DJ thực hiện bản remix ca khúc We don't talk anymore đã chia sẻ đường link đến MV Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng cùng chú thích: "Ca khúc Việt Nam này nghe khá giống bản remix của tôi" tiếp tục khiến dân mạng dậy sóng.
Bên dưới chia sẻ này, hàng trăm bình luận, đa phần là của dân mạng Việt tiếp tục chỉ trích, lên án Sơn Tùng và yêu cầu phía nước ngoài có giải pháp mạnh mẽ hơn về nghi án đạo nhạc này. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng đây không phải trang Fanpage thật của Heyder. Tuy nhiên, đường link Fanpage này đã được Heyder chia sẻ trên trang cá nhân cũng như kênh YouTube chính thức của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.