Ngỡ ngàng ký ức Hà Nội xưa

07/08/2010 22:58 GMT+7

Hai cha con một gia đình người Hà Nội đang âm thầm sưu tầm và hoàn chỉnh một bộ ảnh Hà Nội xưa.

Kiến trúc sư trẻ Đoàn Bắc là người sưu tập bộ ảnh ấy. Để thực hiện các dự án kiến trúc, quy hoạch, cần phải có hình ảnh về Hà Nội, anh đã nhờ đến sự trợ giúp của internet và sau hơn 2 năm, số ảnh Hà Nội cũ mà anh tìm được đã lên đến gần 3.000 bức. Cùng với sự hỗ trợ của cha anh, nhà giáo Đoàn Thịnh dạy lịch sử, một bộ ảnh hoành tráng mang tên Ký ức Hà Nội xưa với nhiều câu chuyện về Hà Nội cũ được kể bằng 1.820 bức ảnh ra đời. Theo Vinaphi, đơn vị hỗ trợ triển khai dự án công bố bộ ảnh, đây là những câu chuyện lịch sử bằng hình ảnh chân thực, sống động của Hà Nội từ sau năm 1831 đến ngày 10.10.1954. Dù chất lượng kỹ thuật phần nào hạn chế vì đa số lấy từ mạng internet, nhưng thông tin trong ảnh, nhất là khi được sắp xếp có hệ thống, theo những câu chuyện cụ thể làm người xem ngỡ ngàng.

Ký ức Hà Nội xưa gồm 1.820 bức ảnh chụp Hà Nội từ năm 1831 đến ngày 10.10.1954, có 5 phần: Toàn cảnh Hà Nội xưa; Đất Thăng Long - kẻ chợ; Hà Nội thời Pháp thuộc; Con người và cuộc sống Hà Nội xưa; Những giai đoạn lịch sử. Các phần được chia thành các chủ đề nhỏ, tổng cộng có 24 chủ đề, có tên như: Hoàng thành thời Nguyễn; Đất lề Kẻ Chợ; Khu phố Tây; Phương tiện giao thông vận tải; Phong cách người Hà Nội; Thú ăn chơi ở Hà Nội; Pháp tạm chiếm Hà Nội; Tiếp quản Hà Nội…

Nơi này năm xưa là bộ ảnh chụp từ trên cao, với 45 tấm ảnh cho người xem bao quát những không gian rộng lớn của Hà Nội đầu thế kỷ 20. Trong ảnh, tòa nhà Viễn Đông Bác Cổ gối mình lên bãi lau, đê sông Hồng như mới hình thành, phố cổ Hà Nội thì lô xô mái ngói như những lớp sóng bên hồ Gươm.

Hàng quán và chợ với 80 tấm ảnh là cái nhìn dưới góc độ văn hóa về nếp sống, thói quen sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Ảnh chụp các quán ăn, các dịch vụ trong khu phố cổ ngày nay. Đặc biệt, trong bộ ảnh này, người xem có thể hình dung ra cách đây hàng trăm năm phở được bán như thế nào. Đó là những hàng phở rong, người bán gánh bếp lò, nồi niêu, bát đĩa trong hai cái chạn trên vai để bán rong. Người ăn không có bàn, bát đựng phở là loại bát “chiết yêu” có miệng loe rộng được người ăn bưng trên tay và dùng đũa, không có thìa.

Không gian trong ảnh cũng gắn với sự chiếm đóng của người Pháp, thể hiện trong phần Hà Nội thời Pháp thuộc, một trong năm phần chính của bộ sưu tập với 592 tấm ảnh. Có thể thấy sự hình thành của kiến trúc các khu phố Tây, các công trình công cộng, môi trường, cảnh quan và gắn với chúng là sự vận động trong nếp sống, nếp sinh hoạt của người Hà Nội dưới tác động của những thành tựu kỹ thuật như điện, xe đạp, ô tô, xe điện.

 

Phố Hàng Thiếc xưa - Ảnh: TL

Đó có thể là câu chuyện chỉ nói về không gian trước cửa Nhà thờ Lớn Hà Nội nhưng các bức ảnh chụp trong một khoảng thời gian dài, từ khi nhà thờ mới xây dựng, không gian xung quanh còn hoang sơ. Tiếp theo, một hàng rào xuất hiện, rồi bồn hoa trước cửa, sau đó là những ngôi nhà bên hông nhà thờ và cây cối dần dần mọc lên. Con người trong ảnh cũng dần dần thay đổi, đầu tiên là những người Việt ăn mặc cổ lỗ, sau là quần áo tân thời, rồi các bà đầm mặc váy đi lại. Từ đi bộ, xe ngựa, xuất hiện xe tay, xe đạp và cuối cùng là những chiếc ô tô xếp thành hàng với nhiều người ngoại quốc đi lại trong một buổi lễ.

Nhiều tấm ảnh dù chỉ đứng một mình cũng gây cảm xúc mạnh mẽ cho người xem, chẳng hạn khi xung quanh Quốc Tử Giám còn hoang vu thì người xưa đã dựng bên lối vào hai chiếc bia “hạ mã” yêu cầu mọi người phải xuống ngựa trước khi vào Giám. Còn trong bức ảnh Cột cờ Hà Nội chụp qua hồ Voi (nay là khu vực Tượng đài Lê-nin), có thể thấy các đồn binh mà người Pháp dựng tạm trên các tầng cột cờ trong những ngày đầu chiếm đóng Hà Nội.

Trong Ký ức Hà Nội xưa, có những câu chuyện về cuộc sống của thường dân, quan lại, binh lính, trang phục cũng như thú ăn chơi của người Hà Nội. Đặc biệt, phần 5 của bộ ảnh có tên Những giai đoạn lịch sử gồm 320 ảnh là câu chuyện về các hoạt động của người Pháp, Nhật trước năm 1945, những sự kiện diễn ra trong 60 ngày đêm lịch sử cuối năm 1946, những hình ảnh trong thời kỳ tạm chiếm và cuối cùng là sự kiện tiếp quản thủ đô, diễn ra trước và trong ngày 10.10.1954.

Câu chuyện quanh 200 tấm ảnh giấy sưu tập trực tiếp cũng khá thú vị. Chẳng hạn vào một ngày đẹp trời, điện thoại của Đoàn Bắc bỗng reo vang, một hướng dẫn viên du lịch xưng tên là Lê Thanh Hải người Thái Bình nói muốn tặng cho Đoàn Bắc một bộ ảnh đặc biệt. Anh này cho biết bộ ảnh là của ông nội một vị khách Pháp hơn 80 tuổi và được vị du khách già này mang sang Việt Nam để đối chiếu với thực tế. Thỏa mãn rồi, ông ta tặng lại người hướng dẫn. Đó là hơn 40 bức ảnh chụp phố cổ, phố cũ, hồ Tây…, có cả những ảnh chụp thành Hà Nội khi chưa bị phá.

Theo Đoàn Bắc, khi đọc những ghi chép về Hà Nội cũ, trong những năm 1940 - 1950, có lần trên hồ Gươm người ta bắc một cái cầu đi ra tháp Rùa. Anh muốn có ảnh về sự kiện ấy và tìm thấy trên một diễn đàn. Trong tấm ảnh này, người đứng trên cầu là nhạc sĩ Phạm Duy!

Đoàn Bắc có ý định tổ chức một triển lãm để công bố Ký ức Hà Nội xưa tại TP.HCM và Hà Nội đúng vào dịp Đại lễ 1.000 năm, sau đó tặng cho Bảo tàng Hà Nội. Ý tưởng này đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội ủng hộ và có công văn trình UBND TP Hà Nội, đề nghị cho phép triển lãm và trao tặng Ký ức Hà Nội xưa cho Bảo tàng Hà Nội. Tuy nhiên, việc triển khai ý tưởng tốt đẹp này cũng không dễ dàng vì thiếu kinh phí, dù thủ tục có thể rất đơn giản. 

Trong Ký ức Hà Nội xưa, có cả ảnh của cố nghệ sĩ Võ An Ninh chụp nạn đói năm Ất Dậu (ảnh) tìm được trên internet. “Tôi mong muốn, khi triển lãm được công bố, sẽ mời gia đình cụ Võ đến chứng kiến và tự viết tên ảnh, tên tác giả lên ảnh”, Đoàn Bắc nói. Anh cũng mong tìm được tác giả hoặc lai lịch các bức ảnh khi chúng được triển lãm. Riêng chuyện bản quyền, anh hy vọng sẽ không gặp rắc rối nào. Phần vì đây là những bức ảnh đã được công bố trên mạng, phần vì triển lãm trong dự định là phi lợi nhuận.

 

 Ảnh: Võ An ninh

Phố Tràng Tiền

Không gian phố Tràng Tiền, tên xưa là Rue de Paul Bert (lấy theo tên của quan chức dân sự người Pháp đầu tiên trong vị trí Toàn quyền Bắc và Trung kỳ) được thể hiện trên hai tấm pa-nô. Trong bộ ảnh này, Đoàn Bắc muốn thể hiện sự phát triển về kiến trúc, cảnh trí cũng như hoạt động con người trên một trong những đường phố Tây nổi tiếng nhất Hà Nội.

 
Một người kéo xe đang đứng ở đầu phố Tràng Tiền, phía Nhà hát Lớn nhìn lại. Khi đó, phố còn chưa có đèn đường.


Xe tay đỗ nhiều hơn trên đường, đèn chiếu sáng được treo giữa lòng đường.


Nhiều người nước ngoài trước cửa khách sạn De La Paix, nay là khu vực quán kem Tràng Tiền.


Xe ô tô xuất hiện cùng xích lô, xe đạp cũng đã nhiều hơn.


Cột đèn chiếu sáng kiểu mới trên ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.