Người đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới

Ngọc An
Ngọc An
13/05/2018 08:54 GMT+7

Hai năm sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, Ngô Hồng Quang tiếp tục sống và làm việc tại châu Âu. Con đường anh đang đi là giữ gìn, đồng thời đưa âm nhạc dân tộc VN đến với công chúng quốc tế qua những sáng tạo của riêng mình.

Bắt đầu từ đàn nhị, đàn bầu
Việc đến với âm nhạc dân tộc là cái duyên hay sự lựa chọn của anh?
Tôi nghĩ là duyên, bởi đó không phải lựa chọn của tôi, mà bố mẹ đã hướng tôi đi theo. Lúc đầu tôi cũng không thực sự thích nhạc cụ mình học là đàn nhị. 1 - 2 năm sau, tôi bắt đầu thấy hứng thú hơn, thích và say mê. Tôi tiếp cận âm nhạc chuyên nghiệp bắt đầu từ cây đàn nhị, sau đó là đàn bầu. Đến bây giờ đã là gần 20 năm. Cái duyên này sẽ đi theo tôi suốt cả đời, chắc chắn là như thế.
Sau 3 năm giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, anh quyết định đi du học. Điều gì khiến anh đi đến quyết định này?
Tôi biết môi trường dạy nhạc dân tộc của mình lúc đó chỉ như vậy thôi, không thể phát triển bản thân hơn được. Muốn phát triển phải đi ra ngoài, đến đất nước có nền giáo dục âm nhạc phát triển, mà với tôi, châu Âu có lẽ là tốt nhất. Tôi muốn lấy tư duy của người châu Âu về âm nhạc. Tôi quyết định đi học tại Hà Lan về sáng tác; thay đổi, phát triển tư duy, có cách nhìn toàn diện hơn về âm nhạc, những tác phẩm và con đường mình chọn. Thực sự, quyết định này đã giúp tôi như bước sang một trang khác, mở ra rất nhiều cơ hội theo hướng tích cực. Tôi làm được nhiều thứ hơn, tạo ra những sản phẩm sáng tạo nhiều hơn.
Người đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới1
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang chơi nhạc cùng nghệ sĩ Ấn Độ
Sau khi tốt nghiệp tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, anh có băn khoăn giữa trở về và ở lại?
Lúc đó, tôi muốn ở lại. Sinh viên nước ngoài tốt nghiệp xong thường được chính phủ Hà Lan cho 1 năm visa để ở lại, mở rộng mối quan hệ về công việc. Đó là cơ hội cho mình mở rộng kết nối biểu diễn nhiều hơn. Tôi muốn tận dụng cơ hội đó, còn trở về lúc nào mình cũng có thể. Tôi đã sử dụng hết 1 năm visa đó. Tôi vừa nộp đơn xin visa 2 năm nữa cho nghệ sĩ và đã được rồi.

Ở những nước tân tiến, có nền âm nhạc phát triển như Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ…, những gì về truyền thống văn hóa VN họ rất quan tâm

Châu Âu không dễ sống
Cuộc sống hiện tại của anh như thế nào?
Tôi sống khá ổn, đi diễn khá đều, thu nhập ổn định. Thu nhập cũng là một phần, mình không mong muốn giàu có, vừa đủ là được rồi. Ngoài ra, tôi sáng tác, làm những dự án mang tính quốc tế, diễn và tập luyện với cả những nghệ sĩ bên ngoài Hà Lan. Thật ra ở Hà Lan, tôi không hoạt động âm nhạc nhiều, phần lớn là ở các nước châu Âu khác.
Có vẻ châu Âu là nơi có nhiều “đất” cho âm nhạc dân tộc?
Nói nhiều “đất” thì chưa hẳn, cũng ở mức độ vừa phải. Một tháng có 1 đến 3 show thế là được rồi. Tôi chơi nhạc dân tộc một phần, phần nữa là chơi dòng nhạc hiện đại dựa trên chất liệu dân gian với phong cách hiện đại, nhạc cụ lạ, tạo ra những yếu tố khác lạ hơn là chỉ có yếu tố dân tộc. Chẳng hạn, tôi kết hợp với nghệ sĩ Nguyên Lê tạo ra không gian âm nhạc mới, cơ hội biểu diễn vì thế nhiều hơn. Nếu chỉ diễn mỗi nhạc dân tộc thì không dễ đâu, cũng có show nhưng không nhiều, trong khi kết hợp với các nghệ sĩ khác tạo ra không gian âm nhạc đa dạng hơn, mọi người thích hơn.
Nghệ sĩ indie (độc lập) như anh dễ sống tốt ở châu Âu?
Không có quá nhiều nghệ sĩ âm nhạc dân tộc người nước ngoài sống ở châu Âu. Trong số những nghệ sĩ ấy, nhiều người đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...
Người đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới2
Ngô Hồng Quang Ảnh: NSCC
Tùy vào từng người, khả năng từng người, nhưng không phải lúc nào họ cũng dễ sống. Với người làm nghề thực sự, ngoài việc kiếm tiền, họ còn sống bằng cách tạo ra những không gian biểu diễn, những không gian văn hóa có sự kết nối với khán giả. Cuộc sống của họ vui ở đấy hơn là việc kiếm nhiều tiền. Tôi cũng nằm trong đó. Ai cũng mong có nhiều tiền để làm cái này, cái kia, nhưng biết mức độ vừa đủ với mình thì tốt hơn. Những nhạc sĩ, đặc biệt những người chơi nhạc dân tộc thực sự khó giàu được.
Nhưng việc đi theo dòng nhạc dân tộc với một nghệ sĩ châu Á sẽ có nhiều lợi thế hơn là theo dòng nhạc phương Tây khi họ muốn sống và làm việc tại châu Âu?
Đúng ở một phần nào đấy thôi. Nếu nghệ sĩ châu Á đi học nhạc cụ phương Tây phải thực sự xuất sắc, phần lớn tốt nghiệp xong rất khó có việc. Show diễn nhạc cụ dân tộc nhiều, còn show diễn nhạc cụ phương Tây ít hơn. Tuy nhiên, họ nhìn ở góc độ con người nhiều hơn là âm nhạc. Không phủ nhận, điều đấy cũng là một lợi thế, nhưng không hẳn toàn bộ. Người ta thích mình ở tính cách, cá nhân, tố chất nghệ sĩ hơn là việc mình chơi nhạc cụ dân tộc.
Anh nhận thấy khán giả châu Âu đón nhận âm nhạc dân tộc của mình như thế nào?
Ở nước nào cũng thế, khán giả thường tò mò, quan tâm đến nền văn hóa, âm nhạc khác. Đặc biệt ở những nước tân tiến, có nền âm nhạc phát triển như Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ..., những gì về truyền thống văn hóa VN họ rất quan tâm. Họ quan tâm về nhạc cụ, về các thể loại âm nhạc của VN, con người nghệ sĩ. Nhưng không phải lúc nào dòng nhạc nào họ cũng nghe được, có dòng nhạc họ nói khó cảm, cũng cần thời gian; còn việc kết hợp yếu tố đương đại là những thứ rất hấp dẫn với họ.
Người đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới3
Kết nối văn hóa VN với quốc tế
Những bước đi tiếp theo của anh trên con đường nghệ thuật trong tương lai gần là gì?
Hiện tại tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở châu Âu với thời hạn visa 2 năm. Nếu không còn cảm thấy nhiều động lực sáng tạo thì tôi sẽ trở về. Thực ra, thời gian tôi biểu diễn, chia sẻ âm nhạc dân tộc VN với công chúng quốc tế đã từ rất lâu rồi. Tôi muốn quay trở lại, có nhiều hoạt động tích cực hơn ở VN trong thời gian tới. Khán giả trong nước bây giờ cũng khác. Nhiều người quan tâm đến dòng nhạc tôi đang đi, tầm lĩnh hội âm nhạc dân tộc kết hợp với đương đại của công chúng tốt hơn.
Có thể hiểu là anh sẽ trở về?
Đó là mong muốn của tôi. Về VN lúc nào tôi cũng vui, mình được nói tiếng Việt, ăn cơm Việt. Tôi nghĩ khán giả VN nhiều người chưa biết mình. Tôi muốn trở về tiếp cận với khán giả bằng việc diễn nhiều hơn, hay làm show mang tính kết nối văn hóa VN với quốc tế. Nói cách khác, bên cạnh việc đưa âm nhạc dân tộc đến công chúng quốc tế, tôi còn muốn đưa âm nhạc thế giới về VN.
Xin cảm ơn anh!
Người đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới4
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang sinh năm 1983 tại Hải Dương. Anh theo học Khoa Nhạc cụ dân tộc tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN từ năm 1994. Sau khi tốt nghiệp năm 2006, anh giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN từ năm 2006 - 2009.
Anh nhận học bổng của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan về sáng tác âm nhạc hiện đại trong thời gian 2 năm (2010 - 2012). Năm 2014, anh gửi dự án Nghiên cứu văn hóa Mông, khía cạnh ngôn ngữ, âm nhạc sang Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan và tiếp tục nhận học bổng khóa học sáng tác nhạc đương đại. Năm 2016, anh tham gia chương trình Nón - kết hợp giữa âm nhạc dân gian và múa đương đại cùng biên đạo - diễn viên múa Vũ Ngọc Khải.
Đầu năm 2017, album Hanoi Duo của anh và nghệ sĩ Nguyên Lê, kết hợp âm nhạc truyền thống VN (xẩm, quan họ Bắc Ninh, âm nhạc dân tộc miền núi phía bắc...), sử dụng các loại nhạc cụ điện tử và đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn chiêng dây, được Hãng đĩa ACT (Đức) tài trợ kinh phí, phát hành khắp châu Âu. Đêm nhạc Hanoi Duo cũng đã diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) vào tháng 2.2017. Với album này, 2 nghệ sĩ Ngô Hồng Quang và Nguyên Lê đã nhận được đề cử ở hạng mục Nhạc công của năm của giải thưởng danh giá Echo Jazz (Đức), dự kiến trao giải vào cuối tháng 5.
Tháng 1 vừa qua, Ngô Hồng Quang ra mắt album Nam nhi, đối thoại Đông - Tây, hát giao duyên quan họ Bắc Ninh kết hợp với ngũ tấu đàn dây.
Của hiếm của âm nhạc dân tộc
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long
Ảnh: NVCC
Với tôi, Ngô Hồng Quang giống như một của hiếm của âm nhạc dân tộc. Gắn bó với Ngô Hồng Quang từ ngày cậu ấy còn nhỏ, khi mới bắt đầu theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN và dõi theo từng bước đi của Quang cho tới thời điểm hiện nay, bên cạnh năng khiếu âm nhạc, tôi nhìn thấy được sự đam mê, ham học hỏi, luôn khao khát sáng tạo. Tất cả những thứ đó hội tụ trong Quang để rồi Quang tỏa sáng thành một tài năng âm nhạc tầm cỡ thế giới.
Không phải ngẫu nhiên, một mình Quang có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ. Cũng không phải ngẫu nhiên, Quang có cách hát đậm chất dân gian nhưng lại có những nét rất riêng chỉ cậu ấy có. Cũng không phải ngẫu nhiên khi chơi cùng các nhạc cụ và nghệ sĩ quốc tế, dù Quang chơi nhạc cụ dân tộc Việt, hát chất liệu âm nhạc Việt mà lại “nhuyễn” được vào nhau như thế… Để có được những điều đó, Quang đã phải dày công tìm hiểu, nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long
Một biểu tượng lớn trong số những nhạc sĩ dân tộc
Nghệ sĩ gốc Việt Nguyên Lê
Ảnh: T.L
Ngô Hồng Quang có thể chơi đàn nhị, đàn bầu tạo ra những âm thanh đầy ám ảnh. Anh ấy có thể chơi những loại nhạc cụ của các dân tộc thiểu số VN như đàn k’ny, đàn môi… và tạo ra những âm thanh mà người nghe không thể tưởng tượng rằng những loại nhạc cụ nhỏ bé và đơn giản ấy có thể mang lại. Ngô Hồng Quang là một biểu tượng lớn trong số “những nhạc sĩ dân tộc của ngày hôm nay” - cách tôi vẫn nói về những nghệ sĩ điêu luyện đến từ bất cứ nơi đâu, họ đã học tập, truyền tải và là hiện thân của truyền thống đất nước mình một cách xuất sắc nhất. Họ là những con người trẻ tuổi, đang khát khao được mở rộng và chia sẻ bản sắc của mình với cả thế giới. Họ học hỏi từ phương Tây nhưng không phủ nhận quá khứ. Họ giúp mọi người hiểu hiện đại không thay thế truyền thống, nhưng mang đến cho truyền thống những sức sống mới.
Nghệ sĩ gốc Việt Nguyên Lê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.