Người đứng sau "Cái đêm hôm ấy... "

24/04/2009 14:51 GMT+7

(TNTS) Hôm vừa rồi, lên viếng mộ ở Thanh Tước, Phúc Yên, tôi và con trai ghé thắp hương nơi nhà thơ Bế Kiến Quốc an nghỉ. Tấm di ảnh của anh vẫn còn tươi sau hương khói thời gian. Mới đấy mà đã 7 năm, kể từ ngày anh từ giã cõi đời lắm khổ đau và cũng nhiều hạnh phúc này. Thời gian ghê gớm thật, 7 năm tưởng như nó đã xóa bỏ những dấu tích còn lại về một con người, một nhà thơ.

Đồng hành cùng Phùng Gia Lộc

Tưởng như cứ nằm xuống là con người sẽ bị thời gian phủ lên ngay một lớp bụi dày của sự quên lãng rất vô tâm, nhất là vào cái thời hối hả sống, hối hả quên trong các đô thị chật ních người và khói bụi công nghiệp này. Nhưng hình ảnh Bế Kiến Quốc vẫn còn tươi nguyên trong ký ức bạn bè văn chương, bạn bè báo chí và trong những bài thơ mà anh để lại.

Sinh ngày 19.5.1949 tại Nam Định, Bế Kiến Quốc tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.  Hơn 20 năm công tác ở Báo Văn Nghệ, anh đã trải qua nhiều thăng trầm với nghề báo. Tuy vậy, ở anh luôn tràn đầytâm huyết, sáng tạo, giàu nghị lực, luôn tràn đầy niềm tin yêu vào sự tốt lành và cái thiện trong mỗi con người. Bế Kiến Quốc luôn luôn trăn trở, thao thức trước nỗi bất công mà mỗi một số phận phải gánh chịu.

Luôn tin yêu cuộc đời

Bế Kiến Quốc là nhà thơ đầy lý tưởng và khát vọng, ngọn lửa tinh thần sáng tạo ông mang trong mình từ thuở là sinh viên còn cháy mãi trong cuộc đời làm thơ, làm báo cho đến lúc Quốc qua đời. Khi nhà thơ còn sống, chưa bao giờ tôi thấy ngọn lửa ấy, niềm tin trong sáng ấy suy sụp trong Quốc - một con người trung thực, nhất quán, đòi hỏi rất cao ở mình và bạn bè, đồng nghiệp. Từ những bài thơ đầu tay hồi sinh viên cho tới những sáng tác sau này về thân phận, về những nỗi buồn thấm thía trong đời con người, ở đâu ta cũng thấy một nhân cách thơ Bế Kiến Quốc".

Quốc là một người luôn luôn nén mình, đốt cháy mình cho sự nghiệp thơ ca, ngọn lửa sáng tạo say mê luôn thôi thúc ông. Phẩm chất này thể hiện cả trong mấy chục năm Quốc làm Báo Văn Nghệ. Bế Kiến Quốc là một nhà thơ tiêu biểu của lớp chống Mỹ về khát vọng sống nhưng lúc còn sống thì ông chưa "xuất lộ" hết diện mạo thơ ca của mình và vì thế chưa được đánh giá đầy đủ. Chỉ đến khi ông qua đời, qua một số tập thơ in sau đó, ta mới thấy Bế Kiến Quốc là nhà thơ thật sự xuất sắc mà trước đó thơ của ông chỉ như một tảng băng nhô trên biển còn phần chìm bề thế của tảng băng thì chưa lộ diện. Phẩm chất ấy, nhân cách sống ấy giúp cho nguồn thơ của ông không vơi cạn, không thấy sự bế tắc khi ông đã lựa chọn đường đời và đường thơ rất chính xác.

Chủ tịch Hội nhà văn VN - Nhà thơ Hữu Thỉnh

Trong những năm báo chí cùng với đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, một loạt ký sự trên Báo Văn Nghệ đã gây tiếng vang lớn trong dư luận cả nước. Một trong những tác giả nổi bật thời điểm ấy là nhà báo Phùng Gia Lộc, người đã phải lánh nạn "cường hào mới" ở xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến tá túc ít tháng tại gia đình Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai (lúc đó đang ở nhờ một căn buồng của Báo Văn Nghệ, 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội). Trước đó, vào năm 1980, trong một chuyến đi công tác vào Thọ Xuân, Thanh Hóa, vợ chồng Bế Kiến Quốc đã quen biết với Phùng Gia Lộc, khi đó đang là cán bộ văn hóa của huyện Thọ Xuân.

Sáu, bảy năm sau, khi ra Hà Nội tìm vợ chồng Bế Kiến Quốc thì Phùng Gia Lộc đang gặp hoàn cảnh khá bi đát ở quê hương. Sau khi kể cho Quốc nghe nỗi "đoạn trường" mà những người nông dân ở một số làng quê của huyện Thọ Xuân đang phải nếm trải, được sự động viên của Quốc và một số bạn bè văn chương, Lộc đã viết luôn 2 bài ký Cái đêm hôm ấy đêm gì và Sau cái đêm hôm ấy đêm gì.

Sau khi được Bế Kiến Quốc biên tập, cả 2 bài đều đăng trên Văn Nghệ, làm xôn xao dư luận cả nước. Nhà báo Lê Xuân Kỳ đánh giá tính tích cực của các bài ký này: "Vào thời điểm ấy, nông thôn về cơ bản vẫn là bùn lầy, nước đọng, không điện, không nước tưới và một lớp "cường hào mới" đã xuất hiện, không xót xa sao được, nhưng trên các mặt báo toàn thấy những chuyện "đáng yêu". Giữa lúc đó Cái đêm hôm ấy đêm gì và một loạt bài báo của các tác giả khác ra đời. Trên mặt báo, Lộc đã gửi thông điệp nhắc nhủ toàn xã hội: nông thôn VN, nông nghiệp VN đang có vấn đề, đang kêu cứu và cần được đổi mới.

Công của anh là ở chỗ đó. Nhiều người cũng nghĩ như Lộc, cũng có thực tế và chữ nghĩa, nhưng không đủ dũng khí và tâm huyết để viết lên giấy. Bài báo có tiếng vang lớn trong cả nước, được hoan nghênh, nhưng ở quê của Lộc, cả xã chỉ có một thầy giáo đặt báo nên phản ứng không mãnh liệt như người ta đồn và điều đáng quý là mọi người đã tự điều chỉnh được".

Sau các bài ký ấy, Phùng Gia Lộc trở về quê, tiễn ông đi, bạn bè ở Báo Văn Nghệ quyên góp được dăm chục cân  gạo, ít quần áo, chăn màn cho gia đình anh. Năm 1992, Phùng Gia Lộc qua đời, một con người quanh năm suốt tháng phải vật lộn với khốn khó để mưu sinh, mà văn chương nhiều khi cũng chẳng mang lại cơm áo cho người cầm bút.

Những năm sau đó, Bế Kiến Quốc và một số bạn bè văn chương, báo chí cả nước còn một số lần quyên góp, gửi tiền về giúp đỡ gia đình cố nhà báo Phùng Gia Lộc. Tình cảm nồng ấm này còn được anh nhắc đến trong bài thơ Nhớ bạn  trong dịp cùng họa sĩ Thành Chương về thăm gia đình Phùng Gia Lộc ở Thọ Xuân: Ta theo như mộng/bạn đã mùa đông/Cát trơ bờ cạn/Chu đấy ư sông?/Đời người thấm thoát/Tri kỷ nhiều đâu/Đời sông bao chốc/Thay mấy phen cầu/Đầu làng cổ thụ/Chờ ta mà già/Bạn đừng khuất nữa/Sông đừng nước qua.

Tri kỷ với thành chương

Khi nhắc đến Bế Kiến Quốc người ta thường nói đến người bạn tri âm, tri kỷ nhất của nhà thơ là họa sĩ Thành Chương. Chơi thân thiết và gắn bó với nhau như bóng với hình suốt hơn 20 năm làm báo ở Văn Nghệ. Tình bạn đặc biệt của họ còn ảnh hưởng tới một số quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhau.

Họa sĩ Thành Chương bùi ngùi cảm động nhớ lại: "Có một số người chỉ đánh giá cao thơ Bế Kiến Quốc trên những tập thơ in sau lúc nhà thơ qua đời. Riêng tôi thì tôi đánh giá cao phẩm chất tài năng thơ của Quốc ngay khi ông còn sống. Chính vì thế góc độ bàn bè, tôi thường tâm sự với Quốc "ông chỉ nên làm thơ thôi - đừng nên làm lãnh đạo vì cái ông để lại cho đời là thơ ca, đấy mới là sự nghiệp chính của đời ông, cho nên tôi muốn ông chuyên tâm về việc đó".

Thành Chương cho biết, trong cuộc đời của mình, điều may mắn nhất là anh có được một người bạn thân thiết và tâm giao như Bế Kiến Quốc. Ít người biết rằng trong một số giai đoạn sáng tác hội họa của Thành Chương, Bế Kiến Quốc lại có những "cú hích" mở đầu quyết định. Cho đến nay, nhiều người không hiểu vì sao Thành Chương lại vẽ tự họa nhiều đến thế. Nhưng mọi việc bắt đầu từ một lần Bế Kiến Quốc tặng một bức chân dung gương mặt họa sĩ Thành Chương do chính anh vẽ, với những đường nét giản đơn, rất hay mà lại hiện đại.

Sau đó Thành Chương kể lại: "Tôi thao thức mãi về bức chân dung này và phát hiện ra gương mặt con người có rất nhiều nét biểu cảm đầy tính suy tư của hội họa. Từ đấy, tôi vẽ tự họa rất nhiều bằng các thể loại: sơn dầu, sơn mài, bột màu... và tạo nên một phong cách tự họa riêng. Thật ra, tự họa là mảnh đất mà mình được phép tự do sáng tạo nhiều nhất, vì không ngại ngần va chạm đến ai cả, vì mình chỉ vẽ chính mình chứ có vẽ gương mặt ai đâu. Nhưng cái bước ngoặt và động lực chính khiến tôi vẽ tự họa nhiều lại là từ Bế Kiến Quốc đấy".

Cũng như, một bài thơ của Bế Kiến Quốc cũng chính xuất phát từ một câu chuyện do Thành Chương kể lại về một lần một có một đám khách nước ngoài (người Mỹ) đến mua tranh của anh, họ hỏi chuyện và Thành Chương cũng kể về cuộc đời của mình trong những năm tháng chiến tranh khi xung phong vào bộ đội ra chiến trường chống Mỹ.

Lúc ấy người phiên dịch khuyên Thành Chương: "Nếu anh nói về chuyện ấy thì có thể họ sẽ ngại anh và không mua tranh của anh nữa đâu". Nhưng họa sĩ nói: "Tôi sẽ vẫn nói tất cả những chuyện ấy, tôi là tôi và tôi đã lựa chọn con đường ấy và không bao giờ chối bỏ cả, còn chuyện họ có mua tranh của tôi hay không lại là chuyện khác". Khi Thành Chương kể chuyện này cho Bế Kiến Quốc nghe, anh rất xúc động và sau đó có làm một bài thơ có những câu sau: Chúng ta không thể không thuộc về đâu/Khi tôi làm thơ, khi bạn vẽ/Đừng ai hỏi vì sao/Đã như thế, vẫn đang như thế/Từ những tháng năm nào/Không chọn lựa, nhưng không chối bỏ/Mảnh đất nơi mình cắt rốn chôn rau/Như người mẹ, ai có quyền chọn lựa?/Xin cảm ơn buồng trứng, bầu sữa và lời ru của mẹ/Chúng ta không thể không thuộc về đâu cả/Khi tôi làm thơ, khi bạn vẽ/Ta yêu thương, ta dại khờ, lầm lỡ/Trong một đời đầy thử thách ta qua/Xin cảm ơn đồng đội đã cùng ta/Chung cơn đói, chia niềm vui nỗi khổ/Người con gái ta yêu và cũng yêu ta/Xin cảm ơn mái tóc, làm môi, đôi tay, cặp vú/Ta chọn lựa và ta không chối bỏ...

Bế Kiến Quốc đã ở rất xa chúng ta nhưng bên tai tôi vẫn vẳng câu nói của anh với bạn bè: "Theo tôi, nếu thơ có một mục đích lớn lao nào đó là thơ phải nâng cao tâm hồn con người".

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.