Người phụ nữ thích... cái khó

06/03/2010 15:16 GMT+7

Với hơn 30 đầu phim tài liệu, nữ đạo diễn Nguyễn Hải Anh được khán giả và đồng nghiệp rất trân trọng, bởi tác phẩm của chị thường có đề tài khó, cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và đạt những chuẩn mực cao về văn hóa, lịch sử.

Những cuộc đời không đơn giản

Cao ráo, xinh xắn, ăn mặc có gu và tác phong chuyên nghiệp, Nguyễn Hải Anh thuộc tuýp phụ nữ hiện đại, được đào tạo bài bản và sở đắc một sự nhạy cảm nghề nghiệp đáng quý. Những nhân vật chị chọn để làm phim đều là những người có nhiều cống hiến cho xã hội, với những cuộc đời thường không đơn giản.

Khi làm phim về giáo sư Nguyễn Văn Xuân (Thầy Nguyễn Văn Xuân), Hải Anh đã hết sức kinh ngạc trước cuộc sống thường ngày quá đỗi lam lũ của vị giáo sư tài hoa và phóng khoáng. Biết rõ ông không có được hạnh phúc bình thường, nhưng chị không ngờ rằng ngay cả chỗ ngồi làm việc hằng ngày của ông cũng chưa bao giờ tươm tất. Bị từ chối ghi hình ngôi nhà của giáo sư nhiều lần, Hải Anh vẫn kiên trì đeo bám, và đã có được những thước phim trung thực nhất, gây thương cảm nhất về ông. Hình ảnh bầy gà sục khắp ngôi nhà giăng đầy mạng nhện, nhảy lên cả các chồng sách của vị giáo sư khiến người xem bàng hoàng xót xa hiểu rằng, hàng nghìn trang viết mà vị giáo sư già để lại đã ra đời trong hoàn cảnh thế nào…

 
Đạo diễn Nguyễn Hải Anh - Ảnh: nhân vật cung cấp

Làm phim về giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc, Hải Anh đã bôn ba vào Nam ra Bắc trong cả hai năm trời để săn những tài liệu về nhà trí thức - tình báo vô cùng đặc biệt này. Không đồng ý cho làm phim về mình, không cung cấp tài liệu, không giới thiệu các đường dây từng liên hệ…, vị tiến sĩ này hầu như bất hợp tác, thách đố tính kiên trì và lòng yêu nghề của cô đạo diễn. Ngay cả khi ông chịu giới thiệu những đồng chí của mình thì hầu hết họ đều đã rời khỏi vị trí công tác và biến mất tăm trong cuộc sống xô bồ thời hiện tại. Nhưng chính sự không bỏ cuộc của Hải Anh đã thuyết phục được ông, và ông đã nhiệt tình giúp đỡ đoàn phim cho đến tận phút cuối. Khi bộ phim hai tập Tiến sĩ - Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đình Ngọc được trình chiếu, rất đông trí thức miền Nam mới vỡ lẽ rằng, bề ngoài lập dị của ông tiến sĩ Toán - thần tượng của sinh viên ĐH Khoa học Sài Gòn thời trước 1975 ấy, thực ra chỉ nhằm che giấu một hoạt động tình báo đơn tuyến cực kỳ hiệu quả. Thật may mắn cho Hải Anh, đó cũng là tài liệu duy nhất mà giới truyền thông có được về một con người quá kín tiếng đã góp phần làm nên một góc lịch sử của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Một loạt phim về các vị tướng của Hải Anh cũng đều là những phim rất giá trị: đại tướng Lê Trọng Tấn (Vị tướng của những chiến trường nóng bỏng), thượng tướng Vũ Lăng, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại). Bên cạnh đó còn có các phim cũng để lại dấu ấn như: Hoàng thành Thăng Long, Bí mật về Thái giám, Đi tìm Nguyễn Sáng, Trần Bạch Đằng - Một người cầm bút, Bác sĩ Trần Đông A với đôi bàn tay thiên thần, Người khai phá đất hoang (về doanh nhân Đặng Thành Tâm)… Với nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng (phim Đi biển một mình), chị đã mô tả được tính cách đáng quý nhất của phụ nữ Việt Nam: khi cần mềm thì có thể mềm như liễu, nhưng khi cần cứng thì cũng cứng như đá hoa cương.

Đạo diễn Nguyễn Hải Anh sinh ngày 30.4.1968 tại Hà Nội; tốt nghiệp đại học và thạc sĩ Nghệ thuật học tại Viện Hàn lâm sân khấu - điện ảnh - âm nhạc Lê-nin-grat (Liên Xô cũ); công tác tại Hãng phim TFS - Đài truyền hình TP.HCM từ năm 2000. Từng đoạt các giải thưởng: Cánh diều bạc Hội Điện ảnh VN - 2001 (phim Thầy Nguyễn Văn Xuân); Huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc - 2003 (phim Đi biển một mình); Giải đặc biệt của Ban giám khảo LHP VN lần thứ 16 - 2009 (phim Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại); Đề cử tranh giải LHP quốc tế Amiens, Pháp - 2005 (phim Bà tôi)...

Đi tìm trang phục Việt

Bộ phim mới nhất của Hải Anh: Đi tìm trang phục Việt, dài 24 tập, được chiếu trên các kênh của HTV (dù vào các giờ không thuận lợi), là một sự khẳng định tiếp về nữ đạo diễn đầy cá tính này.

Thách thức được đặt ra cho bộ phim quá lớn: làm sao hình dung người Việt kể từ thời Vua Hùng đã ăn mặc ra sao? Lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt là một lịch sử bị chiến tranh chiếm cứ. Và kẻ thù của chúng ta đã sử dụng tất cả những thủ đoạn nham hiểm nhất để cố đồng hóa, cố xóa đi cái gốc văn hóa Việt, ngỡ rằng nhờ đó sẽ chiếm được tim óc của những thế hệ sau. Kiến trúc bị đập phá, văn tự bị đốt sạch, dân chúng bị đồng hóa…, vậy mà trải qua 4.000 năm, người Việt vẫn cứ là người Việt.

Hải Anh đã nhen nhóm ý tưởng về một bộ phim trang phục người Việt từ khi còn là sinh viên Viện Hàn lâm sân khấu - điện ảnh - âm nhạc Lê-nin-grat (Liên Xô cũ). Gần 20 năm sau khi ra trường, chị bắt đầu phác thảo kịch bản, tích lũy tài liệu, và mất một thời gian để tìm người tài trợ.

Trong ba năm thực hiện, đoàn phim đã lùng sục khắp các di tích, các bảo tàng từ Bắc chí Nam, đi qua hơn 40 tỉnh thành, chưa kể những chuyến ra nước ngoài. Họ đã làm việc ở hơn 30 bảo tàng từ u sang Á như: Bảo tàng Babier Muller (Genève - Thụy Sĩ), Bảo tàng Dân tộc học quốc gia Áo (Vienna), Bảo tàng Lịch sử ngành dệt (Lyon, Pháp), Bảo tàng Mỹ thuật và lịch sử Hoàng gia Bỉ (Brussels), Bảo tàng Lịch sử Tô Châu (Trung Quốc)…, chưa kể với các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Và cuối cùng, họ đã hoàn tất một tâm nguyện tốt đẹp: lộ trình tìm về văn hóa nguồn cội thông qua trang phục đã có được kết quả. 

Từ những sớ vải thời Đông Sơn còn lưu giữ được, đến những họa tiết trên trống đồng, trên vũ khí và đồ trang sức, trên tượng thờ, tượng trang trí, các phù điêu cùng những trang phục còn giữ được nguyên trạng…, đã giúp đoàn phim tích cóp từng hình ảnh, xác định từng sắc thái chuyển động của văn hóa Việt trong nhu cầu khẳng định sự độc lập về văn hóa - tâm linh, cái làm nên giá trị của từng cộng đồng, từng dân tộc. Từ long bào của vua cho đến loại trang phục bình dân, bao giờ người Việt cũng giữ được nét riêng trong tâm hồn mình, như là cách để tự bảo vệ trước những nền văn hóa khác.

Qua cố vấn của các nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ, Đoàn Thị Tình, Phan Cẩm Thượng, nội dung phim đủ sức thuyết phục được người xem, và qua bàn tay của các nghệ nhân thời nay, trang phục của nhiều tầng lớp người Việt thời quá khứ đã hiển hiện trước mắt chúng ta, đẹp đến nao lòng… 24 tập phim, mỗi tập như một giọt quá khứ, cứ rơi rơi, và càng lúc càng đầy lên trong tiếng hát âm hưởng của ca trù, như tiếng ru của mẹ u Cơ từ 4.000 năm vẫn còn vẳng lại. Những hình ảnh đan xen lời bình (của Phan Cẩm Thượng, Hải Anh, Hữu Bảo), cùng tiếng nhạc cứ quyện vào nhau, làm tuôn trào cảm xúc đầy tự hào của người dân Việt thời nay đang thức dậy một quá khứ bi hùng và tráng lệ…

Đi tìm trang phục Việt đã lấy đi của Hải Anh khá nhiều năng lượng, nhưng chỉ sau thời gian nghỉ rất ngắn, người phụ nữ này lại đang tìm tiếp cho mình một chân dung mới và tiếp tục con đường chinh phục cái khó. 

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.