‘Người tị nạn’ - những mảnh đời không hề mờ nhạt

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
06/03/2021 20:00 GMT+7

Tôi mua cuốn sách Người tị nạn (Tập truyện ngắn - tác giả Viet Thanh Nguyen; Phạm Viêm Phương dịch, NXB Hội Nhà văn) tại sân bay Tân Sơn Nhất, và đọc mê mải đến mức sém chút lỡ chuyến bay, bởi cuốn sách có một sức hút ghê gớm…

Trong Người tị nạn (tựa gốc: The Refugees), mỗi phận người lại mở ra một thế giới bí ẩn mà ta chưa từng biết, hoặc một cách sống của phận người mà ta từng huyễn tưởng sai lạc. Quả thực, mọi điều về người tị nạn, không nhất thiết là người Việt, đều không như ta nghĩ, qua ngòi bút Viet Thanh Nguyen.
Điều khiến tôi không thể đọc nhanh cuốn Người tị nạn bởi hành văn lạ của tác giả này. Không được đọc bản gốc Anh ngữ của tác giả Việt kiều Viet Thanh Nguyen, nhưng tôi một lần tự cho mình thoải mái tin tưởng vào bản dịch của Phạm Viêm Phương. Những câu văn có cách dùng từ ngữ, hành văn rất khác với tác giả Việt sống trong nước. Cái lạ đó níu kéo độc giả là tôi cứ đọc đi đọc lại mỗi câu văn, gắng để khai thác thêm ý nghĩa nào ngụ dưới tầng chữ được thể hiện thật khác thường. Có thể đó là sức nặng từ những suy tư đảo ngược, kiểu như câu tự thoại của nhân vật trong truyện ngắn Những người đàn bà mắt đen: “Có người nói niềm tin cháy bỏng bên trong họ, nhưng niềm tin mới tìm được này lại lạnh buốt đối với tôi”. Hoặc “Người chết đi tiếp, nhưng người sống, chúng ta chỉ ở đây”. Hay như đoạn hội thoại này: “Ông không sợ ma sao?” - Tôi hỏi. Trong nín lặng, nghe rõ cả tiếng nhiễu sóng rin rít. “Cô đâu có sợ những thứ cô tin”, ông nói.
Trong truyện ngắn Những người đàn bà mắt đen, tác giả Viet Thanh Nguyen chỉ ra những hồn ma chẳng đáng sợ hay ám ảnh như ta thường nghĩ, mặc cho những hồn ma đó là người tị nạn bị giết trên biển, không chấp nhận mình lìa đời oan uổng khi còn chưa biết đời, hoặc những hồn ma sinh ra từ một tai nạn trong máy bay… Bởi lẽ, những con người đang tồn tại ở đây, dường như cuộc sống của họ cũng đã chấm dứt kể từ ngày người thân của họ bị cướp đi mạng sống. Họ vĩnh viễn tị nạn trong ký ức thảm khốc của cái chết, của mất mát. Những việc họ làm trong hiện tại dường như lặp đi lặp lại vô nghĩa, chỉ có ký ức về cái chết là sống. Đương nhiên như thế, những hồn ma có thể trở về, hiện tồn trong nền tảng của những xác sống tạo nên. Ngòi bút của Viet Thanh Nguyen khắc họa thật sâu ám ảnh này, chỉ ra những mất mát không gì bù đắp nổi trong lựa chọn của những người ra đi.
Người tị nạn, dù ở tầng lớp nào, lao động chân tay, sống nhờ vả người bản xứ, hay tầng lớp trí thức, giới kinh doanh, và cả kẻ buôn lậu,… thì đã bằng cách thức thể hiện của riêng mình, tạo nên một bản thể khó có thể lãng quên. Viet Thanh Nguyen không áp đặt nhân vật theo một khuôn mẫu thông thường được chúng ta hiểu về người tị nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tác giả cho thấy những vệt đậm mà họ tạo ra và để lại trong nhân gian. Họ khẳng định cách sống không trùng khít với khuôn khổ xã hội, như nhân vật Louis Vũ trong truyện ngắn Vụ ghép tạng đã nói thẳng: “Và tôi không bao giờ nghĩ về quá khứ. Mỗi sáng thức dậy tôi là một con người mới”. Không quan trọng bạn làm gì để sống, quan trọng là bạn cư xử với chính mình ra sao.
I’d love you to want me” (Anh thích em muốn anh) là truyện ngắn đỉnh cao, có năng lực thức tỉnh lương tri con người. Ngòi bút tài tình của Viet Thanh Nguyen tỉ mỉ phân tích tâm lý nhân vật bà Khanh, sống với người chồng là giáo sư nghỉ hưu đang dần mất trí nhớ, ban đầu bà ghen khi chồng bà đột ngột gọi tên bà bằng tên người phụ nữ khác. Bà lục tìm quá khứ từ khi hai người mới quen biết, cưới nhau và sống ở Việt Nam, cho tới khi qua Mỹ tạo dựng cuộc đời khác, lục tìm mọi cảnh huống để tìm ra người phụ nữ bí mật mà chồng bà đã giấu kín qua bốn mươi năm chung sống cùng bà, và chỉ bất lực để lộ ra khi ông đã mất trí nhớ. Nhưng sau tất cả ghen tuông, nghi ngờ, sau những nhu cầu sở hữu, hay chính danh, công việc hay thụ hưởng, những thét gào đòi hỏi của bản ngã, thì bà Khanh đã được thức tỉnh bởi một tai nạn trong chính nhà mình do người chồng mất trí gây nên. Và chính lúc ấy, bà mới hiểu ra rằng, sự hiện hữu của chính chồng bà, của chính bà lúc này mới là có thật, để bà vượt qua được bản ngã, dũng cảm tự mình nhận tên của người phụ nữ kia một cách bình thản nhất.
Viet Thanh Nguyen bằng những truyện ngắn để cho các phận người tị nạn được soi tỏ, và ít nhiều tỏa sáng theo cách riêng của họ, còn chỉ ra một sự thật rằng, bất cứ ai, nếu như không thức tỉnh kịp thời, thì cũng đang là người tị nạn theo một cách nào đó trong đời mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.