Nguyễn Bính hành phương Nam - Bài 9: "Những vần thơ về chị Trúc"

16/03/2010 00:18 GMT+7

Trong nhiều bài thơ, đặc biệt là những bài sáng tác trên bước đường phiêu bạt ở phương Nam, Nguyễn Bính đã trút nỗi niềm tâm sự của mình với quê nhà, với “chị Trúc”. Vậy chị Trúc là ai? Mời nghe đọc bài

Người tình, người mẹ, người em gái nhỏ trong thơ xưa nay không thiếu. Trong khi đó, ngay từ những bài đầu tiên và sau này suốt cuộc đời thơ, Nguyễn Bính đã giới thiệu “chị Trúc” một cách thiết tha, đằm thắm.

 Ba bài thơ trong tập Lỡ bước sang ngang năm 1938 đều có ghi “Tặng chị Trúc”. Sau này chị Trúc cũng là người được Nguyễn Bính gửi gắm tâm sự trong những ngày hành phương Nam qua một số bài thơ như: Trăm câu một vần, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương... Chẳng hạn: “Tết này chưa chắc em về được/Em gửi về đây một tấm lòng/Ôi chị một em, em một chị/Giời làm xa cách mấy con sông/...Tết này, ô thế mà vui chán/Những một mình em uống rượu hồng/Rượu say nhớ chị hồi con gái/Thương chị từ khi chị lấy chồng...” (bài Xuân tha hương). Trong hồi ký Để nhớ Nguyễn Bính - những ngày ghé bến Hà Tiên, nữ sĩ Mộng Tuyết cũng đã viết: “...Bính thường quấn quýt bên tôi như một chú em ngoan ngoãn. Bính kể chuyện Hà Nội, chuyện giang hồ, chuyện “chị Trúc - người chị tinh thần đã an ủi Bính trong những lúc buồn nản” và hứa xem tôi như một người chị tinh thần thứ hai...”.

Theo nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn - người anh bà con cô cậu và là bạn thân của Nguyễn Bính - thì Nguyễn Bính mồ côi mẹ lúc mới 3 tháng tuổi. Trên Nguyễn Bính là hai người anh: Nguyễn Mạnh Phác và Nguyễn Ngọc Thu - không có người chị ruột nào. Tuy nhiên trong tác phẩm Nguyễn Bính và tôi, tác giả Bùi Hạnh Cẩn đã dành hẳn một chương Những bài thơ về chị Trúc để “giải mã” về nhân vật nữ vừa rất thật mà cũng rất bí hiểm này.

Chị Trúc tên thật là Lê N. Th. (ông Cẩn viết tắt như thế) - một người phụ nữ đẹp nổi tiếng ở Hà Đông vào những năm 1930 - 1940. Nhà có một hiệu ảnh nhưng anh chồng lại vướng vào nghiện ngập, hút sách suốt ngày cứ nằm co quắp bên bàn đèn để một mình chị vợ phải lo toan, gánh vác việc gia đình. Cho nên cũng dễ hiểu khi người thiếu phụ một con này gặp gỡ và đem lòng yêu Nguyễn Mạnh Phác (anh cả của Nguyễn Bính) - lúc đó đang dạy học và làm văn nghệ (viết kịch, viết báo, làm thơ...) ở thị xã Hà Đông. Vì là mối tình thầm lén nên chị Th. được những người trong cuộc gọi là “Trúc”. Yêu thương người tình nên chị Trúc cũng quý mến và rất chiều Nguyễn Bính, coi như em. Ngược lại, Nguyễn Bính cũng rất tôn trọng và cảm thông với cảnh ngộ ấy nên đã làm nhiều bài thơ chia sẻ nỗi niềm với chị Trúc.

Một bữa, nhà văn Lê Văn Trương về Hà Đông thăm bạn bè và mời Nguyễn Mạnh Phác viết cho báo Ích hữu do mình phụ trách. Đến lúc này thì Nguyễn Mạnh Phác cần có một bút hiệu. Theo lời ông thân sinh của Bùi Hạnh Cẩn (anh ruột của mẹ Nguyễn Bính - NV) thì bà thân của họ Nguyễn đã “đẻ rơi” Mạnh Phác ngoài đường lộ. Do vậy, Mạnh Phác còn có tên gọi ở nhà là “cu Đường”. Thế là họ bèn lấy tên “người em văn nghệ” của Mạnh Phác (cô Trúc) gắn với tên... cu Đường, thành bút hiệu là Trúc Đường (sau này Trúc Đường là nhà viết kịch nổi tiếng ở miền Bắc). Từ đó Trúc Đường thôi dạy học, lên Hà Nội làm báo Ích hữu rồi làm ở nhà in Lê Cường, mối tình với chị Trúc càng thêm thắm thiết.

Nhưng một hôm, chị Trúc đang ngồi đan áo tặng Trúc Đường thì hay tin nhà in Lê Cường vừa xuất bản tập thơ của một tác giả nữ do chính Trúc Đường biên tập. Người đẹp Hà Đông liền nổi máu “sư tử Hà Đông”, vứt chiếc áo đan dở sang một bên và tuyên bố không thèm gặp Trúc Đường nữa. Nguyễn Bính nghe chuyện rất buồn, gửi cho chị Trúc một bài thơ nhằm thanh minh cho anh trai: “...Người ấy yêu thương chị nhất đời/Trọ qua đêm ấy song người ấy/Với chị đêm nào cũng nhớ thương... Chị hãy nghe lời em bé đây/Hết buồn, hết khóc từ hôm nay/Vui lên chị ạ rồi đan áo/Em thấy cây vườn sắc lá thay...” (Gửi chị Trúc). Nhưng những lời thơ thiết tha, khẩn khoản ấy không ngăn được dòng nước mắt cũng như sự ghen hờn của người thiếu phụ. Nguyễn Bính lại gửi tiếp cho chị Trúc nhưng lời thơ thống thiết: “Em thấy hình như chị khóc luôn/Mấy ngày môi chị biệt ly son/Buồn không trang điểm, buồn không nói/Ai đã làm cho chị Trúc buồn?...Em hỏi vì sao? Chị lặng yên/Để lời em hỏi chịu vô duyên/Nhưng rồi chị kể loanh quanh mãi/Em mới hay rằng chị đã ghen” (Chị đã ghen)...

Những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ trước, trong không khí ngột ngạt của Đệ nhị Thế chiến sắp tràn tới Đông Dương thì những văn thi sĩ miền Bắc lại có phong trào “giang hồ vặt”, thích phiêu bạt, dịch chuyển. Nguyễn Bính cũng đã tỏ ra giận hờn, trách cứ Bùi Hạnh Cẩn khi ông anh bà con của mình “giang hồ bỏ cuộc nửa chừng”: “Tháng ngày lần lữa trôi qua/Gió Đông Nam vắng nghĩ mà buồn tênh/Nằm bên sông Mã xứ Thanh/Tôi buồn khi biết thuyền anh quay về” (Gửi Bùi Hạnh Cẩn). Năm 1943, mấy nhà thơ, nhà văn trẻ Nguyễn Bính, Tô Hoài, Vũ Trọng Can từ Bắc vào miền Trung, vô Nam rồi lại trở ra. Thời kỳ này, Mạnh Phác và chị Trúc luôn gửi tiền vào Huế “tiếp sức” cho cậu em vốn nghèo mà lại khoái đi giang hồ. Đó cũng là giai đoạn Nguyễn Bính viết Xuân tha hương và Xuân vẫn tha hương: “...Vườn nhà tết đến hoa còn nở?/Chị gửi cho em một cành hồng/(Tha hương chẳng gặp người tri kỷ/Một cánh hoa tươi đỡ lạnh lòng...)/Không hiểu vì sao hai đứa lại/Chung lưng làm một chuyến đi đày/Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế/Quên được làm sao bữa rượu này...” (Xuân tha hương); và: “Đêm ba mươi tết quê người cũng/Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương/Chị ạ, em không người nước Sở/Nhớ nhà đâu mượn tích Trương Lương/Đất khách tình dâng nhòa mắt lệ/Ôi nhà, ôi chị... ôi quê hương” (Xuân vẫn tha hương).

Chị Trúc chỉ là một hình bóng thoáng qua trong đời thơ Nguyễn Bính nhưng đã được nhà thơ trân trọng, tôn thờ đến hết đời. Ông mồ côi mẹ từ lúc còn ẵm ngửa, thiếu thốn tình mẫu tử lại không có chị, có em gái nào. Thế nên chị Trúc dù không có chút quan hệ huyết thống nhưng lại rất thân thiết, gần gũi trong tâm hồn hết sức nhạy cảm của nhà thơ. (Còn tiếp)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.